08:00 14/09/2022

Ngành thời trang cần sẵn sàng gắn thêm “nhãn khí hậu”

Minh Nguyệt

Pháp vừa quy định các nhà sản xuất phải ghi nhãn chi tiết thông tin về tác động đối với khí hậu trên tất cả sản phẩm may mặc được bán ở nước này kể từ năm 2023. Dự kiến, các quốc gia còn lại trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng quy định này từ năm 2026...

Các quy tắc mà EU đề xuất gần đây sẽ buộc các hãng thời trang cải tổ cách thiết kế quần áo của họ để đáp ứng danh sách các tiêu chí bền vững chi phối mọi khía cạnh từ thời gian sử dụng của quần áo, đến tỷ lệ sợi tái chế của chúng. Các quy tắc này sẽ đánh dấu sự kết thúc của các loại sợi tổng hợp, quy trình may kém chất lượng và các biện pháp rút ngắn thời gian sản xuất. Nói cách khác, điều đó sẽ dẫn đến sự thoái trào của quần áo sản xuất hàng loạt, nhanh chóng với chi phí rẻ.

GIẢI PHÁP TỪ NHÃN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Quần áo là nhu cầu quan trọng đối với con người nhưng có một thực tế khắc nghiệt là ngành thời trang đang gây ô nhiễm và tàn phá môi trường rất lớn. Theo Liên hợp quốc, ngành thời trang gây ra 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, hơn cả lượng khí thải từ tất cả các chuyến bay quốc tế và hoạt động vận chuyển hàng hải cộng lại. Các nhà vận động vì môi trường cho biết nhãn đính kèm là một phần quan trọng của giải pháp.

“Việc phải cung cấp thông tin về tác động lên môi trường buộc các nhãn hàng minh bạch hơn trong khâu thu thập dữ liệu và tạo mối quan hệ lâu dài với nhà cung cấp của họ - những điều trước đây họ không quen làm. Mới nghe thì điều này có vẻ rất phức tạp nhưng những ngành khác đã áp dụng từ khá lâu, ví dụ như trong lĩnh vực vật tư y tế”, ông Victoire Sotto, chuyên gia nhãn hàng thuộc The Good Goods, một công ty tư vấn thời trang và bền vững của Pháp, cho biết.

Hiện, Cơ quan Môi trường và Năng lượng Pháp (Ademe) đang thử nghiệm 11 đề xuất về cách thu thập và so sánh dữ liệu trên 500 mặt hàng quần áo đang được bán ngoài thị trường. Dự kiến, đến mùa xuân 2023, Ademe sẽ đối chiếu kết quả thử nghiệm trước khi gửi báo cáo đến các nhà lập pháp. Một quan chức của Ademe cho biết quy định ghi nhãn về tác động của các sản phẩm quần áo với khí hậu sẽ là bắt buộc. Do đó, các thương hiệu thời trang cần sẵn sàng cho việc ghi nhãn các sản phẩm phục vụ truy xuất nguồn gốc: Nguyên liệu thô được trồng ở đâu và như thế nào? Những gì đã được sử dụng để nhuộm màu sản phẩm? Nhà máy chạy bằng năng lượng mặt trời hay than đá?...

Mới đây nhất, các thương hiệu thời trang từ quần áo đến giày dép đã lần lượt dán nhãn chỉ số tiêu thụ carbon lên sản phẩm.
Mới đây nhất, các thương hiệu thời trang từ quần áo đến giày dép đã lần lượt dán nhãn chỉ số tiêu thụ carbon lên sản phẩm.

Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, các thương hiệu có thể theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguyên liệu thô đến thành phẩm và giám sát việc tuân thủ quy định của các nhà cung cấp, dễ dàng xác định rủi ro tiềm ẩn trong quy trình sản xuất. Mới đây nhất, các thương hiệu thời trang từ quần áo như H&M, Zara đến giày dép như Allbird, Adidas… đã lần lượt dán nhãn chỉ số tiêu thụ carbon lên sản phẩm.

Allbirds, một hãng giày dép đến từ Mỹ, thông báo trở thành thương hiệu thời trang đầu tiên dán nhãn chỉ số khí thải carbon (carbon footprint) trên mọi sản phẩm. Theo Forbes, 7,6kg carbon là mức trung bình cho mỗi sản phẩm giày dép Allbirds, trong khi lượng khí thải carbon của một quần jeans tầm 29,6kg và xe đạp khoảng 240kg. Allbirds đã cùng các chuyên gia khí thải carbon phát triển công cụ đo cường độ carbon, chú trọng từ chất liệu, sự phát triển, sản xuất, cho đến khâu đóng gói và vận chuyển.

