14:09 07/07/2025

Cha mẹ Việt đang lạm dụng thực phẩm chức năng cho trẻ?

Hoài Phương

Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp công bố các loại thực phẩm chức năng giả đã được lưu hành trên thị trường. Đây là mối nguy hiểm nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ em có sức đề kháng yếu, cơ thể đang trong giai đoạn phát triển…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký sản phẩm của 8 thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Cổ phần Dược phẩm Nano Pharma (Hà Nội), Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam (Hưng Yên), Công ty TNHH Thương mại & Dược phẩm Nguyễn Minh (Hà Nội), Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Vinh Thịnh Vượng (Hưng Yên) công bố.

Cụ thể, đó là các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Kingphar Super Kids (Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Vinh Thịnh Vượng); Enterovina (Côngty TNHH Thương mại & Dược phẩm Nguyễn Minh); Nato Thông huyết - Kingphar, Menmoren Ginkgo Plus Q10, Ống uống Men tiêu hoá và Omega 3-6-9 Plus Q10 Kingphar (Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam).

Ngoài ra, Cục an toàn thực phẩm cũng thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với 2 sản phẩm là Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Nano Iqmama Care và Nano Iqaquamin F do Công ty Cổ phần Dược phẩm Nano Pharma công bố.

Cha mẹ Việt đang lạm dụng thực phẩm chức năng cho trẻ? - Ảnh 1
Cha mẹ Việt đang lạm dụng thực phẩm chức năng cho trẻ? - Ảnh 2
 
Cha mẹ Việt đang lạm dụng thực phẩm chức năng cho trẻ? - Ảnh 3
Cha mẹ Việt đang lạm dụng thực phẩm chức năng cho trẻ? - Ảnh 4
 

Lý do thu hồi là trong tháng 6/2025, các công ty này đều có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm xin rút hồ sơ liên quan tới sản phẩm. Đáng chú ý, các sản phẩm bị thu hồi gồm nhiều loại men vi sinh, dung dịch giúp ăn ngon cho trẻ nhỏ, thực phẩm dành cho trẻ biếng ăn, gầy yếu, mẹ bầu... Theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, việc doanh nghiệp rút phiếu công bố không có nghĩa sẽ được miễn xử lý nếu sau đó phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật.

Trước đó,  kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2024 đến nay, Công ty TNHH Hải Bé đã bán qua các nền tảng mạng xã hội hơn 100.000 hộp sản phẩm “Siro ăn ngon Hải Bé”. Kết quả giám định các chỉ tiêu chất lượng xác định các chất chính tạo nên công dụng sản phẩm gồm Vitamin A, Calci, Vitamin C chỉ đạt dưới 70% so với công bố, theo quy định được xác định là "hàng giả".

Thực tế, nhu cầu bổ sung vitamin và các vi chất của trẻ em là có thật, nhưng phần lớn có thể được đáp ứng thông qua bữa ăn hàng ngày nếu khẩu phần đủ rau xanh, trái cây, ngũ cốc, sữa, thịt, cá… Tuy nhiên, thay vì tăng cường dinh dưỡng qua thực phẩm, nhiều phụ huynh lại lựa chọn cách nhanh hơn là bổ sung bằng viên uống, siro, viên sủi,… mà không có sự chỉ định của bác sĩ. 

Chỉ cần gõ từ khóa "thực phẩm chức năng cho trẻ" trên mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử, người dân có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều loại khác nhau. Nổi bật nhất là các sản phẩm hỗ trợ tăng chiều cao, phát triển trí tuệ hay giúp ăn ngon, tăng cân. Nguồn gốc có thể từ Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ... Giá cả cũng rất đa dạng, từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Tháng 5/2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ban hành văn bản thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm đối với 18 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH Abbott Healthcare Việt Nam công bố.
Tháng 5/2025, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ban hành văn bản thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm đối với 18 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH Abbott Healthcare Việt Nam công bố.

