08:31 20/05/2025

Phát triển cây ăn quả là "đòn bẩy" xây dựng nền nông nghiệp sinh thái Thanh Hóa

Nguyễn Thuấn

Nắm giữ lợi thế về điều kiện tự nhiên đa dạng, diện tích đất nông nghiệp lớn, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung phát triển cây ăn quả trở thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành trồng trọt, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiệu quả, bền vững...

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhiều nông trại trồng cam tại huyện Thạch Thành đạt năng suất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với nhiều loại cây trồng khác.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhiều nông trại trồng cam tại huyện Thạch Thành đạt năng suất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với nhiều loại cây trồng khác.

Với đầy đủ các vùng sinh thái từ đồng bằng, trung du, miền núi đến ven biển, Thanh Hóa sở hữu nền khí hậu và thổ nhưỡng đa dạng, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 242.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 21,8% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích đất trồng cây hàng năm chiếm 197.007 ha và cây lâu năm là 45.668 ha – một tiềm năng lớn để mở rộng quy mô trồng trọt, đặc biệt là cây ăn quả.

HIỆU QUẢ TỪ NHỮNG CÂY CHỦ LỰC VÀ MÔ HÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Những năm gần đây, nhận thức được giá trị kinh tế cao từ ngành cây ăn quả, các địa phương trong tỉnh đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, hiệu quả.

Tính đến nay, Thanh Hóa có khoảng 25.000 ha cây ăn quả, trong đó hơn 2.000 ha được trồng mới và khoảng 12.000 ha trồng tập trung. Sản lượng hàng năm đạt trên 324.000 tấn, mang lại giá trị sản xuất khoảng 2.300 tỷ đồng (năm 2024), gấp đôi so với năm 2016. Thu nhập bình quân đạt khoảng 120 triệu đồng/ha.

Nhiều loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định hiệu quả và vị thế trên thị trường. Điển hình như chuối với diện tích 5.455 ha, dứa 3.935 ha, ổi 1.132 ha, cam 1.148 ha, bưởi 2.912 ha, vải 1.229 ha, nhãn 1.422 ha...

Đáng chú ý, nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao được triển khai thành công, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao thu nhập đáng kể cho người nông dân.

Tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn, mô hình trồng cam công nghệ cao đạt thu nhập trên 650 triệu đồng/ha. Ở xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân) và xã Xuân Thành (huyện Thọ Xuân), mô hình cam, bưởi công nghệ cao cũng cho thu nhập từ 500 – 550 triệu đồng/ha.

Còn tại huyện Cẩm Thủy, mô hình trồng chuối đạt 350 triệu đồng/ha/năm, trong khi dứa trồng tại Thạch Thành, Hà Trung mang lại thu nhập bình quân từ 70 – 100 triệu đồng/ha/năm. Hay như mô hình vải không hạt ở xã Nguyệt Ấn (huyện Ngọc Lặc) và một số vườn ổi tại huyện Thạch Thành đạt thu nhập 200 – 300 triệu đồng/ha/năm.

20ha vải không hạt được trồng thử nghiệm ở huyện Ngọc Lặc đã cho hiệu quả kinh tế cao.
20ha vải không hạt được trồng thử nghiệm ở huyện Ngọc Lặc đã cho hiệu quả kinh tế cao.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao giá trị cây ăn quả với vùng trồng vải không hạt rộng 20 ha tại xã Nguyệt Ấn, ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc điều hành Công ty Hồ Gươm Sông Âm, cho biết: “Giống vải không hạt do công ty phát triển có chất lượng cao, cùi dày, vị thanh mát, phù hợp với người tiểu đường do độ đường thấp. Giá bán loại vải này cao hơn từ 9 – 10 lần so với vải thường”.

Trước đây, khu vực này được trồng mía nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2019, công ty đã quyết định chuyển đổi sang trồng vải không hạt, đem lại kết quả khả quan. Năm 2023, doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục xuất khẩu 6 tạ vải sang Nhật Bản và 5 tạ sang Vương quốc Anh bằng đường hàng không. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và chứng nhận hữu cơ, đủ điều kiện vào thị trường khó tính như Nhật Bản, Canada, EU...

Theo ông Huệ, năm 2024 nhiều đối tác đã đặt mua sản phẩm với giá từ 350.000 – 400.000 đồng/kg. Một số đơn vị còn đề xuất hợp đồng bao tiêu từ năm 2025. Tuy nhiên, công ty vẫn đang cân nhắc do phụ thuộc vào sản lượng và giá cả thị trường khi vào vụ thu hoạch.

Thành công của các mô hình nói trên cho thấy hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Thanh Hóa đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới như: nhân giống có ưu thế bằng chiết, ghép; đốn tỉa tạo hình, cưa đốn làm trẻ cây; kỹ thuật kích thích ra hoa đúng vụ, bọc quả; đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, tưới tự động; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng chú trọng thử nghiệm, du nhập các giống cây ăn quả mới từ các địa phương khác như cam V2, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn (trồng tại xã Xuân Thành – huyện Thọ Xuân), nhãn chín muộn Hà Tây… Kết quả bước đầu cho thấy các giống cây này thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao, mở ra tiềm năng nhân rộng.

CÂY ĂN QUẢ LÀ HƯỚNG ĐI CHIẾN LƯỢC TRONG CƠ CẤU LẠI NGÀNH TRỒNG TRỌT

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng ngành cây ăn quả tỉnh Thanh Hóa vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, thực tế tình trạng sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng chưa đồng đều; liên kết giữa các khâu sản xuất – chế biến – tiêu thụ còn lỏng lẻo;

Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ chưa đồng bộ; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu còn thấp; tình trạng “được mùa mất giá” vẫn xảy ra cục bộ. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc còn gặp khó khăn, trong khi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chi phí đầu vào tăng đang đặt ra thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững.

 
Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các vùng cây ăn quả tập trung có lợi thế so sánh, có khả năng liên kết sản xuất – chế biến– tiêu thụ– xuất khẩu. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản, chế biến; khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, tiết kiệm nước, phân bón sinh học...

Trước yêu cầu mới về phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, tỉnh Thanh Hóa đang xác định cây ăn quả là hướng đi chiến lược trong cơ cấu lại ngành trồng trọt.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển cây ăn quả gắn với lợi thế từng vùng miền, bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh và định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại.

Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các vùng cây ăn quả tập trung có lợi thế so sánh, có khả năng liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ – xuất khẩu. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản, chế biến; khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, tiết kiệm nước, phân bón sinh học...

Ngoài ra, tỉnh sẽ phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, tổ liên kết để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường liên kết giữa nông dân – doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra, bảo đảm lợi ích hài hòa cho các bên. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.

Việc kết nối cung – cầu, phát triển hệ thống logistics, chợ đầu mối, trung tâm bảo quản – chế biến hiện đại cũng được đẩy mạnh, cùng với đó là tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong quy hoạch, kiểm soát chất lượng, dự báo thị trường. Tỉnh cũng sẽ quan tâm triển khai chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, doanh nghiệp.