Những cuộc “đại tu” đem lại doanh thu cho Lanvin Group
Lanvin là thương hiệu hàng đầu trong Tập đoàn Lanvin, một tập đoàn sang trọng bao gồm St John Knits, Wolford và Sergio Rossi. Tập đoàn Lanvin, được kiểm soát bởi một nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, đã niêm yết công khai vào tháng 12 năm ngoái tại New York…
Thương hiệu cao cấp và lâu đời của Pháp hiện thuộc sở hữu của Fosun Fashion Group (năm ngoái đã đổi tên thành Lanvin Group). Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ khi L’Oréal Paris bán lại thương hiệu Lanvin cho bà Shaw-Lan Wang, một tài phiệt người Đài Loan. Bà Wang làm giàu từ ngành truyền thông, nhưng có lẽ không phải là một người phù hợp để điều hành Lanvin.
Trong 3 năm liên tiếp, từ 2014 đến 2017, doanh thu sụt giảm nặng nề ở Lanvin. Bà Wang bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư. Bà nhận được sự chào đón từ hai tập đoàn lớn: Mayhoola của Qatar; và Fosun của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mayhoola chỉ đồng ý mua nếu được sở hữu 100% Lanvin – như cách họ đã làm với Balmain và Valentino. Cuối cùng, bà Wang chọn Fosun, vì họ cho phép bà giữ lại 20% cổ phần.
Tập đoàn Fosun ngay lập tức chọn một CEO mới, ông Jean-Philippe Hecquet. Một người từng trải với 11 năm kinh nghiệm tại Louis Vuitton. “Chúng tôi sẽ đi theo quỹ đạo của Dior, Chanel, Louis Vuitton. Cao cấp như những gì show diễn Lanvin Xuân Hè 2020 miêu tả”, ông Hecquet nói. “Sang trọng, nhưng vẫn có gì đó mới mẻ. Bởi sáng tạo rất quan trọng trong ngành thời trang xa xỉ”.
Tại thời điểm đó, Lanvin có 25 cửa hàng tại 30 quốc gia và ông Hecquet cũng phủ nhận việc bị sở hữu bởi tập đoàn Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thiết kế và mô hình kinh doanh. Ông nhấn mạnh, Lanvin hoàn toàn có thể thay đổi mẫu mã để tăng doanh thu đến từ Trung Quốc đến cả 30, 40 phần trăm. Nhưng họ sẽ không làm như vậy. “Các bộ sưu tập phải mang tính chất hấp dẫn toàn cầu”, ông Hecquet quả quyết.
Sau đó, Giám đốc sáng tạo Sialelli gia nhập Lanvin vào tháng 1/2019. Trong nhiệm kỳ của mình, Sialleli đã làm việc dưới quyền 3 CEO khác nhau. Sau Giám đốc điều hành Jean-Philippe Hecquet là đến Arnaud Bazin; và cuối cùng trong 18 tháng qua là Shukla, một giám đốc điều hành truyền thông giàu kinh nghiệm gia nhập Lanvin từ Theory, nơi ông là giám đốc thương hiệu. Bên cạnh thương hiệu thời trang Lanvin, tập đoàn Thượng Hải hiện cũng kiểm soát hãng giày cao cấp của Ý Sergio Rossi, nhãn hiệu đồ lót Wolford của Áo , công ty quần áo nữ St. John Knits của Mỹ và nhà may Caruso...
Tại thời điểm niêm yết giữa tháng 12/2022, định giá Tập đoàn Lanvin ở mức 1,3 tỷ USD và đó là một đợt chuyển nhượng khó khăn khi cổ phiếu của tập đoàn này giảm mạnh 25% trước ngày tiến hành IPO. Nhưng sang đến đầu năm 2023, tập đoàn Lanvin đã công bố doanh thu cho cả năm 2022 tăng 38% lên 425 triệu Euro. Điều này có được nhờ doanh số bán hàng tăng trên tất cả các thương hiệu, trong đó doanh số bán hàng của thương hiệu Lanvin tăng 67% trong khoảng thời gian 12 tháng, lên 121 triệu Euro.
