15:23 12/01/2008

Phím ảo “đè” phím thật?

Kiều Oanh

Xu hướng áp dụng công nghệ màn hình cảm ứng đang tăng tốc, khiến những chiếc nút bấm truyền thống có phần "lép vế"

Công nghệ màn hình cảm ứng đã được sử dụng nhiều năm, tuy nhiên, xu hướng áp dụng công nghệ này trong lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng mới chỉ thực sự tăng tốc từ khi chiếc iPhone ra mắt.
Công nghệ màn hình cảm ứng đã được sử dụng nhiều năm, tuy nhiên, xu hướng áp dụng công nghệ này trong lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng mới chỉ thực sự tăng tốc từ khi chiếc iPhone ra mắt.
Mức độ ảnh hưởng sâu rộng của chiếc điện thoại iPhone mà Apple tung ra cách đây chưa lâu được cảm nhận rõ ràng tại Triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng thế giới đang diễn ra tại Las Vegas (Mỹ). Hầu như tất cả các hãng điện tử tham gia sự kiện này đều giới thiệu sản phẩm có bàn phím ảo như iPhone.

“Nhà nhà” cùng ứng dụng

Triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng thế giới vừa khai mạc ngày 7/1 vừa qua tại Las Vegas cho thấy một điểm khác biệt nổi bật so với các triển lãm năm trước. Điều này được thể hiện ở việc các công ty tham dự đến từ trên khắp nơi trên thế giới đều cho trưng bày những thiết bị tuyệt hảo sử dụng công nghệ màn hình cảm ứng. Kết quả là, dường như những sản phẩm có bàn phím thật bị “đẩy ra rìa”.

Các “ông trùm” điện thoại của thế giới, trong đó có Motorola, Sony và LG, đều giới thiệu các mẫu điện thoại màn hình cảm ứng. Trong khi đó, Microsoft giới thiệu một chiếc máy tính có bàn phím ảo mang tên Surface trông na ná như một chiếc TV màn hình phẳng. Thậm chí cả các hãng sản xuất máy ảnh như Kodak cũng đưa vào sản phẩm của mình màn hình cảm ứng LCD.

Công nghệ màn hình cảm ứng đã được sử dụng nhiều năm, tuy nhiên, xu hướng áp dụng công nghệ này trong lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng mới chỉ thực sự tăng tốc từ tháng 6 năm ngoái, khi mà hãng Apple giới thiệu với thế giới chiếc iPhone.

“Thị trường công nghệ màn hình cảm ứng đang “nóng” lên nhanh chóng. Từ khi chiếc iPhone ra mắt, có ngày càng nhiều công ty trước đó chẳng có dây mơ rễ má gì với công nghệ bàn phím ảo ra quyết định đưa công nghệ này vào sản phẩm của mình”, Jennifer Colegrove, một chuyên gia lâu năm của công ty phân tích công nghệ iSuppli cho biết.

Trên thế giới hiện có khoảng 100 công ty cung cấp sản phẩm công nghệ màn hình cảm ứng, cung cấp rất nhiều sản phẩm khác nhau, từ kính chống mờ đến bộ cảm biến điện dung bề mặt - thiết bị có thể cảm ứng dòng điện của ngón tay từ xa. Thống kê của iSuppli cho thấy, doanh số của những công nghệ màn hình cảm ứng hàng đầu - chẳng hạn các công nghệ được sử dụng trong điện thoại di động và các thiết bị dẫn đường - được dự báo là sẽ tăng lên mức 4,4 tỷ USD vào năm 2012, so với mức 2,4 tỷ USD trong năm 2006.

Công nghệ màn hình cảm ứng đã giúp không ít công ty “vụt sáng thành sao”. Trước kia, những công ty này hầu như chẳng được thị trường nước ngoài biết tới, nhưng sau đó, khi họ đưa công nghệ này vào sản phẩm, họ lập tức trở thành “điểm sáng” và thu hút sự chú ý lớn.

Balda, một công ty của Đức được Apple thuê chế tạo màn hình cảm ứng cho chiếc iPhone, trước đây chỉ là một công ty chủ yếu sản xuất… vỏ điện thoại di động. Nhưng mọi cái đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi hãng này ký được hợp đồng với Apple. Việc trở thành một nhà cung cấp linh kiện cho iPhone còn giúp cho Balda ký được một hợp đồng cung cấp từ 6 đến 8 triệu màn hình cho một hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu khác.

