11:00 04/07/2022

Ngành F&B toàn cầu khốn đốn vì thiếu thực phẩm

Tường Bách

Cuộc xung đột Nga - Ukraine, hậu dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, thời tiết khắc nghiệt cùng với lạm phát đang góp phần gây ra tình trạng khủng hoảng nguồn cung thực phẩm và buộc giá cả tăng cao tại hầu hết các nhà hàng trên thế giới...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sự thiếu hụt các mặt hàng thực phẩm phổ biến, từ rau diếp Australia, xúc xích Italy và bia đóng chai ở Đức, chính là dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng khổng lồ của thế giới  đang chịu nhiều áp lực, theo Bloomberg. Trong vài tháng qua, nhiều loại thực phẩm trở nên đắt đỏ hoặc khó tìm một cách bất thường. Điều này khiến các doanh nghiệp F&B phải tranh giành để tìm ra các lựa chọn thay thế nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng.

NHIỀU MÓN ĂN PHẢI RÚT KHỎI THỰC ĐƠN

Một trong những cái tên mới nhất cho danh sách các món khó tìm là tương ớt sriracha. Nhà sản xuất loại nước chấm mang tính biểu tượng, Huy Fong Foods Inc., đã buộc phải tạm ngừng sản xuất do thiếu ớt. Những người uống bia ở Đức đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chai, một phần là do cuộc chiến ở Ukraine, nơi cung cấp thủy tinh cho các nhà sản xuất bia. Tình trạng khan hiếm bỏng ngô ở Mỹ cũng trở thành nỗi lo lắng khi hàng triệu khán giả tìm đến các rạp chiếu phim vào mùa hè - mùa của những bom tấn điện ảnh. Ngay cả rau cũng khó kiếm hơn. Tình trạng khan hiếm rau diếp ở Úc đã khiến KFC đưa bắp cải vào bánh mì kẹp thịt.

Trong khi đó, món ăn được mệnh danh là “kim cương nâu” của ẩm thực Pháp giờ đây khó mà tìm thấy được tại Pháp. Cuộc khủng hoảng gia cầm khiến nguồn cung ứng gan ngỗng từ các trang trại đến nhà hàng bị đứt gãy khiến các nhà hàng hạng sang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Pascal Lombard, đầu bếp kiêm chủ nhà hàng sao Michelin Le 1862 nổi danh tại miền Nam nước Pháp chia sẻ với CNN rằng sản lượng gan ngỗng ở Pháp dự kiến giảm tới 50% trong năm nay. Điều này có nghĩa là các nhà hàng khó nhập gan ngỗng và sẽ buộc phải cân nhắc loại bỏ món ăn nổi tiếng này khỏi thực đơn.

Ở Anh, chuỗi cửa hàng Hooked Fish&Chips phía Tây London phải chật vật xoay sở với bão giá nguyên liệu đầu vào, từ cá, khoai, dầu ăn đến bột mì khiến chủ doanh nghiệp không kịp trở tay. Hiện tại món Fish&Chips trong cửa hàng có giá 9,5 bảng, tăng gần 2 bảng so với một năm trước. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng, thậm chí lên đến 11 bảng Anh - điều quá sức với bất kỳ người dân lao động nào. Để cứu vãn tình hình, chủ doanh nghiệp cho biết đang tìm cách cắt giảm chi phí, thay cá tuyết bằng loại cá minh thái rẻ hơn.

Tại Pháp, các nhà hàng khó nhập gan ngỗng và sẽ buộc phải cân nhắc loại bỏ món ăn nổi tiếng này khỏi thực đơn.
Tại Pháp, các nhà hàng khó nhập gan ngỗng và sẽ buộc phải cân nhắc loại bỏ món ăn nổi tiếng này khỏi thực đơn.

Tại châu Á, nơi nổi tiếng với các món ăn đường phố ngon với giá cả phải chăng, áp lực càng thấy rõ. Một cửa hàng cơm gà nổi tiếng nhất Singapore cho biết họ có thể phải tạm ngừng bán món ăn chính và chuyển sang phục vụ thực đơn thịt lợn, hải sản do không có gia cầm tươi từ Malaysia. Foo Kui Lian, chủ quán ăn Tian Tian Hainanese Chicken Rice, cho biết: "Chúng tôi sẽ không lựa chọn sử dụng thịt gà đông lạnh vì muốn đảm bảo hương vị món ăn. Quán đành phải chuyển sang phục vụ các món như đậu phụ rán, sườn lợn rán và salad tôm".

Trên những góc ẩm thực đường phố ở Jakarta (Indonesia), những người bán hàng đã giảm khẩu phần món cơm rang đặc trưng của nước này hoặc sử dụng các nguyên liệu thấp cấp hơn thay vì tăng giá. Bà Choi Sun-hwa, một chủ cửa hàng kim chi ở Hàn Quốc, cho biết chỉ mua được 7 cây cải thảo với mức giá mà bà từng mua được 10 cây. Kim chi truyền thống thường được phục vụ như món phụ miễn phí trong các nhà hàng Hàn Quốc, nhưng bây giờ nó được tính tiền như một món xa xỉ.

