10:04 08/09/2022

Khi thời trang xa xỉ thành phương thức quảng cáo đồ ăn

Minh Nguyệt

Chẳng ai còn xa lạ với những thương vụ hợp tác của các nhãn hàng nước giải khát với những ngôi sao giải trí đình đám. Nhưng giờ đây, đến cả các chuỗi nhà hàng, món ăn nhanh hay các loại nước sốt cũng muốn được “bắt tay” với thời trang cao cấp…

Ngành thời trang phát triển mạnh mẽ tựa vũ bão trong những năm gần đây. Không chỉ những thương hiệu thời trang xa xỉ đạt được doanh số ngất ngưởng đều đặn mà ngay cả các thương hiệu bình dân như Zara, H&M, Shein - những cái tên đã góp công phủ sóng thời trang tới mọi ngóc ngách - đều có mức lợi nhuận cao chóng mặt. Chính điều này biến thời trang, bên cạnh âm nhạc và thể thao, trở thành một kênh marketing mạnh mẽ và hiệu quả cho những sản phẩm của nền kinh tế thị trường.

Nhờ đó, thời trang trở nên ngày càng rộng mở và bớt độc quyền, kín cổng cao tường hơn. Khởi đầu bằng việc cách đây hàng chục năm, Coca-Cola bất ngờ tung ra chiến dịch quảng cáo cùng Karl Lagerfeld - "ông hoàng đầu bạc" tài hoa phía sau những bộ sưu tập đầy tính đột phá và lộng lẫy bậc nhất cho Chanel và Fendi. Dự định ban đầu chỉ dành cho thị trường Pháp, nhưng cuối cùng những chai Coca-Cola Light màu trắng và hồng in hình Karl Lagerdeld vẫn lan ra khắp cả châu Âu.

Tiếp theo thành công vang dội này, hàng loạt tên tuổi lớn đã nhượng quyền sử dụng hình ảnh của mình cho Coca-Cola. Sau đó thì, từ những cái tên ai-cũng-biết như Versace, Marc Jacobs đến cả những kẻ kín tiếng hơn như Comme des Garçons, ai ai cũng có một phiên bản chai Coca-Cola của riêng mình. Pepsi cũng không kém cạnh gì khi gom về tay mình hàng loạt nhà thiết kế mới nổi - như Nicola Formichetti, và cả một hợp đồng để cùng hỗ trợ những nhà thiết kế trẻ tuổi với Tạp chí Vogue Italy.

Những nguồn lực sáng tạo mạnh mẽ từ thế giới thời trang giúp khẳng định lại tính chính danh của các thương hiệu nước giải khát và làm bền chặt mối quan hệ của họ với khách hàng. Mặt khác, một nghiên cứu thị trường đã cho thấy, nhóm phụ nữ thuộc đối tượng khách hàng của Diet Coke hay Coca-Light (dòng sản phẩm nước ngọt không có calories) cũng mến mộ các thương hiệu thời trang cao cấp như Chanel; vì thế một hợp đồng với Karl Lagerfeld là giải pháp dễ dàng và tối ưu nhất.

Khi thời trang xa xỉ thành phương thức quảng cáo đồ ăn - Ảnh 1
Khi thời trang xa xỉ thành phương thức quảng cáo đồ ăn - Ảnh 2
 

Dù gì đi nữa, thước đo thành công cuối cùng cho mọi chiêu bài kinh doanh vẫn chính là doanh số. Và quả thật, những chiến dịch quảng cáo cùng thế giới thời trang đã được xác nhận bởi sự thành công vang dội: làm gia tăng lòng yêu mến của người tiêu dùng cho thương hiệu, hay nói một cách thực dụng hơn, chính là tăng lượng tiêu thụ nước giải khát.

Hiện tại, trong tình hình kinh tế đang phục hồi sau đại dịch, các thương hiệu thời trang cũng đẩy mạnh kết hợp với những thương hiệu nhà hàng nổi tiếng và các trải nghiệm đồ ăn ngon miệng, với mục tiêu thúc đẩy mọi người quay trở lại với mua sắm trực tiếp truyền thống.

Tại Anh, chuỗi bánh mì Greggs đã hợp tác cùng nhà bán lẻ thời trang nhanh Primark, cho ra đời những chiếc áo khoác có in logo. Kết quả là hàng nghìn người hâm mộ món bánh đã xếp hàng hàng giờ để nhận được chiếc áo này. Hoặc thương hiệu thời trang Coach ra mắt bộ sưu tập in hình chiếc bánh mì vòng của Zabar, và bất cả đều cháy hàng online.

Khi thời trang xa xỉ thành phương thức quảng cáo đồ ăn - Ảnh 3
Khi thời trang xa xỉ thành phương thức quảng cáo đồ ăn - Ảnh 4
 

Gần đây, tại cửa hàng ở Time Square của mình, Levi’s cho ra mắt Levi’s Fresh - sự hồi sinh của bộ sưu tập Fresh Produce những năm 1970 - được lấy cảm hứng từ các sản phẩm tươi sống. Để đem đến cảm giác và giới thiệu được các sản phẩm của họ được sản xuất bằng thuốc nhuộm thực vật và các khoáng chất tự nhiên cũng như dùng các kỹ thuật tiết kiệm nước, Levi’s hợp tác với Pressed để tạo ra một không gian giống như chợ nông sản nhỏ, quầy nước trái cây và xe bus.

Đặc biệt nhất, hãng nước sốt Heinz quyết định ra mắt bộ sưu tập thời trang lấy chính những vết ố trên vải làm trọng tâm. Ông vua sốt cà chua đã kết hợp với ThredUp có trụ sở tại Oakland, tung ra bộ sưu tập Heinz Vintage Drip, được quảng cáo là dòng thời trang "độc nhất vô nhị" với "157 món đồ thời trang dạo phố và đồ thiết kế cũ, mỗi chiếc đều có một vết tương cà độc đáo của Heinz" được bán độc quyền thông qua trang web của ThredUp.

Khi thời trang xa xỉ thành phương thức quảng cáo đồ ăn - Ảnh 5
Khi thời trang xa xỉ thành phương thức quảng cáo đồ ăn - Ảnh 6
 
Khi thời trang xa xỉ thành phương thức quảng cáo đồ ăn - Ảnh 7
Khi thời trang xa xỉ thành phương thức quảng cáo đồ ăn - Ảnh 8
 

Một đại diện của Heinz xác nhận các vết bẩn là tương cà Heinz thực sự, có nghĩa là nó có thể sẽ bị giặt sạch dần theo thời gian. Alyssa Cicero, giám đốc thương hiệu của Heinz cho biết: “Chúng tôi thấy một cơ hội để xem vết bẩn mà chúng ta để lại trên quần áo như một biểu tượng thương hiệu. Bộ sưu tập này nhằm tôn vinh cách mà vết tương cà Heinz thêm cá tính vào quần áo, thông qua đó chúng tôi mời công chúng đón nhận một biểu tượng mới."

Heinz và ThredUp cho biết 100% số tiền thu được từ sự hợp tác này sẽ được chuyển đến tổ chức Rise Against Hunger để hỗ trợ cứu trợ nạn đói trên toàn cầu. Bộ sưu tập Heinz Vintage Drip sẽ được bán trực tuyến ở Hoa Kỳ và Canada độc quyền trên trang web của ThredUP với đủ sản phẩm cho mọi kích cỡ và giới tính. Đợt giảm giá đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 30/8, tiếp theo là nhóm sản phẩm thứ hai gồm "các mặt hàng độc quyền hơn" sẽ được phát hành vào ngày 13/9.