07:30 24/05/2025

Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững

Ngô Anh Văn

Đứng trước yêu cầu phát triển bền vững, Việt Nam đã xác định rõ định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp và sử dụng hiệu quả tài nguyên...

Các đại biểu tham quan gian trưng bày Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đo đếm & cấu trúc hạ tầng đo đếm tiên tiến của EVN CPC.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đo đếm & cấu trúc hạ tầng đo đếm tiên tiến của EVN CPC.

Ngày 23/05, tại Thành Phố Đà Nẵng, Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp cùng Công ty Sông Đà và các đơn vị tổ chức hội thảo “Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chứng chỉ năng lượng tái tạo trong xu thế phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính”. Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo ngành Công Thương, Điện lực Đà Nẵng, các chuyên gia, diễn giả trong lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo…

CHUYỂN ĐỔI XANH, CHUYỂN ĐỔI SỐ, PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO LÀ HƯỚNG ĐI CHIẾN LƯỢC

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên đang là những thách thức toàn cầu. Đứng trước yêu cầu phát triển bền vững, Việt Nam đã xác định rõ định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 (Net Zero). Tháng 12/2022, Việt Nam tiếp tục ký kết Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước phát triển, thể hiện quyết tâm hành động mạnh mẽ vì khí hậu.

 

Đối với Đà Nẵng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển năng lượng tái tạo được xác định là hướng đi chiến lược.

Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, cho biết đối với Đà Nẵng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển năng lượng tái tạo luôn được xác định là hướng đi chiến lược.

Thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng nhà máy thông minh, phát triển năng lượng mặt trời mái nhà và thí điểm cơ chế chứng chỉ điện xanh…".

"Đây là bước đi quan trọng hướng đến một nền sản xuất xanh, xây dựng cuộc sống xanh và bền vững mà Đà Nẵng đã và đang thực hiện khá tốt trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường", ông Trừ nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, trước thách thức biến đổi khí hậu buộc các quốc gia phải đẩy nhanh quá trình tìm kiếm và ứng dụng các nguồn năng lượng xanh, bền vững. Việc chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế lâu dài.

NHỮNG GIẢI PHÁP TỐI ƯU CHO NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Tại hội thảo, các diễn giả đã thông tin đến các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp về chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ số trong quản trị và tối ưu hóa sử dụng năng lượng; thảo luận về vai trò của chứng chỉ năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất xanh và hội nhập thị trường quốc tế.

Đặc biệt, một số giải pháp mới cũng được chia sẻ như: Công nghệ điện mặt trời có lưu trữ cho doanh nghiệp và hộ gia đình; sản phẩm pin mặt trời tích hợp công nghệ; quỹ đầu tư năng lượng sạch…

Các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kiến thức hữu ích về công nghệ, tính năng và các tiêu chuẩn an toàn trong lĩnh vực điện mặt trời. Đặc biệt, những quy định mới về điện năng lượng tái tạo và những thủ tục đăng ký phát triển điện mặt trời, cách lắp đặt và vận hành điện năng lượng mặt trời thu hút nhiều sự quan tâm.

Trong bối cảnh giá điện và nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, hệ thống điện mặt trời tích hợp lưu trữ được xem là giải pháp thông minh giúp các hộ gia đình tiết kiệm chi phí và giảm lệ thuộc vào lưới điện. Đây là bước đi quan trọng hướng đến một cuộc sống xanh và bền vững.

Diễn giả Sở CôngThương Đà Nẵng trao đổi tại hội thảo. Ảnh Ngô Anh Văn
Diễn giả Sở CôngThương Đà Nẵng trao đổi tại hội thảo. Ảnh Ngô Anh Văn

Đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng đã chia sẻ những kiến thức hữu ích về vấn đề Chuyển đổi xanh và những chính sách mới nhất về điện mặt trời theo Nghị định 58/2025/NĐ-CP. 

