Vốn hóa thị trường vượt mốc 200 tỷ euro, Hermès mở thêm xưởng túi xách
Nhà mốt xa xỉ của Pháp đã khánh thành xưởng sản xuất đồ da thứ 21 — đồng thời là xưởng đầu tiên trong số 5 xưởng mới sẽ mở cửa từ nay tới năm 2026, nơi sẽ tập trung vào việc sản xuất mẫu túi xách Kelly Séllier 25 trị giá 7.700 Euro…
Sau khi đạt doanh thu kỷ lục năm 2022, Hermès đang đầu tư vào việc nâng cao năng lực sản xuất trong khi vẫn duy trì tay nghề thủ công của mình. Cầu vượt quá cung, nhiều khách hàng than vãn rằng thật khó để mua túi xách Hermès. Dường như hãng luôn có một danh sách chờ dài dằng dặc, đặc biệt ở phân khúc các mẫu túi xách cổ điển.
Ngày 7/4 vừa qua, hãng đã cắt băng khánh thành một xưởng sản xuất đồ da mới, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với túi xách Kelly của thương hiệu. Cơ sở sản xuất nằm tại thị trấn Louviers, Normandy - cách thủ đô nước Pháp hai giờ lái xe.
Sẽ có 140 công nhân làm đồ da và xưởng đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số đó trong vòng 4 năm để sản xuất các sản phẩm túi xách và đồ da nhỏ, chẳng hạn như những chiếc túi Kelly kích thước 25 cm hay túi Constance Mini Miroir (có giá khoảng 6.700 Euro), ví Bearn (khoảng 2.230 Euro)... Mỗi chiếc túi Kelly thường mất từ 14 đến 20 giờ để làm và được sản xuất bởi một người thợ da duy nhất. Theo Hermès, cơ sở này cũng là xưởng đầu tiên bên ngoài Paris có sản xuất yên cương.
Hermès đã cắt băng khánh thành xưởng sản xuất có tên gọi Maroquinerie de Louviers này chỉ vài ngày sau khi vốn hóa thị trường của thương hiệu tăng vọt vượt mốc 200 tỷ euro. “Chúng tôi đã có kết quả tốt trong năm nay,” Giám đốc điều hành Axel Dumas thừa nhận trong buổi lễ cắt băng tượng trưng. “Sự phát triển này cho phép chúng tôi mở một xưởng da khác để tạo việc làm tại địa phương và xuất khẩu hàng hóa đến các nơi trên thế giới”.
Hermès đang theo đuổi chiến lược tuyển dụng và đào tạo với sự hợp tác chặt chẽ với dịch vụ việc làm Pôle emploi, dịch vụ giáo dục việc làm Greta de l'Eure, trường trung học Lycée Augustin-Boismard ở Brionne và trường trung học Haras national du Pin. Tổng cộng, xưởng sản xuất mới sẽ tuyển dụng 260 nhân sự bao gồm cả thợ da và thợ đóng yên ngựa cũng như nhân viên quản lý, hậu cần và nhân sự. Điều này tái khẳng định cam kết của Hermès về việc sản xuất tại Pháp, tạo việc làm chất lượng cao và bền vững về môi trường.
Với giá trị thị trường của công ty đạt 218 tỷ euro, Hermès hiện là công ty có giá trị thứ 8 trên chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu. Công ty đứng thứ hai trong số các thương hiệu xa xỉ, bên cạnh tập đoàn LVMH được định giá gần gấp đôi (430 tỷ USD). Cổ phiếu của Hermès đã tăng khoảng 27% cho đến năm 2023. Và bất chấp những bất ổn về kinh tế, doanh số bán hàng xa xỉ vẫn tốt hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Nếu điều này tiếp tục xảy ra, mở thêm xưởng sản xuất bổ sung sẽ là một bước đi hợp lý đáng hoan nghênh.
Căn xưởng rộng 6.200 m2 sẽ là không gian sinh hoạt của các nghệ nhân. Thiết kế độc đáo của nó được giao cho kiến trúc sư người Pháp gốc Li-băng Lina Ghotmeh, người có các công trình bắt nguồn từ cảm hứng "khảo cổ học của tương lai". Do đó, xưởng là một thành tựu kỹ thuật thực sự phục vụ các mục tiêu môi trường của Hermès. Cho đến nay, đây là tòa nhà công nghiệp đầu tiên đạt được nhãn hiệu E 4 C 2 của Pháp.
