08:01 08/09/2023

Quyết tìm nguồn cát 54 triệu m3 cho 355 km đường cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long

Xuân Nghi

Các dự án cao tốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có tổng chiều dài khoảng 355 km, đang cần khoảng 6,6 triệu m3 đá, 4,7 triệu m3 đất đắp và gần 54 triệu m3 cát đắp và san lấp…

Trữ lượng cát phục vụ san lấp không thiếu, nhưng cái khó là vướng cơ chế giao mỏ cho các nhà thầu, dẫn đến lượng cát cung cấp cho các dự án trên thực tế không đủ khiến các dự án ở ĐBSCL đều bị chậm tiến độ.
Trữ lượng cát phục vụ san lấp không thiếu, nhưng cái khó là vướng cơ chế giao mỏ cho các nhà thầu, dẫn đến lượng cát cung cấp cho các dự án trên thực tế không đủ khiến các dự án ở ĐBSCL đều bị chậm tiến độ.

Tại buổi làm việc với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long chiều 05/9 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã thông tin như trên, đồng thời cho biết thêm, làm thế nào để bảo đảm đủ sản lượng khai thác cát cho các dự án đang thi công là yêu cầu hết sức bức thiết.

TRỮ LƯỢNG CÁT KHÔNG THIẾU…

Theo Bộ Giao thông vận tải, vật liệu cát phục vụ cho các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu tập trung ở hai nhánh lớn của dòng Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu, trữ lượng nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng,…

Tổng nhu cầu vật liệu cát san lấp cho các dự án trong vùng như sau: Dự án cao tốc Bắc Nam phía đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau cần khoảng 18,1 triệu m3 cát, trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.

Các dự án cao tốc trục ngang, gồm: Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 28,91 triệu m3; trong đó, năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3 và năm 2025 là 8,95 triệu m3. Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh cần tổng nhu cầu cát san lấp khoảng 3,1 triệu m3 và hiện đã được cân đối. Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu cần gần 3,5 triệu m3 cát.

Như vậy, tổng nhu cầu cát san lấp của cả 4 dự án cao tốc nói trên là xấp xỉ 54 triệu m3. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong số 121 giấy phép khai thác cát Bộ đã cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu có 60 giấy phép với trữ lượng 80 triệu m3, riêng cát san lấp là 63 triệu m3, còn lại là cát xây dựng. Bộ này cũng cho biết thêm là các tỉnh hiện đã cấp các giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 39 triệu m3. Với nguồn cát dồi dào lên đến 120 triệu m3 trong đó khoảng 100 triệu m3 là cát san lấp thì sẽ bảo đảm tiến độ triển khai các dự án.

Tuy nhiên, cái khó khăn hiện nay là vướng mắc thủ tục, cơ chế giao mỏ vật liệu (cho nhà thầu khai thác), việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ.

NHƯNG VƯỚNG MẮC Ở THỦ TỤC GIAO MỎ

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện nay tỉnh đang gặp vướng mắc về cơ chế giao mỏ. Ông nói rằng nhà thầu thi công cần ngồi lại với địa phương để tính toán, thống nhất giới thiệu những doanh nghiệp khai thác có kinh nghiệm, bảo đảm việc khai thác không ảnh hưởng đến môi trường. Cũng theo người đứng đầu chính quyền tỉnh An Giang, tổng nguồn cung khoảng 9,3 triệu m3 cát cho dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng qua địa phận An Giang, tỉnh đã lo liệu đủ; tuy nhiên, sau khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc và có kết luận, tỉnh đã phải rút giấy phép, thu hồi 6 mỏ cát do xảy ra tiêu cực.

Hiện tỉnh đang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hướng dẫn để tỉnh An Giang tái cấp phép cho 6 mỏ đã tạm dừng này hoạt động trở lại, bảo đảm cung ứng đủ nguồn cát cho các dự án. Ông Bình cho hay.

Cùng với cát biển được đề xuất thí điểm thay thế cát sông, tro bay tức xỉ than cũng từng được đề xuất làm vật liệu san lấp các dự án cao tốc, thay thế nguồn cát sông đang thiếu hụt.
Cùng với cát biển được đề xuất thí điểm thay thế cát sông, tro bay tức xỉ than cũng từng được đề xuất làm vật liệu san lấp các dự án cao tốc, thay thế nguồn cát sông đang thiếu hụt.

Đối với dự án cao tốc Bắc Nam phía đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư, cho biết toàn tuyến Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 dự án thành phần là Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau) cần hơn 18,1 triệu m3 cát san lấp nền. Các địa phương đã bố trí khoảng 1,47 triệu m3 cát, đạt xấp xỉ 8% và dự án hiện đã tiếp nhận được 0,48 triệu m3.

Ông Thi cũng nói thêm, khó khăn lớn nhất là giải quyết thông thoáng nguồn vật liệu và hiện chỉ chờ nguồn vật liệu để đắp nền. Tiến độ dự án đang chậm khoảng 3 tháng. Theo ông Trần Văn Thi, trong số 18,1 triệu m3 cát cho toàn dự án, tỉnh Đồng Tháp đã cam kết cung cấp 7 triệu m3 cát; dự án hiện đã lấy được 400.000 m3 cát từ nguồn, tăng 50% công suất và tỉnh này cũng giới thiệu thêm 5 mỏ cát khác. Các đơn vị thi công đang triển khai thủ tục để tiếp nhận. Trong khi đó, tỉnh An Giang cũng đã có văn bản cung cấp 3,3 triệu m3 cát trong năm 2023 và đã giao 4 mỏ cho dự án; hiện đã lấy được 100.000 m3 cát thì phải dừng lại vì vướng điều tra, thanh tra (như đã nói).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ rất nóng lòng với tiến độ các dự án do thiếu hụt nguồn cát san lấp. Theo ông Thắng, hiện giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc Nam ở tất cả các địa phương ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong các năm 2023 và 2024 đều không thiếu vật liệu san lấp. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long được hưởng cơ chế đặc thù là được tăng công suất khai thác cát thêm 50%. Vì vậy ông Thắng đề nghị các địa phương cố gắng thu xếp, bố trí đủ nguồn cát cho các dự án theo tiến độ trong năm 2023 này.

Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo các địa phương liên quan, trong tháng 9 này phải hoàn thành thủ tục, đưa những mỏ mới vào hoạt động; gia hạn, nâng công suất các mỏ hiện có hoặc đã hết hạn nhưng trữ lượng vẫn còn.