Rất nhiều thực phẩm chức năng trong số này là hàng "xách tay" hay sản phẩm "Đông y gia truyền" chưa qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng nhưng vẫn được rất nhiều người đặt mua qua mạng. Nhiều cha mẹ tin tưởng làm theo hướng dẫn sử dụng của người bán hàng dù họ không có chuyên môn hay bằng cấp về lĩnh vực này. 

Trong khi đó, một số thực phẩm chức năng được quảng cáo giống như thuốc có thể khiến cha mẹ dễ nhầm lẫn. Điều này sẽ rất tai hại nếu như cha mẹ cứ nghĩ uống thực phẩm chức năng là đủ mà quên thuốc, hoặc lạm dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe dẫn đến quá liều. Bên cạnh đó, nếu vì tin lời quảng cáo mà mua phải nhóm thực phẩm chức năng giả, các bậc cha mẹ không chỉ mất tiền mà trẻ nhỏ còn đối mặt với nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

Tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM, cho biết các sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm “gian lận thực phẩm” với các hành vi như: Cố ý thay thế, pha trộn, làm giả nguyên liệu hoặc gian dối thông tin nhãn mác vì mục đích lợi nhuận.

“Đối với thực phẩm chức năng giả, người dùng thường không nhận được lợi ích như mong đợi vì hàm lượng hoạt chất thấp hoặc chất lượng kém, đồng thời còn gây áp lực tinh thần do lo âu, căng thẳng khi phát hiện sản phẩm không an toàn hoặc không hiệu quả,”  TS Đồng cho biết.

Cha mẹ Việt đang lạm dụng thực phẩm chức năng cho trẻ? - Ảnh 5

Trước quan niệm cho rằng thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả chỉ “kém chất lượng một chút” và không nguy hiểm nếu dùng ngắn hạn, TS. Đồng khẳng định đây là suy nghĩ sai lầm. Theo ông, thực phẩm giả không chỉ thiếu dưỡng chất cần thiết như đạm, vitamin mà còn tiềm ẩn nguy cơ chứa chất gây dị ứng, kích ứng hoặc tích tụ độc tố như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, dẫn đến các bệnh mãn tính về lâu dài.

TS. Đồng cho hay ngay cả khi sử dụng trong thời gian ngắn, thực phẩm giả vẫn có thể làm giảm sức đề kháng, gây mệt mỏi, suy yếu cơ thể. “Đặc biệt, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh có nguy cơ mất đi cơ hội phát triển toàn diện. Nguy hiểm hơn, việc sử dụng thực phẩm chức năng giả khi đang mắc bệnh có thể làm chậm trễ điều trị, khiến tình trạng sức khỏe trở nên trầm trọng hơn,” TS Đồng nhấn mạnh.

Đồng tình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ thực tế nhiều phụ huynh vẫn nghĩ thuốc bổ có thể cho trẻ dùng để tăng đề kháng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc lạm dụng thực phẩm bổ sung có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

"Thiếu vitamin và khoáng chất thì không tốt cho sức khỏe, nhưng nếu thừa thì nguy hiểm không kém. Vì vậy khi sử dụng các loại thực phẩm bổ sung, vitamin... luôn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nhi", bác sĩ Dũng nói. 

Cha mẹ Việt đang lạm dụng thực phẩm chức năng cho trẻ? - Ảnh 6

“Không nên sính các loại thực phẩm này mà cho trẻ sử dụng một cách đại trà, kể cả khi điều kiện kinh tế cho phép, bởi chúng chỉ cung cấp một số yếu tố vi lượng, không thể đảm bảo cung cấp trọn vẹn dinh dưỡng thay thế cho bữa ăn hàng ngày. Cần nhắc lại rằng, việc đảm bảo sự cân bằng và trọn vẹn dưỡng chất trong bữa ăn hàng ngày vẫn là điều quan trọng nhất,” PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến cho rằng mọi loại thành phần bổ sung cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn nếu sử dụng tùy tiện, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhấn mạnh để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe của trẻ, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ các loại thuốc hay thực phẩm bổ sung nào. Đồng thời, phải dùng theo đúng đơn của bác sĩ cho mỗi lần khám.