08:34 11/07/2025

Ngành thời trang bị ảnh hưởng bởi Trái đất nóng lên

Quỳnh Chi

Những hiện tượng thời tiết cực đoan như đợt nắng nóng gay gắt vừa bao trùm châu Âu và Mỹ trong tuần này đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với hoạt động kinh doanh…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Suốt gần hai tuần qua, nhiều khu vực ở châu Âu và Mỹ đã phải chịu đựng hiệu ứng "heatwave" (sóng nhiệt) khi nhiệt độ tăng lên cao đột ngột, đẩy nền nhiệt lên mức nguy hiểm và bất thường.

Tại Tuần lễ Thời trang nam ở Paris, những chiếc quạt cầm tay đã trở thành phụ kiện "nóng" đúng nghĩa. Rihanna được cho là đã mang theo một chiếc quạt điện mini khi dự show diễn của thương hiệu AWGE. Khách mời tới buổi trình diễn của Hermès được phát khăn lạnh để làm mát, trong khi nước uống được chuyền tay nhau tại địa điểm của Grace Wales Bonner – nơi đặc biệt oi bức.

Riêng show diễn Dior được điều hòa nhiệt độ kỹ lưỡng nhằm bảo vệ các bức tranh quý giá của họa sĩ Chardin đang được trưng bày tại khu vực trình diễn.

Tuy nhiên, đợt nắng nóng không chỉ đơn thuần là một tuần oi ả khiến giới thời trang đổ mồ hôi, đó còn là dấu hiệu của những biến động khí hậu nguy hiểm và gây mất ổn định, cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn và trên diện rộng hơn, theo các nhà khoa học khí hậu. Điều đó đồng nghĩa với việc ngành thời trang đang đối mặt với rủi ro lớn hơn, đặc biệt về mặt tài chính.

Ngành thời trang bị ảnh hưởng bởi Trái đất nóng lên  - Ảnh 1

Thời tiết khó lường làm thay đổi hành vi mua sắm và khiến việc quản lý hàng tồn kho hay phối hợp danh mục sản phẩm trở nên khó khăn hơn. Nó đe dọa nguồn cung các nguyên liệu thô như bông, cashmere và da – khi lũ lụt và hạn hán đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng sản xuất.

Đồng thời, thời tiết cực đoan còn gây rủi ro cho sức khỏe người lao động, làm giảm năng suất sản xuất và gây ra những thách thức hậu cần thất thường. Thế nhưng, ngành thời trang dường như vẫn đang cho rằng mình có thể “chịu được sức nóng”.

QUẢN TRỊ RỦI RO HAY ĐÁNH CƯỢC VỚI RỦI RO?

Dù các thương hiệu lớn trong ngành thời trang đều thừa nhận biến đổi khí hậu là một rủi ro đối với hoạt động kinh doanh, nhưng theo các báo cáo pháp lý được công bố trong vài tháng qua, phần lớn không coi đây là yếu tố có ảnh hưởng tài chính đáng kể trong ngắn hạn.

Nhiều công ty lần đầu tiên công bố mức độ phân tích này theo các quy định báo cáo mới của châu Âu, vốn yêu cầu các doanh nghiệp lớn hoạt động trong khối thương mại phải đánh giá và công khai cách mà biến đổi khí hậu có thể tác động đến lợi nhuận của họ.

Ngành thời trang bị ảnh hưởng bởi Trái đất nóng lên  - Ảnh 2

Kering, Hermès và Richemont đều kết luận rằng mức độ rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu mà họ đang đối mặt hiện nay không gây ảnh hưởng đáng kể. Adidas tuyên bố hoạt động kinh doanh của họ đủ khả năng chống chịu trong “tương lai gần”. Tập đoàn Inditex – chủ sở hữu của Zara – đánh giá tác động tài chính từ các rủi ro khí hậu thực thể sẽ “tương đối hạn chế” trong vòng 5 năm tới.