Các tham luận của chuyên gia, diễn giả tập trung vào vào các nội dung: Hướng dẫn thủ tục hồ sơ đăng ký, cơ chế về phát triển điện năng lượng mặt trời theo nghị định số 58/2025/NĐ-CP; Các yêu cầu kỹ thuật kết nối nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của EVN theo Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 03/03/2025 của Chính phủ;

Cùng với đó giới thiệu thiết bị mới NEXATUS là thiết bị giám sát, điều khiển hệ thống điện mặt trời mái nhà; Giải pháp mới về công nghệ điện mặt trời có lưu trữ cho doanh Nghiệp và hộ gia đình; Công nghệ DeepBlue 5.0 - Dẫn đầu xu thế; Chứng chỉ I-REC là chứng chỉ năng lượng quốc tế, được các tập đoàn FDI & EU công nhận.

Giới thiệu về công nghệ điện mặt trời thông minh dành cho khối thương mại, công nghiệp và hộ gia đình, ông Lê Bá Thông, Công ty Huawei Digital Power cho biết giải pháp này mang tính toàn diện, hỗ trợ tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí vận hành và góp phần ổn định hệ thống lưới điện.

Đây là giải pháp tích hợp hệ thống quản lý năng lượng cho cả ngôi nhà, cho phép người dùng đồng thời là người tiêu thụ và nhà sản xuất điện năng. Đáng chú ý, hãng này hiện đang giữ vị trí dẫn đầu thị phần inverter toàn cầu suốt 10 năm liên tiếp kể từ năm 2015 đến nay.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, đại diện JA Solar đã giới thiệu sản phẩm pin mặt trời tích hợp công nghệ DeepBlue 5.0 -  một bước đột phá về mặt kỹ thuật. Với những cải tiến đáng kể về hiệu suất hoạt động và độ bền lâu dài, dòng pin này được đánh giá là giải pháp tối ưu giúp tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời và bảo vệ môi trường.

 HIỆN THỰC HÓA CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG LÀ YÊU CẦU TẤT YẾU

Liên quan đến đầu tư phát triển kinh tế xanh (tài chính xanh), đại diện SUN Energy đã giới thiệu về quỹ đầu tư năng lượng sạch mà doanh nghiệp đang vận hành - một trong những quỹ uy tín hàng đầu trong ngành.

Với vai trò tiên phong, SUN Energy cam kết mang đến các giải pháp năng lượng tái tạo hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy xu hướng phát triển điện xanh thế hệ mới.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng chia sẻ về chứng chỉ năng lượng quốc tế I-REC - một tiêu chuẩn uy tín đã được nhiều tập đoàn FDI và các quốc gia châu Âu công nhận, nhằm khẳng định tính minh bạch và trách nhiệm trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Quang cảnh hội thảo “Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chứng chỉ năng lượng tái tạo trong xu thế phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính”. Ảnh Ngô Anh Văn
Quang cảnh hội thảo “Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chứng chỉ năng lượng tái tạo trong xu thế phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính”. Ảnh Ngô Anh Văn

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện năng lượng Sông Đà (Solar Sông Đà), từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam đã liên tục ban hành các chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành điện năng lượng tái tạo. Những chính sách này đang mở ra nhiều cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời.

Hội thảo lần này là dịp để doanh nghiệp và cộng đồng cùng nhau tiếp cận, thảo luận về các giải pháp và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như những chính sách mới về điện mặt trời theo Nghị định 58/2025/NĐ-CP.

Đây không chỉ là cơ hội chia sẻ kiến thức, mà còn là bước đi thiết thực thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong lộ trình chuyển dịch sang năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thông qua các nội dung chuyên sâu, hội thảo đã truyền đi thông điệp rõ ràng về vai trò then chốt của năng lượng tái tạo trong việc kiến tạo một tương lai xanh cho các thế hệ tương lai.

Hầu hết ý kiến của các chuyên gia cho rằng hội thảo không chỉ là không gian kết nối giữa chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc chia sẻ kiến thức về các giải pháp năng lượng sạch, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa quá trình chuyển đổi năng lượng - một yêu cầu tất yếu của thế kỷ 21.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ tin tưởng hội thảo sẽ góp phần lan tỏa nhận thức, thúc đẩy liên kết và hành động cụ thể để cùng nhau xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu toàn cầu.