Nước hoa giả mang đến tác hại thật
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM về vụ việc lực lượng chức năng triệt phá đường dây mua bán hàng nghìn chai nước hoa giả tại TP.HCM. Số nước hoa giả này chủ yếu mang các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Bvlgari, YSL…

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược mới đây đã có đề nghị gửi Sở Y tế TP.HCM. Thứ nhất, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 địa phương, Cục Quản lý thị trường TP.HCM và các ngành chức năng liên quan để xác minh, tổng hợp thông tin liên quan đến vụ việc nêu trên.
Các nội dung xác minh bao gồm: Danh sách và số lượng các sản phẩm đã bị phát hiện, thu giữ; Hình ảnh, mẫu nhãn của sản phẩm, dấu hiệu nhận dạng, phân biệt với hàng hóa chính hãng, bao bì (nếu có); Thông tin về tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, phân phối; Kết quả xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng trên địa bàn và các biện pháp khắc phục hậu quả... Báo cáo thông tin chi tiết về Cục Quản lý Dược sớm để tổng hợp.
Trước đó, Công an TP.HCM khám xét tại 3 địa điểm là nơi đăng ký kinh doanh, đóng gói và kho, qua đó thu giữ hơn 10.000 chai nước hoa giả các loại với trị giá ước tính (tương đương hàng thật) hơn 10 tỷ đồng. Nguồn gốc nước hoa giả được mua từ những người nhập lậu hàng Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thuê nhiều địa điểm trên địa bàn TP.HCM để cất giấu.




Đồng thời, nhóm người này đã thuê 5 người thực hiện công đoạn phân loại, đóng gói thành các sản phẩm nước hoa giả nhiều thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Bvlgari, YSL, Dior... Băng nhóm trên đã lợi dụng các ứng dụng, hội nhóm trên không gian mạng và dịch vụ chuyển phát nhanh để tiêu thụ số hàng giả đặc biệt lớn đến khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố.
Hồi tháng 5/2025, Công an Bình Phước cũng cho biết đã phát hiện một đường dây sản xuất nước hoa giả lớn nhất tỉnh từ trước đến nay. Vụ án được phát giác từ việc lực lượng chức năng phát hiện một số tài khoản trên mạng xã hội rao bán nước hoa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vào cuộc xác minh, lực lượng công an đã thu giữ khoảng 20.000 chai nước hoa thành phẩm cùng hàng chục nghìn vỏ chai...
Nhóm nghi can khai hóa chất, nguyên liệu, tem nhãn, vỏ hộp nước hoa... đều được mua trên mạng xã hội. Sau đó pha chế bằng cách cho vào một nồi lớn dùng máy đánh trứng trộn đều, bơm xi lanh thành phẩm vào các chai dung tích 10 - 50ml. Nhóm này sau đó dán nhãn mác giả "Made in Dubai (UAE)", mã vạch lên chai, vỏ hộp. Cơ quan điều tra ước tính tổng giá trị hàng hóa nhóm nghi can bán ra thị trường khoảng 50 tỷ đồng...

Thực tế hiện nay, chỉ với một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến hay những sàn thương mại điện tử có lượng truy cập “khủng”, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp hàng loạt sản phẩm nước hoa gắn mác “chiết”, “siêu rẻ”, “full box chính hãng” với giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, một mức giá không tưởng nếu so với giá gốc của các thương hiệu nước hoa cao cấp như: Chanel, Dior, Gucci, Versace hay Lancome.
Thậm chí, hàng loạt fanpage, hội nhóm với tên gọi như “Nước hoa chiết xách tay chuẩn Auth”, “Sỉ lẻ nước hoa cao cấp toàn quốc”, “Nước hoa Pháp giá sinh viên”... mọc lên như nấm sau mưa, thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi và tương tác mỗi ngày. Trên các fanpage này, các bài đăng thường xuyên xuất hiện hình ảnh chai nước hoa gắn nhãn thương hiệu nổi tiếng, đi kèm lời quảng cáo “cam kết chuẩn Auth 1:1”, “mùi giống 99% bản gốc”, thậm chí còn nhận gia công nước hoa theo yêu cầu...
Trong đó, nhiều loại nước hoa giá rẻ trôi nổi thực chất chỉ được pha chế từ cồn công nghiệp, hương liệu tổng hợp và một lượng nhỏ tinh dầu thơm. Chi phí để sản xuất 100 ml nước hoa dạng này chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng, nếu sản xuất số lượng lớn còn có thể rẻ hơn. Do đó, khi bán ra với giá vài chục nghìn đồng vẫn có thể thu lời lớn.
Về việc sử dụng nước hoa giả, kém chất lượng, PGS.TS. Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết nếu là loại nước hoa giả nhưng làm giống như thật thì sự ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hạn chế hơn.

Nhưng nếu các đối tượng làm giả không giống hàng thật, sử dụng hóa chất công nghiệp và hóa chất cấm sử dụng, có thể gây hại như viêm da, tổn thương lỗ chân lông. Nếu người tiêu dùng sử dụng thường xuyên còn bị ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Nhiều loại nước hoa giả sử dụng hóa chất công nghiệp, khi hết mùi sẽ để lại mùi hôi hoặc gây nấm mốc trên da.
Còn theo bác sĩ Vũ Thái Hà, Bệnh viện Da liễu trung ương, việc sử dụng nước hoa giả, kém chất lượng sẽ gây viêm da. Khi người dùng đang có khoảng da hở, nếu sử dụng nước hoa giả có sử dụng hóa chất quá liều hoặc các chất tạo mùi sẽ ảnh hưởng đến da như viêm da tiếp xúc, tổn thương da hở.
Việc sử dụng nước hoa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là những loại chứa các chất hóa học như phthalates hay cineol có thể gây kích ứng da, viêm da tiếp xúc mạn tính, rối loạn nội tiết, dị tật thai nhi và tăng nguy cơ ung thư. Biểu hiện ban đầu có thể là da nóng rát, mẩn đỏ, lâu dài sẽ sưng tấy, nổi bọng nước, rất nguy hiểm.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết nước hoa nói riêng và mỹ phẩm nói chung là một trong những mặt hàng trọng điểm được Chi cục Quản lý thị trường đưa vào kế hoạch kiểm tra công tác hàng năm.
Trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra, xử lý 82 vụ vi phạm, tạm giữ gần 32.000 chai nước hoa các loại với tổng trị giá hơn 3,2 tỷ đồng. Qua đó, xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Qua quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, Sở Công Thương TP.HCM cho biết việc phân biệt nước hoa thật và giả ngày càng phức tạp do công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, từ bao bì, tem mác đến mùi hương. Đơn vị này cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ đến từ các nhãn hiệu hoặc đại diện nhãn hiệu trong công tác giám định.
Tại các cửa hàng, nhiều trường hợp người bán hàng giả chỉ trưng bày hàng thật với số lượng rất ít, trong khi hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc được cất trữ ở nơi khác, dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Sở Công Thương TP.HCM cho rằng sự thiếu hợp tác từ người tiêu dùng cũng là một trở ngại lớn.
Một bộ phận người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn chọn mua vì rẻ. Trong khi đó, một số người khi mua phải hàng giả lại không tố giác hoặc không cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, khiến việc điều tra càng thêm khó khăn.