Trong khi đó, LVMH thừa nhận rằng chi phí tăng cao đối với các nguyên liệu thô như da, cashmere, len, bông và lụa có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng ngay từ năm 2030. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng cho biết họ đã thực hiện các bước đi nhằm giảm thiểu rủi ro, thông qua việc chuyển sang sử dụng chất liệu có chứng nhận và có tác động thấp hơn đến môi trường.

Ngành thời trang bị ảnh hưởng bởi Trái đất nóng lên  - Ảnh 3

Những công bố này phần nào hé lộ một lý do vì sao các vấn đề khí hậu đang dần rời khỏi danh sách ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp, ngay cả khi hậu quả của tình trạng Trái đất nóng lên ngày càng rõ rệt.

Theo các doanh nghiệp, trong phạm vi mà các hiện tượng thời tiết cực đoan và gián đoạn liên quan đến khí hậu có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, họ cho rằng đã quản lý được những rủi ro này thông qua chuỗi cung ứng linh hoạt và đa dạng, các gói bảo hiểm, cũng như các kế hoạch chuyển đổi bao gồm giảm phát thải, chuyển sang sử dụng vật liệu ít tác động và tiết kiệm nước.

Vấn đề nằm ở chỗ hầu hết các công ty và quốc gia đều không thực hiện đầy đủ các cam kết về môi trường, khiến thế giới đang lao nhanh tới các điểm tới hạn về khí hậu nhanh hơn dự đoán. Trong giới bảo hiểm, nhà đầu tư và các chuyên gia khí hậu, ngày càng dấy lên mối lo ngại rằng các doanh nghiệp đang đánh giá thấp mức độ rủi ro mà họ phải đối mặt.

Ngành thời trang bị ảnh hưởng bởi Trái đất nóng lên  - Ảnh 4

“Nếu cách đây 5 năm có ai hỏi tôi rằng tình hình có thể tồi tệ đến mức nào, tôi sẽ không thể tưởng tượng ra những đợt sóng nhiệt như hiện nay,” ông Vidhura Ralapanawe, nhà khoa học khí hậu và Giám đốc bền vững của công ty cung ứng hàng may mặc Epic Group có trụ sở tại Hồng Kông, chia sẻ. “Tôi nghĩ mọi người đang đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của vấn đề”.

TÁC ĐỘNG KHÓ TRÁNH KHỎI

Đánh giá rủi ro khí hậu là một công việc đầy khó khăn. Quy trình này vừa tốn kém, vừa mang tính kỹ thuật cao và đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp, điều mà nhiều thương hiệu đơn giản là không có.

Các doanh nghiệp thường dựa vào nhiều kịch bản khác nhau để phân tích, nhưng bối cảnh khí hậu đang thay đổi nhanh chóng lại làm rối loạn các mô hình vốn phụ thuộc vào dữ liệu lịch sử để dự báo xu hướng tương lai. Việc thay đổi các giả định và giới hạn trong mô hình có thể dẫn đến những kết luận rất khác biệt.

Nhìn chung, các công ty thời trang vẫn chủ yếu dựa vào các kế hoạch giảm thiểu rủi ro và phương án dự phòng với giả định rằng chuỗi cung ứng của họ đủ linh hoạt để hấp thụ các cú sốc khí hậu trong ngắn hạn. Thế nhưng, việc xử lý các vấn đề chỉ sau khi khủng hoảng đã xảy ra có thể sẽ tốn kém hơn nhiều và thực tế có thể ít dư địa linh hoạt hơn so với tính toán ban đầu.

Các nhà cung cấp và người lao động của họ hiện đã phải vật lộn với hậu quả từ các đợt nắng nóng kéo dài nguy hiểm và nguy cơ lũ lụt ngày càng thường xuyên, dù cho đến nay những tác động đó vẫn chưa hoàn toàn phản ánh thành gián đoạn rõ rệt ở cấp độ thương hiệu.

“Tôi không tin rằng khi rủi ro khí hậu xảy ra đồng thời ở nhiều khu vực, chuỗi cung ứng của chúng ta sẽ có đủ độ co giãn để xoay chuyển. Sẽ không còn chỗ để các doanh nghiệp có thể dịch chuyển đến nữa”, ông Vidhura Ralapanawe nhận định.