Tương tự, vì thiếu nguồn cung để làm khoai tây chiên, chuỗi tiệm ăn nhanh Burger King ở Nhật Bản đề nghị khách hàng chuyển sang ăn bánh hamburger với ramen giòn. Nhưng dù món ramen giòn được đánh giá là đậm vị và khoái khẩu, không phải thực khách nào cũng hài lòng trước sự thay đổi này. Trước đó, Burger King đã cân nhắc thay thế khoai tây chiên với các lựa chọn khác như mực nướng, bánh táo và thậm chí là mì ramen nấu. Tại Nhật Bản, Burger King có hơn 150 cửa hàng.

CUỘC KHỦNG HOẢNG CHƯA CÓ DẤU HIỆU DỪNG LẠI

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tượng lạm phát lương thực sẽ còn tiếp diễn trong cả năm 2022. Đó là do những nguyên nhân tạo nên tình trạng này vẫn không có nhiều thay đổi, như nguồn hàng khan hiếm, thời tiết xấu... trong khi nhu cầu tiêu dùng sau dịch bệnh gia tăng. Cùng lúc, từ sản xuất, trồng trọt tới những khâu liên quan trong chuỗi cung ứng như phân bón, vận chuyển... cũng đều đang gặp khó khăn. Rõ ràng những biểu hiện hiện tại mới chỉ là sự khởi đầu.

 
Hiện tại món Fish&Chips trong cửa hàng tại Anh có giá 9,5 bảng, tăng gần 2 bảng so với một năm trước. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng, thậm chí lên đến 11 bảng Anh - điều quá sức với bất kỳ người dân lao động nào.

Ông Stefan Vogel, Tổng Giám đốc nghiên cứu kinh doanh nông sản và thực phẩm của Úc và New Zealand, cho biết, tình trạng thiếu ngũ cốc và lương thực sẽ ngày càng trầm trọng do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine. “Năm ngoái, Ukraine xuất khẩu 70 triệu tấn ngũ cốc, gấp đôi số lượng xuất khẩu từ Úc, song năm nay con số đó sẽ chỉ là một phần nhỏ. Số lượng sẽ giảm ít nhất 45% và có thể nhiều hơn nữa", ông Vogel nói và nhấn mạnh thêm rằng nguồn cung trên toàn cầu có khả năng bị thắt chặt do hai cường quốc ngũ cốc Pháp và Đức đang đối mặt với khí hậu khô nóng, hạn hán.

“Về tổng thể, tôi cho rằng các lệnh cấm xuất khẩu sẽ làm gia tăng áp lực lên giá lương thực," bà Priyanka Kishore, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, chia sẻ với tờ CNBC. Khi giá cả hàng hóa trên thế giới tăng cao, một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu các loại thực phẩm chính nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa. Mới đây, Malaysia đã ra lệnh ngừng xuất khẩu gà, Argentina ra lệnh cấm xuất khẩu thịt bò, Iran ngừng xuất khẩu khoai tây, cà tím và cà chua. Ai Cập cấm xuất khẩu đậu, dầu ô liu, đậu lăng đỏ, lúa mì, ngô và dầu ăn, còn Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu lúa mì và hạn chế xuất khẩu đường ra nước ngoài…

Các doanh nghiệp F&B phải tranh giành để tìm ra các lựa chọn thay thế nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Các doanh nghiệp F&B phải tranh giành để tìm ra các lựa chọn thay thế nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Madhav Durbha, Phó Chủ tịch chiến lược chuỗi cung ứng của Coupa Software Inc., cho biết, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải suy nghĩ lại về cách thức và nơi họ sản xuất cũng như nguồn cung. Thông qua công nghệ mới và việc lập kế hoạch tốt hơn, họ có thể giảm thiểu sự chậm trễ tiềm ẩn, thất thu và phải “chữa cháy liên tục” để quản lý tình trạng thiếu hụt nguồn cung thực phẩm.

Trong khi đó, theo Giáo sư Paul Teng, Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, khi các quốc gia hạn chế xuất khẩu, chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng từ nhà sản xuất, chuỗi bán lẻ cho đến khách hàng. "Một số nhà sản xuất lo lắng cho hoạt động trong tương lai. Đặt cương vị là nhà bán lẻ, nếu bạn tăng giá các mặt hàng thì khách hàng sẽ rời đi và không mua hàng của bạn," ông Teng nhận định và dự báo, lạm phát đối với giá lương thực và các nhu yếu phẩm khác sẽ tăng khi xung đột giữa Nga và Ukraine không hạ nhiệt.

Khác với ông Teng, bà Priyanka Kishore cho rằng vào giữa năm 2023, giá hàng hóa thực phẩm và năng lượng sẽ giảm 10 - 15% so với một năm trước đó, giúp hạ nhiệt lạm phát trên toàn cầu. "Giá hàng hóa sẽ giảm đi. Dù hiện giá vẫn ở mức cao kỷ lục, tuy nhiên sẽ không có khả năng tiếp tục đi lên", bà Kishore nói. “Từ nay đến lúc đó, ngành F&B phải tìm cách giảm chi phí. Nếu không còn khả năng cắt giảm các chi phí như vận hành và tiền lương thì việc sống sót của các doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào những cách tiếp cận mới, thay đổi thực đơn hoặc tìm đến nguyên liệu bản địa là một ví dụ”.