19:07 13/08/2023

Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu trước tháng 12/2025

Huyền Vy

Trong chương trình công tác tại tỉnh Đồng Tháp, sáng 13/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát một số công trình, dự án đường bộ trọng điểm của tỉnh...

Thủ tướng khảo sát tuyến cao tốc Cao Lãnh-An Hữu tại nút giao với ĐT.847, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: VGP.
Thủ tướng khảo sát tuyến cao tốc Cao Lãnh-An Hữu tại nút giao với ĐT.847, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: VGP.

Thủ tướng đã kiểm tra dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 có tổng chiều dài 27,43 km (qua tỉnh Đồng Tháp khoảng 18,2 km và qua tỉnh Tiền Giang khoảng 9,23 km); tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng.

Sau khi nghe báo cáo về dự án, Thủ tướng chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, cố gắng hoàn thành dự án trước tháng 12/2025; tránh đội vốn bất hợp lý; chống tiêu cực, tham nhũng.

Cùng với đó, xây dựng nút giao đẹp, xanh, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới. Đặc biệt lưu ý ưu tiên sử dụng lao động địa phương phục vụ dự án, vừa giảm chi phí, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Trước đó, Thủ tướng đã kiểm tra Dự án nâng cấp quốc lộ 30 đoạn thành phố Cao Lãnh (Tuyến tránh thành phố Cao Lãnh). Tuyến đường dài 16,5 km, tổng mức đầu tư hơn 912 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã triển khai thi công 3/3 gói thầu, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Thủ tướng xem Bản đồ hướng tuyến Dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự. Ảnh: VGP.
Thủ tướng xem Bản đồ hướng tuyến Dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự. Ảnh: VGP.

Thủ tướng nhấn mạnh, dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn chỉnh Quy hoạch giao thông đã được Thủ tướng phê duyệt; là trục ngang quan trọng để kết nối với các trục chính như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Cao Lãnh - Vàm Cống và Lộ Tẻ Rạch Sỏi… Đặc biệt, dự án có số hộ dân bị ảnh hưởng, phải giải tỏa khá lớn (586 hộ), do đó Đồng Tháp cần lưu ý tổ chức cho người dân phải di dời có cuộc sống mới ít nhất là bằng, phấn đấu tốt hơn nơi ở cũ.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng đã thăm một số cơ sở sản xuất, chế biến lúa gạo, nông sản hiện đại, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Tới thăm nhà máy chế biến gạo của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VINARICE) tại Cụm công nghiệp Trường Xuân, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng xem sản phẩm xuất khẩu của nhà máy chế biến gạo của Công ty VINARICE. Ảnh: VGP.
Thủ tướng xem sản phẩm xuất khẩu của nhà máy chế biến gạo của Công ty VINARICE. Ảnh: VGP.

Chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, chiến lược, lâu dài (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hoá), đồng thời coi trọng nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, do đó phải tích cực hội nhập, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; chú trọng đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt nói chung và của Công ty nói riêng; quy hoạch vùng nguyên liệu với quỹ đất hợp lý; bảo đảm lợi ích phù hợp cho người nông dân; góp phần công nghiệp hoá nông thôn.

Cùng với đó, coi trọng chế biến sâu; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào sản xuất sạch, năng suất, chất lượng cao, với giống chất lượng, kỹ thuật canh tác phù hợp; bao bì, mẫu mã hấp dẫn; làm tốt việc truy xuất nguồn gốc gắn với chuyển đổi số; tiến hành quy trình sản xuất tiên tiến, xanh, giảm phát thải khí methane; tích cực hợp tác bền vững với các đối tác, coi trọng văn hoá, đạo đức kinh doanh, phát huy truyền thống, đạo lý của con người Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết "5 nhà" bao gồm: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà kinh doanh (bao gồm ngân hàng) và người tiêu dùng, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Công ty phải có hệ sinh thái là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ nông dân với thoả thuận hợp tác lâu dài, hài hoà lợi ích, ổn định thị trường, phát triển văn hoá kinh doanh; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong lúc này, nâng cao thu nhập, đời sống người nông dân.

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa và làm việc với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười).

Thủ tướng đánh giá, mô hình này của Hợp tác xã Thắng Lợi đang đi đúng chủ trương, đường lối của Đảng là xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Đây cũng là mô hình phát triển xanh với các yếu tố kinh tế tuần hoàn của hợp tác xã, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa và làm việc với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa và làm việc với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi. Ảnh: VGP.

Đặc biệt, Hợp tác xã đã đi đầu trong liên kết sản xuất giống và lúa hàng hóa; đang thực hiện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn lúa gạo bền vững (SRP), tuân thủ 41 tiêu chuẩn quy định, như: Không sử dụng trẻ em trong sản xuất, tưới nước ngậm khô xen kẽ bằng hệ thống cảm biến mặt nước, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân.

Thủ tướng đề nghị Hợp tác xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm kết nối, khai thác hiệu quả kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ năng sản xuất; kết nối nhanh chóng, kịp thời giữa sản xuất với thị trường.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện sản xuất xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; thúc đẩy cơ giới hoá, nâng cao năng suất lao động; xây dựng thương hiệu; giảm chi phí đầu vào để nâng cao hiệu quả sản xuất; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta không đổi mới thì sẽ bị giới hạn, không thể tiếp tục phát triển; do đó, phải tiếp tục đổi mới tư duy về sản xuất nông nghiệp, nhất là chuyển đổi số, số hoá đồng ruộng, chú ý xây dựng các cơ sở dữ liệu (như sâu rầy, độ chua phèn của đất…).

Các doanh nghiệp cần cam kết hợp tác ổn định với nông dân, hợp tác bền vững, hỗ trợ, hợp tác với nông dân về thị trường, phân bón, thuốc trừ sâu, thiết bị, đầu ra...

Trong chiều cùng ngày, tại thành phố Cao Lãnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Cuộc làm việc nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh thời gian qua; đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp. Ảnh: VGP.

Theo báo cáo của Đồng Tháp, tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2022 đạt 8,62% (xếp thứ 5/13 trong vùng ĐBSCL); quy mô kinh tế của tỉnh lần đầu tiên vượt qua mốc 100.000 tỷ đồng, xếp thứ 5/13 vùng và 29/63 cả nước. GRDP bình quân năm 2023 ước đạt 68,83 triệu đồng/người (năm 2022 là 62,1 triệu đồng/người).

Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,89%, xếp thứ 6/12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 6,96%; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 21.671 tỷ đồng, tăng 3,94%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 63.000 tỷ đồng, tăng 13,14%; du lịch thu hút được 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,99%, loại hình du lịch nông nghiệp được đẩy mạnh.

Tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả cao, xây dựng được các chuỗi ngành hàng hiệu quả (lúa, cá tra, hoa kiểng, sen...). Trong khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ 3 (hơn 3 triệu tấn mỗi năm); diện tích trồng xoài xếp thứ nhất (khoảng 14.000 ha, sản lượng 137.000 tấn); sản lượng cá tra xếp thứ nhất (trên 500.000 tấn, xuất khẩu sang 134 quốc gia, kim ngạch khoảng 900 triệu USD). Đồng Tháp đứng thứ ba cả nước về sản phẩm OCOP với 357 sản phẩm. Có 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 94,78% số xã.

Đồng Tháp đã hoàn thành dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (đang thực hiện các thủ tục trình phê duyệt). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, tăng 12%, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tăng mạnh (33,7%).

Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 50,38%; tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia được thúc đẩy (đã khởi công, khẩn trương thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 (bàn giao mặt bằng đạt trên 95,5%), dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự giai đoạn 3...).