Tòa nhà khung gỗ được xây dựng trên một khu đất công nghiệp sử dụng hơn 500.000 viên gạch, được sản xuất cách Louviers 70 km để giảm thiểu tác động của việc xây dựng đồng thời thể hiện bí quyết của những người thợ làm gạch ở Normandy. Là vật liệu chính được sử dụng, gạch chứng thực sự gắn kết cục bộ của dự án với môi trường và đem đến cho công trình một bảng màu đỏ và tím thay đổi tùy theo ánh sáng ban ngày và thời gian trong năm. Vị trí của nó trong không gian tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và thông gió để hạn chế nhu cầu chiếu sáng nhân tạo, sưởi ấm và điều hòa không khí.
Những nhu cầu này được đáp ứng bằng năng lượng địa nhiệt và hơn 2.300 m 2 tấm pin mặt trời, kết hợp với nhau để đảm bảo khả năng tự chủ về năng lượng của nhà sản xuất. Kiến trúc sư cảnh quan người Bỉ Erik Dhont đã tạo ra ba ha vườn với hầu hết các thực vật ban đầu được giữ nguyên. Được thiết kế để bảo tồn đa dạng sinh học địa phương, những khu vườn này được trang bị một hệ thống thu hồi và dẫn nước mưa vào mực nước ngầm. Có thể nói, bản thân khu xương đã là một thiết kế sáng tạo tôn vinh nghệ thuật thủ công xuất sắc của Hermès.
Kể từ năm 2010, Hermès đã mở 10 xưởng sản xuất đồ da tại Pháp. Ngoài xưởng Maroquinerie de Louviers này, 4 xưởng sản xuất khác hiện cũng đang trong giai đoạn hình thành ở Tournes-Cliron (Ardennes), Riom (Puy de Dôme), L'Isle-d'Espagnac (Charente) và Loupes (Gironde).
Là một công ty gia đình độc lập, Hermès chuyên duy trì phần lớn hoạt động sản xuất tại Pháp thông qua 54 xưởng và địa điểm sản xuất, đồng thời phát triển mạng lưới hơn 300 cửa hàng tại 45 quốc gia. Tập đoàn sử dụng hơn 19.700 nhân sự trên toàn thế giới, trong số đó có hơn 7.000 thợ thủ công. Axel Dumas, thành viên thế hệ thứ sáu của gia đình, là Giám đốc điều hành của Hermès từ năm 2013.
Trước đó, hôm 20/2, SCMP đưa tin Hermès vừa công bố doanh thu và lợi nhuận năm ngoái với mức cao kỷ lục, vượt xa các đối thủ, góp phần thúc đẩy sự bùng nổ hàng xa xỉ trên thế giới. Theo số liệu từ công ty dữ liệu tài chính FactSet, so với năm 2021, hãng đạt lợi nhuận ròng 3,6 tỷ USD (tăng 38%) và doanh thu đạt 12,4 tỷ USD (tăng 29%).
Trong khi LVMH và Kering đều cho biết doanh số bán hàng của họ giảm ở Trung Quốc trong quý 4 do nước này mới chỉ dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 vào tháng 12, thì Hermès cho biết doanh số bán hàng của họ tăng 30,7% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, trong ba tháng cuối năm. Giám đốc Dumas cho biết người dân Trung Quốc có nhu cầu mạnh mẽ với các sản phẩm của Hermès trong thời gian đó.
Bên cạnh đó, doanh số bán hàng của nhà mốt Pháp tại khu vực châu Mỹ tăng 46%, vượt mức 2,1 tỷ USD. Dumas cho biết thật khó tìm ra mặt hàng nào bán chậm ở Hermès trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát và dịch bệnh toàn cầu. Hãng cũng vừa công bố mức cổ tức 13,9 USD trên mỗi cổ phiếu cho các cổ đông và khoản tiền thưởng đặc biệt 4.200 USD cho tất cả nhân viên trên toàn thế giới.