11:29 26/07/2023

Đã có thể dùng cát biển thay cát sông làm vật liệu đắp nền đường?

Xuân Nghi

Sau thời gian thử nghiệm thí điểm và tiến hành quan trắc kể từ cuối tháng 3/2023, đến nay kết quả bước đầu cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu về vật liệu đắp nền đường theo quy định khi có các chỉ tiêu cơ lý tương tự nhau...

Nguồn cát sông khai thác phục vụ thi công các dự án hạ tầng hiện đang thiếu hụt trầm trọng, so với nhu cầu thực tế rất lớn.
Nguồn cát sông khai thác phục vụ thi công các dự án hạ tầng hiện đang thiếu hụt trầm trọng, so với nhu cầu thực tế rất lớn.

Để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cát sông phục vụ cho các dự án cao tốc Bắc Nam, đồng thời nghiên cứu thí điểm dùng cát biển thay thế cát sông, từ cuối năm ngoái Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các đơn vị liên quan thử nghiệm dùng cát biển đắp đường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận) thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát biển với khối lượng trên 1 triệu m3 để triển khai thí điểm.

Dự án được nghiên cứu thí điểm là một đoạn đường hoàn trả dài khoảng 300 m của tỉnh lộ 978 tại lý trình Km 79+820 dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau, thuộc địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đoạn này được đánh giá đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về vị trí thí điểm là vị trí nhạy cảm về môi trường, có thể bảo đảm thông xe sau khi thi công.

Bắt đầu thi công vào cuối tháng 3/2023, khối lượng cát biển dùng để đắp đường: 5.800 m3. Khối lượng cát biển được cấp phép khai thác phục vụ thí điểm: trên 1 triệu m3. Độ dày nền cát là 50 cm và quy mô mặt đường rộng 9 m với 2 làn xe.

Theo Ban Mỹ Thuận, đoạn đường thí điểm đắp cát biển có chiều dài 300 m, gồm 60 m đoạn hạ âm và 240 m đoạn thử nghiệm với ba mái dốc ta-luy nền đường khác nhau. Hiện đã thi công hoan thành trải thảm nhựa một nửa phía cuối tuyến dài 240 m. Đoạn phân nửa phía đầu tuyến còn lại đã hoàn trả vào ngày 20/7/2023 và đưa vào sử dụng, tiếp tục quan trắc theo nhiệm vụ quan trắc định kỳ theo đề cương.

Ghi nhận cho thấy, hiện đoạn đường thi công hoàn chỉnh xe cộ lưu thông bình thường và vẫn đang trong thời gian chờ theo dõi các thông số kỹ thuật theo quy định. Ban Mỹ Thuận cũng cho biết, đến nay các chỉ tiêu cơ lý đều đáp ứng theo yêu cầu, về vấn đề tác động môi trường, độ mặn vẫn nằm trong phạm vi cho phép, chưa có phát sinh gì và đang trong tầm kiểm soát.

Ngoài ra, để đo đạc tác động của lớp cát biển đã đắp đường đối với môi trường xung quanh, Ban Mỹ Thuận đã cho phân tích 8 mẫu nước mặt ở các vị trí khác nhau với các chỉ tiêu pH, tổng chất rắn lơ lửng, clorur, độ mặn… Kết quả cho thấy, các thông số quan trắc độ mặn và clorur phụ thuộc có sự tương đồng với nguồn nước sông trong khu vực, chưa có bằng chứng cho thấy lớp cát biển này làm tăng độ mặn và hàm lượng clorur trong nước mặt.

Dự kiến đến tháng 12/2023 sẽ kết thúc quan trắc, theo dõi lún và tác động môi trường. Sau khi có kết quả đánh giá của các nhà khoa học, hội đồng đánh giá của Bộ Giao thông vận tải chấp thuận, lúc đó các chuyên gia cho ý kiến, khuyến cáo đưa vào ứng dụng chính thức hay không thì sẽ tiếp tục. “Trong đề cương cho phép, chỉ có thí điểm một đoạn đắp đường dài 300 m là đường hoàn trả của tỉnh lộ 978 qua tỉnh Bạc Liêu. Chưa có kế hoạch mở rộng ra những đoạn khác”, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Mỹ Thuận xác nhận.

Tro bay (xỉ than nhiệt điện) đã từng được đề xuất dùng làm vật liệu san lấp thay thế vật liệu cát, với điều kiện bảo đảm về quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.
Tro bay (xỉ than nhiệt điện) đã từng được đề xuất dùng làm vật liệu san lấp thay thế vật liệu cát, với điều kiện bảo đảm về quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.

Trước đó, tháng 9/2022, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi 6 tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng về việc hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án xây dựng đường cao tốc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các tỉnh này cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển trên địa bàn hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để thi công thí điểm và phục vụ nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đồng thời chỉ đạo các sở tài nguyên và môi trường, các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục cần thiết để thực hiện.

Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các dự án về hạ tầng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cát dùng để san lấp, đắp nền đều từ nguồn cát sông được khai thác dọc hai chi lưu lớn của sông Mekong là sông Tiền và sông Hậu, chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp với tổng sản lượng các mỏ đang khai thác còn thấp so với tổng trữ lượng hiện có ở các mỏ.

 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, 4 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông và tuyến cao tốc trục ngang khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gồm các đoạn: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh đã đồng loạt triển khai. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3.