15:36 20/07/2023

Khởi công dự án thành phần 2 của cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh vào đầu năm 2024

Xuân Nghi

Dự án đường bộ cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh gồm 2 dự án thành phần với tổng vốn đầu tư gần 5.900 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 9/2024; trong đó dự án thành phần 2 sẽ được khởi công vào đầu năm 2024...

Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ kết nối với cầu Cao Lãnh đi qua cầu Vàm Cống và tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi Kiên Giang. Trong ảnh là cầu Vàm Cống.
Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ kết nối với cầu Cao Lãnh đi qua cầu Vàm Cống và tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi Kiên Giang. Trong ảnh là cầu Vàm Cống.

Báo cáo cập nhật tình hình tiến độ dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc (trục ngang) Mỹ An – Cao Lãnh ở đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải đã cho biết, nếu chủ trương đầu tư được phê duyệt điều chỉnh trong tháng 7/2023 thì chủ đầu tư dự kiến sẽ khởi công dự án vào tháng 01/2024.

Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 27/12/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 về sử dụng vốn vay ODA của Quỹ hợp tác Phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF). Theo đó, dự án có tổng chiều dài 27,43 km đi qua địa phận hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, là dự án trục ngang kết nối các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng.

Dự án do Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 dài 16 km qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và dự án thành phần 2 dài hơn 11 km đi qua địa phận Đồng Tháp và Tiền Giang. Ở giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 17 m.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, tính đến thời điểm hiện tại của tháng 7/2023, dự án thành phần 1 đã nhận bàn giao được trên 93 ha mặt bằng, đạt hơn 92% tổng diện tích mặt bằng. Với dự án thành phần 2, hiện còn gặp nhiều khó khăn do đi qua khu vực có cấu tạo địa chất phức tạp: Chiều dày tầng đất yếu lớn, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư.

Cụ thể, trên cơ sở cập nhật số liệu rà soát thực tế, ghi nhận chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 857 tỷ đồng, chi phí xây dựng tăng 584 tỷ đồng, chi phí quản lý và chi phí khác tăng 131 tỷ đồng, chi phí dự phòng tăng hơn 200 tỷ đồng… Vì vậy, để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang xin ý kiến về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án. Sau khi có ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, nếu chủ trương đầu tư được phê duyệt điều chỉnh trong tháng 7/2023, chủ đầu tư sẽ triển khai các công việc liên quan để kịp khởi công dự án vào tháng 01/2024.

Hướng tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh trong lý trình kết nối với tuyến N2 và đường Hồ Chí Minh.
Hướng tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh trong lý trình kết nối với tuyến N2 và đường Hồ Chí Minh.

Mới đây, tại cuộc họp tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA vùng đồng bằng sông Cửu Long đầu tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang thống nhất với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong tháng 7/2023.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn ngân sách trung ương và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ đối với phần vốn tăng thêm cho dự án, theo quy định của pháp luật.

Tháng 01/2022, Bộ Giao thông vận tải có quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 cho Ban Mỹ Thuận. Bộ này cũng giao Ban Mỹ Thuận chỉ đạo tư vấn tiếp tục củng cố, hoàn thiện hồ sơ về số liệu dự báo nhu cầu vận tải trên tuyến chính và các tuyến nhánh nút giao nhằm xác định sự cần thiết đầu tư, quy mô, thời điểm đầu tư sao cho cho phù hợp; rà soát, cập nhật tiến trình áp dụng hình thức thu phí không dừng, kinh phí xây dựng và vận hành trạm thu phí…

Về nguồn vốn, quyết định giao nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Ban Mỹ Thuận tiếp tục rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư của dự án. Theo dự kiến ban đầu, tổng vốn thực hiện dự án dự kiến hơn 4.770 tỷ đồng; trong đó vốn vay ODA Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển Kinh tế Hàn Quốc (EDCF) hơn 3.677 tỷ đồng (tương đương 158,8 triệu USD), vốn đối ứng dự kiến khoảng 1.093 tỷ đồng.

Sau khi rà soát, cập nhật trên cơ sở các số liệu đo đạc, tính toán thực tế như đã nêu, dự án đã được trình duyệt tăng khoảng 1.510 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được duyệt ban đầu.

 

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 có mục tiêu phát huy hiệu quả dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Bắc Nam phía tây. 

Dự án được đầu tư nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Long An, Đồng Tháp nói riêng.