16:45 28/07/2023

Bộ Giao thông vận tải lý giải 4 nguyên nhân đẩy tổng mức đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tăng hơn 1.400 tỷ đồng

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng hơn 1.430 tỷ đồng...

Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất lựa chọn nhà thầu tư vấn trong nước thực hiện dự án, nhằm rút ngắn tiến độ triển khai khoảng 10-12 tháng.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất lựa chọn nhà thầu tư vấn trong nước thực hiện dự án, nhằm rút ngắn tiến độ triển khai khoảng 10-12 tháng.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2203/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 với tổng chiều dài hơn 27 km, quy mô 4 làn xe hạn chế đi qua hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4.770,75 tỷ đồng.

Trong đó, vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc Kexim khoảng hơn 3.677 tỷ đồng; vốn đối ứng khoảng hơn 1.093 tỷ đồng.

BỐN LÝ DO TĂNG TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

Trong tờ trình vừa gửi đi, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.430 tỷ đồng, từ hơn 4.770 tỷ đồng lên hơn 6.200 tỷ đồng.

Về cơ cầu nguồn vốn, vốn vay ODA được kiến nghị tăng từ hơn 3.677 tỷ đồng lên hơn 4.462 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 785 tỷ đồng; sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA.

Cùng với đó, nguồn vốn đối ứng được đề xuất điều chỉnh tăng hơn 650 tỷ đồng, từ gần 1.100 tỷ đồng lên hơn 1.747 tỷ đồng, dùng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công), chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước theo quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Theo phân tích của Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án do một là, chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng do được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế. 

Theo Bộ Giao thông vận tải, tại bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa thực hiện công tác khảo sát, chỉ tính toán các số liệu dựa trên bản đồ số. Còn bước nghiên cứu khả thi phối hợp với địa phương thực hiện khảo sát chi tiết, rà soát diện tích từng loại đất theo thực tế, bổ sung một số hạng mục công việc như di dời đường điện cao thế, trung thế và cập nhật đơn giá mới.

Hai là, chi phí xây dựng tăng khoảng 788 tỷ đồng do cập nhật khối lượng và đơn giá, định mức.

Tại bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa thực hiện công tác khảo sát chi tiết, chỉ thiết kế sơ bộ trên bản đồ số. Báo cáo nghiên cứu khả thi căn cứ kết quả khảo sát, tính toán điều chỉnh giảm 6 cầu. Tuy nhiên, kết cấu nhịp, chiều dài các cầu có sự điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm các yếu tố kỹ thuật. Giá trị tổng mức đầu tư tăng khoảng 423 tỷ đồng. Chiều dài phần đường giảm khoảng 490m, tương ứng giá trị giảm khoảng 51 tỷ đồng.

Đơn giá cũng tăng tương ứng khoảng 416 tỷ đồng do đơn giá, định mức tại thời điểm lập tổng mức đầu tư bước báo cáo nghiên cứu khả thi (tháng 10/2022) tăng so với đơn giá tại thời điểm lập, trình chủ trương đầu tư dự án (tháng 10/2020).

Thứ ba, chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 80 tỷ đồng do được tính toán theo tỷ lệ phần trăm của chi phí xây dựng (tính theo định mức, tạm tính). Ngoài ra, điều chỉnh chi phí khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu (chuyển sang sử dụng vốn đối ứng, tính theo định mức, tạm tính); chi phí giám sát thi công sử dụng vốn ODA.

Thứ tư, chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng tương ứng. Chi phí dự phòng tính bằng 16,97%, trong đó dự phòng khối lượng giữ nguyên tỷ lệ 10% so với bước nghiên cứu tiền khả thi, dự phòng trượt giá tính toán theo quy định là 6,97%, tăng so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là 5%.

ĐỀ XUẤT LỰA CHỌN NHÀ THẦU TƯ VẤN TRONG NƯỚC

Tại tờ trình gửi đi, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất lựa chọn nhà thầu tư vấn trong nước thực hiện dự án, nhằm rút ngắn tiến độ triển khai khoảng 10-12 tháng. 

Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo Quyết định số 2203 ngày 27/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, chi phí khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu (không gồm thuế VAT) sử dụng vốn ODA của EDCF và tuyển chọn tư vấn nước ngoài thực hiện theo thông lệ của nhà tài trợ.

 

Tuy nhiên, "căn cứ điều kiện thực tiễn, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất điều chỉnh sử dụng vốn đối ứng và lựa chọn nhà thầu trong nước để thực hiện công tác này. Việc sử dụng nhà thầu trong nước sẽ rút ngắn được tiến độ triển khai khoảng 10-12 tháng", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Trên cơ sở báo cáo, Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề xuất với EDCF nội dung trên.

Tại thư ngày 17/01/2023, Kexim cũng thống nhất phương án tư vấn trong nước thực hiện công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, hỗ trợ đấu thầu; phía Hàn Quốc sẽ lựa chọn tư vấn Hàn Quốc thực hiện rà soát, thẩm tra độc lập thiết kế kỹ thuật và dự toán thông qua khoản tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc (không tính vào giá trị khoản vay).

“Việc sử dụng vốn đối ứng và lựa chọn tư vấn trong nước thực hiện dịch vụ dẫn tới cơ cấu nguồn vốn của tổng mức đầu tư thay đổi so với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”, Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Theo Quyết định 2203 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án được chia thành hai dự án thành phần, gồm: dự án thành phần 1 dài 16 km qua địa phận tỉnh Đồng Tháp; dự án thành phần 2 dài hơn 11 km đi qua địa phận Đồng Tháp và Tiền Giang.

Giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 17m, vận tốc khai thác 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Tính đến tháng 7, hiện dự án thành phần 1 nhận bàn giao được trên 93 ha mặt bằng, đạt hơn 92% tổng diện tích mặt bằng. Với dự án thành phần 2, hiện còn gặp nhiều khó khăn do đi qua khu vực có cấu tạo địa chất phức tạp do chiều dày tầng đất yếu lớn, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng cao làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư. Chủ đầu tư dự kiến triển khai các công việc liên quan để kịp khởi công dự án vào tháng 1/2024.