14:06 07/07/2025

Đưa hàng Việt chất lượng cao đến tay người tiêu dùng

Tuệ Mỹ

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hệ thống siêu thị đã trưng bày hàng Việt tại các vị trí trung tâm. Bên cạnh đó là chú trọng xây dựng niềm tin với người tiêu dùng bằng các thương hiệu nội địa uy tín...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại siêu thị AEON Xuân Thủy, hàng hóa Việt Nam chiếm tới hơn 85% diện tích quầy kệ. Từ rau củ quả, thịt cá, đến hàng hóa tiêu dùng nhanh đều được bày biện bắt mắt, gọn gàng và dễ nhận diện.

Bà Lê Thị Hương Thắm, Giám đốc AEON Xuân Thủy, cho biết: “Người tiêu dùng Việt ngày càng tin dùng vào hàng Việt Nam. Bên cạnh những mặt hàng Việt uy tín, hệ thống siêu thị AEON cũng phát triển nhãn hàng riêng Topvalu, tập trung vào các mặt hàng sản xuất nội địa, có chất lượng tốt”.

Không chỉ đẩy mạnh trưng bày, các siêu thị còn triển khai hàng loạt chương trình kích cầu tiêu dùng, giảm giá sâu theo mùa vụ, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản trong nước. Ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc MM Mega Market Thăng Long, cho hay: “Siêu thị thường xuyên có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn cho trái cây nhiệt đới đến từ Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh miền Bắc. Đặc biệt, chúng tôi có rau xanh đến từ Mộc Châu, tươi ngon hàng ngày…”

VÀO SIÊU THỊ ĐỂ “NÉ” HÀNG GIẢ

Tại “Tuần lễ kết nối giao thương và không gian giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại hệ thống phân phối hiện đại Central Retail Việt Nam năm 2025” sáng ngày 4/7 vừa qua, anh Võ Công Hậu, đại diện CTCP Gạo Ông Thọ, cho biết việc đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận, sử dụng gạo thật 100%, nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo.

Đưa hàng Việt chất lượng cao đến tay người tiêu dùng - Ảnh 1

“Việc Gạo Ông Thọ có mặt trong hệ thống siêu thị lớn không chỉ giúp chúng tôi đến gần hơn với người tiêu dùng mà còn là cách minh bạch thông tin sản phẩm giữa lúc thực phẩm giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường", anh Hậu nói. Cùng với Gạo Ông Thọ, 39 doanh nghiệp khác đáp ứng tiêu chí đánh giá cũng được lựa chọn để trưng bày sản phẩm tại tuần lễ kết nối, gồm thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn, sản phẩm có lợi cho sức khỏe, nông sản như gạo, rau, củ, quả, trái cây...

Đây là sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các đơn vị nhỏ và vừa quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra ổn định qua kênh bán lẻ hiện đại.

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho biết hệ thống bán lẻ luôn yêu cầu cao về chất lượng và an toàn sản phẩm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp muốn đưa hàng vào siêu thị phải có chứng nhận rõ ràng, nguồn gốc minh bạch, quy trình sản xuất đạt chuẩn. “Sản phẩm ngon, tốt, an toàn và đúng giá là tiêu chí hàng đầu mà chúng tôi hướng đến cho người tiêu dùng”, ông nhấn mạnh.

Tương tự tại Saigon Co.op, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc, cho biết hiện tại tỷ lệ hàng Việt tại Saigon Co.op luôn duy trì ở mức 90 - 95%, đặc biệt là các ngành hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, nông sản và sản phẩm đặc sản vùng miền.

Không chỉ đưa hàng Việt lên kệ, hưởng ứng xu hướng tăng tốc số hóa từ Bộ Công thương, Saigon Co.op đang đẩy mạnh kênh bán hàng online (Co.opOnline), chương trình tích tem đổi quà, livestream giới thiệu nông sản Việt, số hóa thông tin truy xuất nguồn gốc…

Đưa hàng Việt chất lượng cao đến tay người tiêu dùng - Ảnh 2

Cũng nhằm chủ động kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến tay người tiêu dùng, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) đã thiết lập một hệ thống truy xuất và kiểm nghiệm 3 lớp, ứng dụng công nghệ hiện đại và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Một trong những bước đi nổi bật là việc SATRA áp dụng hệ thống mã QR truy xuất nguồn gốc cho hơn 80% mặt hàng thực phẩm, nông sản tươi sống tại chuỗi siêu thị Satramart và cửa hàng Satrafood. Hệ thống này cho phép ghi nhận đầy đủ các thông tin từ vùng nguyên liệu, quá trình sơ chế, đóng gói, vận chuyển về kho trung tâm cho đến khi hàng hóa lên kệ tại điểm bán. Dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực, bảo đảm tính liên tục và minh bạch xuyên suốt toàn chuỗi.

ĐỂ HÀNG VIỆT TRỞ THÀNH LỰC LƯỢNG CHỦ LỰC

Thống kê gần nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) chiếm khoảng 25 - 30% tổng mức bán lẻ hàng hóa, và con số này dự kiến sẽ còn tăng lên. Trong đó, các "đại gia" như Big C/GO! (Thái Lan), Lotte Mart (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản) hay Metro/MM Mega Market (Thái Lan) đang sở hữu mạng lưới rộng khắp và chiến lược bài bản. Ngay cả các chuỗi thuần Việt như Co.opmart, WinMart/Masan cũng đang phải chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ.

Đưa hàng Việt chất lượng cao đến tay người tiêu dùng - Ảnh 3

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường không có đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm để đáp ứng những yêu cầu đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối hiện đại.

Theo khảo sát gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), chi phí để đưa sản phẩm vào siêu thị có thể chiếm từ 15 - 30% giá bán, chưa kể chiết khấu cố định.

Sự lệ thuộc vào kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là các chuỗi siêu thị, cũng đặt doanh nghiệp nội vào thế yếu. Do đó, để hàng Việt thực sự có vị thế vững vàng, cần có một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn về các loại phí, chiết khấu mà nhà bán lẻ áp dụng.

Các hiệp hội ngành hàng cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc đại diện doanh nghiệp, đàm phán với các chuỗi siêu thị để đảm bảo các điều khoản hợp lý, tránh tình trạng ép giá.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt cần chủ động đa dạng hóa kênh phân phối, không chỉ dựa vào siêu thị. Phát triển kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tiếp qua mạng xã hội, xây dựng chuỗi cửa hàng chuyên biệt… là những hướng đi tiềm năng.

Doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh hơn vào R&D, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, xây dựng thương hiệu mạnh và áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại để giảm giá thành.

Tuần lễ kết nối giao thương và không gian giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại hệ thống Central Retail Việt Nam.
Tuần lễ kết nối giao thương và không gian giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại hệ thống Central Retail Việt Nam.

Nhận diện rõ những thách thức, cuối tháng 6/2025, Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong giai đoạn mới. Khác với giai đoạn tuyên truyền vận động trước đây, kế hoạch lần này nhấn mạnh tinh thần hành động cụ thể và thực chất, đưa hàng Việt trở thành lực lượng chủ lực trong tiêu dùng nội địa chứ không chỉ là biểu tượng yêu nước.

Để thực hiện, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, nổi bật như: phát triển thị trường nội địa gắn với thương mại hiện đại, thương mại điện tử và số hóa; xây dựng hệ thống phân phối lấy hàng Việt làm trung tâm; đẩy mạnh mô hình “Tinh hoa hàng Việt”; “Tự hào hàng Việt Nam”; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới trong tiếp thị, chăm sóc khách hàng và truy xuất nguồn gốc...