CHÌA KHÓA CỦA SỰ BỀN VỮNG

Theo thống kê, chỉ trong 15 năm đầu của thế kỷ XXI, số lượng quần áo được sản xuất ra thị trường tăng gấp đôi nhưng số lần mặc của một sản phẩm trước khi bị bỏ đi lại giảm xuống. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này là thời trang nhanh và mô hình kinh doanh thời trang nhanh chủ yếu cám dỗ người tiêu dùng mua sắm bằng cách cung cấp hàng may mặc với giá cực rẻ và các dòng sản phẩm mới liên tục ra đời.

Trong khi đó, một trong những cách nhanh nhất để cắt giảm sản lượng carbon của ngành công nghiệp thời trang là khuyến khích người mua sắm mặc đi mặc lại số quần áo hiện có của họ nhiều hơn. Theo Quỹ Ellen MacArthur:

 
Việc sử dụng hàng may mặc gấp đôi số lần sẽ làm giảm 44% lượng khí thải của ngành. Theo nhận định từ nhiều chuyên gia trên thế giới, thời trang nhanh sẽ suy giảm đến 24% trong vòng 5 năm tới.

Tại COP26, một trong những từ khóa xuất hiện nhiều nhất là “giảm phát triển”, có thể hiểu là tạo ra ít sản phẩm hơn. Sự giảm phát triển bắt đầu bằng việc từ chối mô hình kinh doanh thời trang nhanh và tạo ra một hệ sinh thái thời trang cho từng địa phương, khu vực. Các nhà thiết kế có thể tiên phong cho hướng đi trên thông qua việc sản xuất các bộ sưu tập không chạy theo xu hướng, có tuổi thọ cao, chấm dứt các mô hình sản xuất lãng phí. Dịch vụ sửa chữa và đổi trả cần được phát triển mạnh hơn để giảm nhu cầu mua bán...

Ngoài ra, một trong những hướng đi quan trọng hầu hết các công ty đang triển khai là thực hiện các chương trình tái chế. Các đơn vị sản xuất dần chuyển sang tận dụng năng lượng mặt trời nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt. Đóng gói bao bì xanh, dùng thuốc nhuộm có nguồn gốc từ vi khuẩn, triển khai chuỗi cung ứng blockchain và giới thiệu khả năng truy xuất nguồn gốc để tăng tính minh bạch là một số giải pháp mới nhằm đạt được mục tiêu bền vững tốt hơn.

Trong những năm gần đây, EU đã cố gắng tận dụng lợi thế quy mô thị trường rộng lớn của khu vực này để thực hiện nhiều mục tiêu xanh, từ thuế carbon đến mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với rác thải điện tử và rác thải nhựa. Theo Eurostat, EU hiện là nhà nhập khẩu quần áo lớn nhất thế giới, với năm nguồn hàng lớn nhất đến từ Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Ấn Độ. Do đó, các thương hiệu thời trang như Decathlon, Uniqlo và H&M cho biết họ đang làm việc với các nhà sản xuất gia công ở châu Á để chuẩn bị đáp ứng các quy định mới của EU.

Các thương hiệu thời trang cần sẵn sàng cho việc ghi nhãn các sản phẩm phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Các thương hiệu thời trang cần sẵn sàng cho việc ghi nhãn các sản phẩm phục vụ truy xuất nguồn gốc.

Các nhà máy châu Á dự kiến sẽ tốn kém thêm chi phí để tuân thủ tăng theo các quy định mới trong chiến lược của EC. Các nhà cung cấp hàng may mặc ở Quảng Châu ước tính chi phí sẽ tăng thêm 50% nếu họ buộc phải chuyển sang sử dụng nguyên liệu có thể tái chế được chứng nhận. Tuy nhiên, “thái độ của người tiêu dùng đang thay đổi sau đại dịch Covid-19 khi nhiều người chấp nhận cách tiếp cận “ít hơn là nhiều hơn” (“less is more”) để tận hưởng cuộc sống”, hãng tư vấn quản lý McKinsey cho biết trong báo cáo hàng năm về thời trang.

Cuộc khảo sát của McKinsey cho thấy 65% người mua sắm có kế hoạch mua sắm các mặt hàng chất lượng cao, có thể sử dụng lâu dài. Do đó, các doanh nghiệp dệt may cho biết động cơ lợi nhuận sẽ buộc họ chuyển đổi để đáp ứng để tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững mới của EU. Rahul Mehta, thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất quần áo Ấn Độ, nói: “Đó là cách thế giới đang chuyển động, cho dù chúng ta có muốn hay không. Tôi nghĩ rằng nếu tiếp tục tham gia thị trường, chúng ta phải bám theo nhu cầu của khách hàng”.