07:25 24/05/2025

Chiến lược du lịch xanh tại Huế lan tỏa từ mô hình "tour giảm nhựa"

Nguyễn Thuấn

Trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề toàn cầu, việc phối hợp triển khai mô hình đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, phát triển du lịch bền vững và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Đây là mô hình tiên phong trong nỗ lực gắn bảo tồn môi trường với phát triển du lịch cộng đồng...

Du lịch cộng đồng ở Ngư Mỹ Thạnh đã trở thành điểm đến hấp du khách nên việc triển khai giảm thải nhựa rất có ý nghĩa trong bảo vệ hệ sinh thái ở phá Tam Giang
Du lịch cộng đồng ở Ngư Mỹ Thạnh đã trở thành điểm đến hấp du khách nên việc triển khai giảm thải nhựa rất có ý nghĩa trong bảo vệ hệ sinh thái ở phá Tam Giang

Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (TVA) vừa phối hợp với Sở Du lịch Huế và chính quyền địa phương tổ chức lễ ra mắt điểm du lịch giảm nhựa Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc tại xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền). Đây là mô hình tiên phong trong nỗ lực gắn bảo tồn môi trường với phát triển du lịch cộng đồng.

TRẢI NGHIỆM DU LỊCH ĐẶC TRƯNG VỚI CHẤT LIỆU TRUYỀN THỐNG

Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc nằm ven vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng và vẻ đẹp sông nước đặc trưng miền Trung. Việc xây dựng mô hình điểm du lịch giảm nhựa tại đây không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ môi trường mà còn góp phần duy trì sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.

8 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn xã Quảng Lợi đã ký cam kết thực hiện các biện pháp giảm rác thải nhựa trong hoạt động kinh doanh. Những đơn vị tiên phong gồm: Hợp tác xã Du lịch dịch vụ cộng đồng Tam Giang Quảng Lợi, Nhà hàng Cồn Tộc, Minh Cúc, Thế giới Hải sản Tam Giang, Lý Hương, Tam Giang Hội Quán, Hương Bình và Quỳnh Như.

Các cơ sở này cam kết sử dụng bình thủy tinh thay thế chai nhựa, lắp đặt máy lọc nước, phân loại rác thải, sử dụng vật liệu thân thiện như túi vải, hộp giấy và giảm thiểu túi ni lon, ống hút nhựa, hộp xốp... Dự án TVA cũng đã hỗ trợ trang thiết bị cần thiết như bảng nhận dạng cơ sở giảm nhựa, thùng rác phân loại và các vật dụng thay thế đồ nhựa dùng một lần.

Một điểm nhấn độc đáo của mô hình du lịch tại Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc là việc sử dụng mẹt tre – vật dụng truyền thống của người dân vùng đầm phá – để trình bày món ăn. Cách làm này vừa giảm lượng rác thải phát sinh từ vật liệu nhựa, vừa tạo điểm nhấn văn hóa hấp dẫn cho du khách, từ đó nâng cao trải nghiệm bản địa.

Bên cạnh đó, hệ thống “Ngôi nhà xanh” được bố trí tại Công viên Cồn Tộc và các khu vực công cộng quanh đầm phá có chức năng thu gom rác tái chế. Đây là mô hình nhằm nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn, đồng thời tạo điểm nhấn xanh cho không gian du lịch cộng đồng.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH, TÍCH HỢP TIÊU CHÍ MÔI TRƯỜNG VÀO ĐÁNH GIÁ ĐIỂM ĐẾN, DỊCH VỤ DU LỊCH

Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Huế, cho biết ngành du lịch cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và nhân rộng mô hình này tại các địa phương khác; tích hợp tiêu chí bảo vệ môi trường vào đánh giá điểm đến và dịch vụ du lịch.

Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị truyền thông và trường học lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng và du khách. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm điểm đến xanh ra thị trường trong và ngoài nước.

 
Trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề quan ngại trên toàn cầu, mô hình này không chỉ góp phần bảo tồn môi trường sinh thái đặc thù vùng đầm phá, mà còn thúc đẩy chuyển đổi nhận thức, hành vi của cả người dân và doanh nghiệp.

Nhằm đưa mô hình giảm nhựa vào thực tiễn du lịch, Trường Cao đẳng Du lịch Huế đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tour trải nghiệm tại Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc. Tour tập trung giới thiệu các hoạt động giảm nhựa tại 8 cơ sở đã cam kết, đồng thời khuyến khích du khách mang theo chai nước cá nhân, hạn chế sử dụng túi ni lon, hộp xốp, và đồ nhựa một lần.

Trong hành trình khám phá đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, du khách được trải nghiệm đi thuyền tham quan vùng sông nước với mô hình “tour giảm nhựa”. Đây không chỉ là một sản phẩm du lịch mới lạ, mà còn là cơ hội để truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng và khách du lịch.

Sự ra đời của điểm du lịch giảm nhựa Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch xanh, bền vững của thành phố Huế.

Trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề toàn cầu, mô hình này không chỉ góp phần bảo tồn môi trường sinh thái đặc thù vùng đầm phá, mà còn thúc đẩy chuyển đổi nhận thức, hành vi của cả người dân và doanh nghiệp.

Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc hứa hẹn trở thành điểm đến du lịch sinh thái tiêu biểu của thành phố Huế, nơi du khách không chỉ thưởng ngoạn thiên nhiên sông nước thơ mộng, mà còn chung tay góp phần bảo vệ môi trường.