08:40 23/12/2023

Nhiều địa phương “thúc” sở, ngành tìm giải pháp cho trái phiếu bất động sản

Ban Mai

Nhiều địa phương yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng khẩn trương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng; tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện 1177/CĐ-TTg (ngày 23/11/2023) về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, các địa phương đã lên kế hoạch và tìm giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả…

Mới đây nhất, ngày 18/12/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Công văn số 34/UBND-TH yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh… Trong đó, xử lý, giải quyết, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cho các dự án bất động sản; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng...; ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Kiên quyết không để tình trạng xử lý lòng vòng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản.

Các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết, tháo gỡ ngay các vướng mắc, chậm trễ về giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất.

Trước đó, ngày 5/12/2023, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có văn bản triển khai Công điện số 1177/CĐ-TTg (ngày 23/11/2023) của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành liên quan lập thẩm định, phê duyệt quy hoạch; thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng... ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đồng thời giao Sở Xây dựng chủ trì đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn làm cơ sở để triển khai các dự án bất động sản hiệu quả, phù hợp, đồng bộ, hiện đại.

Ngoài ra, các địa phương cũng yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã giao cụ thể tại Quyết định số 338/QĐ-TTg (ngày 03/4/2023) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có tổng dư nợ lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh toán do thanh toán bất động sản trầm lắng, dòng tiền khó khăn. Năm 2024, có gần 155.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn. Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn ảm đạm, áp lực trả nợ trái phiếu đối với nhóm ngành bất động sản là lớn nhất.

Số liệu thống kê từ FiinGroup cho thấy, ngân hàng và bất động sản vẫn là 02 nhóm ngành có quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong 11 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, ngành ngân hàng phát hành đạt giá trị 120.200 tỷ đồng (chiếm 47,5%), ngành bất động sản đứng thứ hai với gần 83.000 tỷ đồng (chiếm 32,8%).

Tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản đã đạt 75.400 tỷ đồng cho giai đoạn 11 tháng năm 2023 và bằng 113% so với cả năm 2022.

Theo FiinGroup, việc phát hành trái phiếu như một phần của hoạt động tái cấu trúc lại cơ cấu nợ của doanh nghiệp. Đơn vị này dự báo năm 2024 sẽ vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể phát hành thành công khi các giải pháp của Chính phủ được triển khai mạnh và rộng hơn, nhất là đối với vấn đề pháp lý dự án. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn trong minh bạch thông tin đến với thị trường và thực hiện tốt các quy định hiện nay.