09:23 19/05/2025

5 giải pháp để Thanh Hóa sớm trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng quốc gia

Nguyễn Thuấn

Với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 55.000 tỷ đồng và 13 tỷ USD, Thanh Hóa đang nổi lên như một cực tăng trưởng mới trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng quốc gia vào năm 2030, tỉnh đang đứng trước nhiều thách thức cần tháo gỡ.

Khu liên hiệp lọc hoá dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá
Khu liên hiệp lọc hoá dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá

Thanh Hóa hiện là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, với hệ thống dự án đa dạng từ lọc – hóa dầu, nhiệt điện than, khí LNG đến thủy điện và năng lượng tái tạo. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư trong ngành này đã lên tới hơn 55.000 tỷ đồng và 13 tỷ USD — mức cao thuộc hàng kỷ lục trong khu vực.

Đóng góp gần 22% GRDP và chiếm khoảng 60% tổng thu ngân sách nhà nước, ngành công nghiệp năng lượng đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Thanh Hóa.

CHUỖI DỰ ÁN TỶ ĐÔ THAY ĐỔI DIỆN MẠO KINH TẾ

Dấu ấn nổi bật nhất trong bức tranh phát triển năng lượng của Thanh Hóa là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn — dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư lên tới 9,3 tỷ USD. Nhà máy này hiện đang cung ứng khoảng 40% nhu cầu xăng dầu cho cả nước.

Ngoài ra, tỉnh còn đón thêm nhiều dự án lớn khác như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (công suất 1.200 MW, vốn 2,8 tỷ USD) và Thủy điện Trung Sơn (vốn đầu tư 7.775 tỷ đồng), góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung điện ổn định cho khu vực Bắc Trung Bộ.

Tính đến đầu năm 2025, Thanh Hóa đang vận hành hiệu quả 17 nhà máy điện với tổng công suất gần 2.500 MW. Đồng thời, tỉnh cũng đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời mái nhà, điện gió, điện sinh khối và các tổ hợp khí LNG.

Hệ thống truyền tải điện của tỉnh được đầu tư đồng bộ và hiện đại với gần 1.500 km đường dây cao áp, hơn 27.000 km đường dây trung – hạ áp và 100% trạm biến áp 110 kV không người trực. Dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 cùng hệ thống thanh toán điện tử đạt gần 97%, giúp giảm chi phí vận hành và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.

ĐỐI MẶT “NÚT THẮT” QUY HOẠCH VÀ CƠ CHẾ

Trong giai đoạn 2021 – 2024, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của lĩnh vực công nghiệp năng lượng tại Thanh Hóa đạt 21,47% — vượt xa mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp tỉnh (16,83%) và GRDP toàn tỉnh (10,06%).

Tỷ trọng ngành công nghiệp năng lượng trong cơ cấu công nghiệp tăng mạnh, từ 27,81% năm 2020 lên tới 57,39% vào năm 2024. Đồng thời, ngành này chiếm khoảng 21,98% tổng GRDP toàn tỉnh.

Mỗi năm, lĩnh vực công nghiệp năng lượng đóng góp từ 25.000 đến 30.000 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh, tương đương gần 60% tổng thu ngân sách địa phương. Ngoài giá trị kinh tế, ngành này còn góp phần cải thiện hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, lưới điện, trường học và các công trình công cộng khác tại khu vực dự án.

Dù đạt nhiều thành tựu, công nghiệp năng lượng của Thanh Hóa vẫn đối mặt với những “nút thắt” đáng kể. Theo cơ quan chức năng tỉnh, hiện nay nhiều dự án điện gió và điện sinh khối chưa được phê duyệt, trong khi chính sách ưu đãi đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo nguồn vốn tư nhân.

Bên cạnh đó, chất lượng điện tại vùng sâu, vùng xa còn chưa đồng đều; một số nhà máy sử dụng công nghệ cũ, gây lãng phí tài nguyên và phát thải cao, ảnh hưởng tới môi trường.

Trước tình hình trên, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra 5 nhóm giải pháp then chốt nhằm tháo gỡ khó khăn và hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng quốc gia vào năm 2030.

Trước hết, tỉnh tập trung hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể hóa Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng phát triển năng lượng quốc gia và Quy hoạch Điện VIII đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Thứ hai, Thanh Hóa ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án chiến lược như Nhà máy Điện khí LNG Nghi Sơn và Thủy điện Hồi Xuân. Đồng thời, tỉnh đã kiến nghị bổ sung thêm khoảng 10.000 MW công suất mới vào quy hoạch quốc gia.

Thứ ba, tỉnh đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thông qua cơ chế đấu thầu minh bạch, quy hoạch quỹ đất cho kho dự trữ dầu thô và khí LNG tại Khu kinh tế Nghi Sơn, đồng thời khuyến khích các dự án công nghệ cao, ít tiêu hao năng lượng.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và vận hành lưới điện, nhằm tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí vận hành.

Cuối cùng, Thanh Hóa tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, mở rộng hợp tác quốc tế để ứng dụng công nghệ xanh như hydro xanh và pin lưu trữ điện.