Một số công ty ít tên tuổi khác như Tyco, 3M và GeneralTouch của Trung Quốc hiện cũng đang nằm trong số những công ty hàng đầu trong lĩnh vực phát triển màn hình cảm ứng và các công nghệ có liên quan.

Những “người chơi” khác trên “đấu trường” màn hình cảm ứng còn là các công ty sản xuất con chip. Họ tạo ra các bộ phận cảm biến để nhận biết động tác ngón tay và giải mã động tác này. Trong số này có Cypress Semiconductor, hãng cung cấp công nghệ cho chiếc iPod của Apple.

Hãng này chế tạo ra những con chip có thể nhận biết được động tác từ xa của ngón tay và chuyển những động tác này thành các lệnh. Chính nhờ công nghệ màn hình cảm ứng đến thời mà bộ phận sản xuất con chip của Cypress làm ăn phát đạt nhất so với các bộ phận khác trong công ty.

“Mật” nhiều, “ruồi” cũng nhiều

Theo một công ty có tên STMicroelectronics, lượng đơn đặt hàng giành cho các thiết bị cảm biến của hãng này, chẳng hạn như các thiết bị để điều chỉnh âm thanh của màn hình cảm ứng và tắt nguồn điện, đang tăng mạnh. Phó chủ tịch phụ trách phát triển thị trường của STMicroelectronics, ông Bill Raasch cho biết, công nghệ màn hình cảm ứng năm nay sẽ phát triển đặc biệt mạnh vì bắt đầu được ứng dụng vào các sản phẩm máy tính xách tay.

Trên thực tế, điện thoại di động mới chỉ là một phần của lĩnh vực màn hình cảm ứng. Thống kê của iSuppli cho thấy, các loại “alô” mới chỉ chiếm từ 20 đến 25% thị trường này và tỷ lệ này sẽ còn giảm xuống khi mà công nghệ này ngày càng được đưa vào nhiều loại thiết bị khác.

Các thiết bị dẫn đường và các thiết bị chơi game cầm tay cũng là hai “nhân vật chính” trên thị trường màn hình cảm ứng. Nhu cầu đối với những chiếc máy tính xách tay có trọng lượng nhỏ cũng đang thúc đẩy việc đưa bàn phím ảo vào loại sản phẩm này.

Bàn phím ảo đang được áp dụng rộng rãi cho các sản phẩm dành cho cả các doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân. Công nghệ này ngày càng được sử dụng nhiều trong các siêu thị, thiết bị y tế, xe taxi và thậm chí trong cả hệ thống tính tiền của cửa hàng thực phẩm. Với màn hình cảm ứng tiên tiến nhất, tức là màn hình cảm ứng điện dung bề mặt, thiết bị sẽ lâu cũ hơn so với thiết bị có phím bấm vì người sử dụng thậm chí không cần phải chạm vào thiết bị mà vẫn điều khiển được.

Nhiều hãng cung cấp công nghệ màn hình cảm ứng dự báo, công nghệ này sẽ có rất nhiều đất để phát triển trong thời gian tới. Mới đây, hãng Balda đưa ra nhận định cho rằng, công nghệ bàn phím ảo hiện đang là công nghệ hứa hẹn nhất. Theo tính toán của công ty này, số lượng điện thoại sử dụng bàn phím ảo sẽ tăng từ mức 3 - 4% hiện nay lên mức xấp xỉ 20% trong vòng 3 - 4 năm tới. Hãng cũng dự báo, phần lớn các thiết bị dẫn đường cá nhân cũng sẽ sử dụng công nghệ này trong vài năm tới.

Một số lượng đông đảo các công ty cung cấp dịch vụ này trên thị trường hiện đã tạo một cuộc chiến về giá giữa các hãng sản xuất màn hình cảm ứng trở kháng - loại màn hình cảm ứng mà người sử dụng phải chạm ngón tay vào. Hiện loại công nghệ này chiếm trên 2/3 thị trường bàn phím ảo.

Các chuyên gia dự báo, với cuộc chiến giá khá quyết liệt này, mảng thị trường màn hình cảm ứng trở kháng sẽ chỉ tăng trưởng khoàng 3%/năm. Thêm vào đó, đã diễn ra một số vụ sáp nhập giữa các công ty là đối thủ của nhau, trong đó có vụ Touch International mua lại bộ phận màn hình cảm ứng trở kháng của 3M vào giữa năm ngoái.

(Theo BusinessWeek)