Theo khu vực, Bắc Mỹ cũng cho thấy mức tăng trưởng vững chắc 36% từ 107 triệu Euro lên 145 triệu euro và bất chấp việc đóng cửa vì Covid, Trung Quốc mở rộng đã tăng 13% từ 43 triệu Euro lên 48 triệu Euro. Tập đoàn cho biết các sáng kiến tập trung vào kênh phân phối trong năm 2022 đã mở rộng cả bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng và bán buôn, với doanh thu bán trực tiếp tăng 35% từ 187 triệu euro lên 253 triệu Euro; và doanh thu bán buôn tăng 42% từ 116 triệu Euro lên 165 triệu Euro.
Tiếp thị kỹ thuật số cũng có tác động mạnh mẽ đến kết quả năm 2022, với việc các thương hiệu ngày càng thu hút nhóm tiêu dùng trẻ tuổi. Trong 6 tháng cuối năm 2022, nhóm bắt đầu thành lập một nền tảng kỹ thuật số dùng chung ở Bắc Mỹ do Shopify cung cấp. Nhờ đó, hai thương hiệu Sergio Rossi và Lanvin chuyển đổi thành công thương mại điện tử Bắc Mỹ, dự kiến sẽ mang lại sự tăng trưởng hơn nữa cho các thương hiệu trong những năm tới.
"Những con số doanh thu sơ bộ tích cực này là minh chứng cho chiến lược tăng trưởng toàn cầu mà chúng tôi đang thực hiện. Kết quả phản ánh văn hóa thành công và tinh thần kinh doanh mà chúng tôi duy trì trong tổ chức của mình, đồng thời nêu bật danh tiếng của các thương hiệu. Trong tương lai, bất chấp các điều kiện thách thức kinh tế, chúng tôi vẫn duy trì lạc quan cho năm 2023, đặc biệt là với sự hồi sinh liên tục của khu vực APAC," Joann Cheng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Lanvin cho biết.
Mới nhất, Lanvin quyết định để giám đốc sáng tạo Bruno Sialelli rời đi trong bối cảnh nhà mốt sẽ đi theo một hướng khác và thay đổi trật tự hoạt động thông thường của nó. Theo WWD, các giám đốc điều hành có kế hoạch tập trung sự chú ý của họ vào đồ da và phụ kiện, bên cạnh việc tung ra Lanvin Lab, một vườn ươm sẽ làm việc với những tài năng thiết kế nổi tiếng và mới nổi cho "quan hệ đối tác sáng tạo". Mô hình nhà thiết kế khách mời đang là xu hướng trong làng thời trang Pháp, AZ Factory và Jean Paul Gaultier cũng đã áp dụng nó trong những năm gần đây.
Là một phần của cuộc đại tu, công ty sẽ tạo ra hai cơ cấu tổ chức – Đồ da & Phụ kiện và Lanvin Lab, đồng thời duy trì các bộ sưu tập chính đặc trưng của mình. Nhìn về tương lai, công ty dự đoán rằng bộ phận Đồ da & Phụ kiện, chiếm hơn một nửa hoạt động kinh doanh toàn cầu của Lanvin, “sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai, đảm nhận vị trí trung tâm trong ngôn ngữ sản phẩm của công ty với đội ngũ sáng tạo mới và hỗ trợ công nghiệp”.
Trong khi đó, Lanvin Lab sẽ công bố danh tích một số đối tác sáng tạo đầu tiên trong vài tuần tới. “Lanvin sẵn sàng cho một chương mới. Khi chúng tôi mô phỏng lại thương hiệu, nắm bắt các giá trị từ nhà sáng lập Jeanne Lanvin hơn 130 năm trước, chúng tôi đặt nhà mốt ở vị trí tiên phong của thời trang và văn hóa vào thời điểm này,” giám đốc điều hành Shukla nhấn mạnh.
“Mô hình của chúng tôi đề cao di sản phong phú và sự tinh tế của Lanvin trong một ma trận sáng tạo - hiện đại - độc đáo”. Ngoài ra, bất kể tương lai ai sẽ nắm giữ vị trí giám đốc sáng tạo, vào tháng 9 này Lanvin được cho là vẫn tiếp tục trình diễn tại Tuần lễ thời trang Paris.