10:44 10/05/2021

Quá trình nghiên cứu và điều trị ung thư chậm lại vì Covid-19

Hoài Phương

Một báo cáo mới đây đã tỏ ra lo ngại rằng những tiến bộ trong nghiên cứu ung thư đang bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19...

Covid-19 “ăn mòn” nguồn kinh phí đầu tư cho các nghiên cứu tại các viện hoặc bệnh viện.
Covid-19 “ăn mòn” nguồn kinh phí đầu tư cho các nghiên cứu tại các viện hoặc bệnh viện.

Nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Ung thư (ICR) ở London (Anh) tin rằng một số đột phá trong nghiên cứu về ung thư hiện đã chậm hơn 2 năm so với kế hoạch, vì thiếu kinh phí và hạn chế bởi các biện pháp cách ly phòng dịch. “Đại dịch đã tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với nghiên cứu ung thư trong nhiều thế hệ,” - Giáo sư Paul Workman cho biết trong một thông cáo.

Đầu tiên là, hầu hết các trường đại học tại châu Âu và Mỹ đều lao đao do đại dịch. Các trường đại học lớn thậm chí còn đối diện với nguy cơ vỡ nợ, chứ chưa nói gì đến việc có kinh phí đầu tư cho nghiên cứu. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đặt ra một mối đe dọa tài chính đáng kể đối với toàn bộ mảng giáo dục bậc đại học của Vương quốc Anh, với hầu hết các trường bị sụt giảm tài sản ròng.

Viện Nghiên cứu Tài chính Vương quốc Anh (IFS) nói rằng khoản lỗ của các trường đại học tại nước này lên tới 11 tỷ bảng, chiếm một phần tư thu nhập hàng năm của ngành. Ngoài ra, các khoản thâm hụt tiền quỹ nghiên cứu khoa học của các trường đại học sẽ tiếp tục bị thâm hụt nhiều thêm do các khoản đầu tư bị đình trệ.

Bên cạnh đó, tình trạng giãn cách xã hội đang buộc một số nhà khoa học phải đến phòng thí nghiệm vào ban đêm để tiếp tục công việc, với gần 30% phải làm việc ngoài giờ, thậm chí luân phiên đổi ca từ nửa đêm đến 8 giờ sáng hoặc 8 giờ tối đến nửa đêm, nhằm thích ứng với quy định hạn chế số người hiện diện trong các phòng thí nghiệm. Họ thậm chí phải tránh những giờ cao điểm có đông người đi làm và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Những trở ngại này ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ nghiên cứu ung thư.

Trên Tạp chí Study Finds, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Ung thư London cũng cho biết dịch Covid-19 cũng “ăn mòn” nguồn kinh phí đầu tư cho các nghiên cứu tại các viện hoặc bệnh viện. Đơn cử, trong thời gian đại dịch, ICR đã bị cắt giảm khoảng 11,1 triệu USD tiền tài trợ nghiên cứu từ các tổ chức từ thiện, tương ứng giảm khoảng 20% tổng kinh phí tài trợ hàng năm. Một số nhà tài trợ cũng đã thông báo sẽ còn tiếp tục cắt giảm.

Đại dịch đã tạo ra mối đe dọa lớn đối với nghiên cứu ung thư trong nhiều thế hệ.
Đại dịch đã tạo ra mối đe dọa lớn đối với nghiên cứu ung thư trong nhiều thế hệ.

Nếu kinh phí thâm hụt hơn nữa, những tiến bộ trong cuộc chiến chống ung thư có thể bị đình trệ lâu hơn nữa so với ước tính hiện tại là 17 tháng đến 2 năm - đồng nghĩa bệnh nhân ung thư có thể phải đợi thêm 2 năm để được hưởng lợi từ các khám phá, phát minh hữu ích.

Theo các chuyên gia, nghiên cứu ung thư bị đình trệ đồng nghĩa khả năng cải thiện tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân cũng sẽ giảm đáng kể. Ước tính đến năm 2040, số ca ung thư mới được chẩn đoán trên toàn thế giới sẽ tăng lên gần 30 triệu ca mỗi năm.

Trong khi đó, do sự suy giảm hệ miễn dịch, các bệnh nhân ung thư đã hoặc đang điều trị đều có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cao hơn khi nhiễm Covid-19. Điều này được báo cáo qua một nghiên cứu tổng hợp trên toàn quốc do Ủy ban sức khỏe quốc gia Trung Quốc thực hiện, phân tích số liệu từ 2007 bệnh nhân trong 575 bệnh viện thuộc 31 khu vực, tỉnh thành của Trung Quốc.

Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều được xác chẩn dương tính với Covid-19 và phải điều trị tại viện trong đó có 18 bệnh nhân bị ung thư. Kết quả cho thấy: Nhóm bệnh nhân có tiền sử điều trị ung thư và đặc biệt nhóm bệnh nhân đang hoặc vừa mới điều trị bằng hóa chất hoặc phẫu thuật có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng (cần điều trị khoa hồi sức tích cực hoặc tử vong) cao hơn nhiều so với bệnh nhân không ung thư (tỷ lệ 39% so với 8% tương ứng).

Thêm vào đó, thời gian trung bình dẫn đến tiến triển nặng ở nhóm bị ung thư ngắn hơn nhiều so với nhóm không bị ung thư (13 ngày so với 43 ngày). Từ đó nghiên cứu cũng đưa ra kết luận: Các bệnh nhân bị ung thư nằm trong vùng đang có dịch Covid-19 bùng phát nên hoãn điều trị hóa chất hoặc phẫu thuật thay thế (elective surgery) nếu được.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nhóm bệnh nhân ung thư và sau điều trị ung thư là các đối tượng nguy cơ cao, cần được bảo vệ, cách ly chặt chẽ hơn. Nếu đối tượng này bị nhiễm Covid-19 thì phải điều trị tích cực, chuyên sâu hơn, đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc mắc các bệnh mạn tính khác.