Ngành nghề chính gặp khó, doanh nghiệp bất động sản nỗ lực tái cơ cấu, chuyển hướng kinh doanh
Theo các dự báo, khó khăn của ngành bất động sản dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2025. Để ứng phó, nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải tìm hướng kinh doanh mới, thậm chí là tạm ngừng, giải thể các chi nhánh...
Những khó khăn trên thị trường bất động sản kéo dài tiếp tục ảnh hưởng trầm trọng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê, tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 71,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 28,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 7,3%; 10,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,4%.
Trong đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể 605 doanh nghiệp, chưa kể tạm ngừng kinh doanh, ngừng làm thủ tục giải thể.
Trên thị trường chứng khoán, để "đối phó" giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải tìm hướng kinh doanh mới, thậm chí là tạm ngừng, giải thể các chi nhánh.
Bất động sản Cenland của Shark Hưng là ví dụ điển hình. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 của Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ ghi nhận trong kỳ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 337,8 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp 52 tỷ đồng. Nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận 4,8 tỷ đồng trong khi năm ngoái lỗ 87 tỷ đồng.
Khoản lỗ khác ghi nhận 3 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, Cenland báo lãi vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng trong quý 4/2023. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Cenland ghi nhận doanh thu 1.025 tỷ đồng và lãi 2,5 tỷ đồng. So với thời kỳ đỉnh cao, Cenland có lúc báo lãi lên tới gần 500 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, Cenland đã phải chuyển hướng sang lĩnh vực xúc tiến du học. Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch Cenland, Chủ tịch Cen Academy, cho biết sau hơn 1 năm mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực đào tạo cung ứng việc làm tại nước ngoài, Cen Academy chính thức có thêm thị trường mới là Nhật Bản.
Trong khi đó, việc phải giải thể, đóng cửa công ty con là một trong những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp phải thực hiện. Ngày 11/7 vừa qua, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, SCR) quyết định tạm ngừng kinh doanh Công ty CP Đầu tư Bất động sản TTC Land Hưng Điền trong vòng 12 tháng kể từ ngày 01/08/2024. Hiện, SCR đang nắm 61% TTC Land Hưng Điền.
Trước đó đầu tháng 7/2024, SCR đã thông báo giải thể cùng lúc 2 công ty con đều do SCR nắm 100% vốn để tái cơ cấu lại nhóm công ty con nhằm tối ưu việc vận hành, gồm Công ty TNHH MTV TTC Land Retail Management - doanh nghiệp trùng địa chỉ trụ sở chính với TTC Land Hưng Điền. Công ty còn lại là Công ty TNHH MTV Đầu tư Bất động sản TTC Land Phú Quốc có địa chỉ tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Trong tháng 6, Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, DIG) vừa thoái vốn hàng loạt khoản đầu tư, thay đổi hình thức hoạt động đơn vị góp vốn. Cụ thể, DIG công ty thông qua chủ trương thoái một phần vốn tại Công ty CP Gạch Men Anh Em DIC (DIC Anh Em). Thời gian chuyển nhượng trước ngày 30/9/2024. DIC Anh Em hiện là công ty con, do DIC Corp nắm tới 89,03% vốn.
Thành lập từ năm 2009 với vốn điều lệ 180 tỷ đồng, DIC Anh Em liên tục báo lỗ. Chỉ có năm 2010, 2018, 2019 doanh nghiệp này có lợi nhuận.
DIC Corp cũng thông qua chủ trương thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Cao su Phú Riềng Kratie. Thời gian chuyển nhượng hoàn tất trước ngày 30/9 năm nay. Tại báo cáo tài chính gần nhất, tính đến ngày 31/3, DIC Corp sở hữu 2 triệu cổ phần, tương ứng 5% vốn tại Cao su Phú Riềng Kratie. Trong đó, giá trị đầu tư là 20 tỷ đồng, đã trích lập 20 tỷ đồng và giá trị tài sản ròng là 0 đồng.
Hồi đầu năm, công ty PVR Hà Nội cho biết đã nhận được giấy xác nhận từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp về việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh một năm. Lý do để doanh nghiệp sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới để vượt qua giai đoạn khó khăn mà công ty gặp phải.
Hội đồng quản trị PVR đã ra quyết định về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trong đó nêu ra việc bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023 doanh nghiệp không có kinh phí để duy trì hoạt động. Dự kiến năm 2024, doanh nghiệp vẫn chưa có kinh phí hoạt động.
Những khó khăn của ngành bất động sản dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2025. Trong dự báo lợi nhuận mới đây, chứng khoán MBS cho rằng sẽ chưa chứng kiến sự đột phá trong Quý 2 về kết quả kinh doanh của nhóm này do thiếu dự án để bàn giao và tình trạng pháp lý của các dự án vẫn chưa thay đổi nhiều trước thời điểm ban hành các luật liên quan (dự kiến ngày 1/8/2024).
Các yếu tố như lãi suất, chi phí bán hàng giảm sẽ hỗ trợ phần nào cho lợi nhuận Quý 2 này. Lợi nhuận ròng toàn ngành nhiều khả năng đi ngang chủ yếu nhờ VHM khi doanh nghiệp có dự án đang bàn giao, có tình trạng pháp lý rõ ràng đi kèm với sự phát triển của các cơ sở hạ tầng xung quanh.
Một số doanh nghiệp khác có thể chứng kiến mức giảm so với cùng kỳ từ 50-70% như KDH, DXG do doanh thu bàn giao dự án sụt giảm khi so với mức nền cao của quý 2 năm 2023. Phân khúc đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian sắp tới do mang tính đầu cơ và gặp nhiều vấn đề về pháp lý.