Thông hầm núi Vung trên đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Hầm núi Vung trên tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, dài 2,2 km vừa hoàn thành nối thông hai đầu và là hầm xuyên núi dài nhất của tuyến cao tốc Bắc Nam...
Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam, được đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, do Công ty cổ phần BOT Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Tập đoàn Đèo Cả chủ đầu tư.
Hầm núi Vung thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận, được thi công theo phương pháp mới NÖT của Áo, hay còn gọi là “Phương pháp gia cố hầm bằng công nghệ thi công NATM” (New Austrian Tunneling Method). Công nghệ này được các chuyên gia đánh giá giúp thi công linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ đào hầm truyền thống.
Công ty cổ phần BOT và Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức lễ thông hầm núi Vung vào cuối tuần qua. Trước đó, đầu tháng 7/2023, chủ đầu tư cũng đã tổ chức “hợp long” hai mũi đào hướng bắc và nam của nhánh trái hầm Núi Vung đã hợp long với độ chính xác tuyệt đối.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong dự dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức PPP, cùng với các đoạn Nha Trang – Cam Lâm và Diễn Châu – Bãi Vọt. Dự án có tổng chiều dài 78,5 km, đi qua địa phận ba tỉnh Khánh Hòa (5 km), Ninh Thuận (63 km) và Bình Thuận (12 km), do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm chủ đầu tư.
Phương pháp thi công NATM cũng là công nghệ được áp dụng trong thi công hoàn thành các hầm xuyên núi như Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, Thung Thi, hầm đường bao biển Quảng Ninh.
Phó tổng giám đốc Công ty cổ phàn BOT Cam Lâm – Vĩnh Hảo Đặng Tiến Thắng cho biết, trong quá trình đào hầm, mũi thi công hầm từ phía nam đã gặp đới địa chất yếu, khác biệt so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật ban đầu của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Chủ đầu tư đã chủ động mời chuyên gia của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước, Ban quản lý Dự án 85, đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật cùng thống nhất hàng loạt biện pháp xử lý.
Việc thông hầm với độ chính xác tuyệt đối là dấu mốc quan trọng của hạng mục đường găng tiến độ nhằm đưa toàn dự án hoàn thành trước 30/4/2024 theo kế hoạch; đồng thời có ý nghĩa rất quan trọng, công tác điều phối nhân sự, phương tiện, vật tư vật liệu có thể đi xuyên qua hầm không phải đi vòng bằng đường công vụ.
Dự kiến, đến cuối tháng 12/2023, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ thông tuyến khoảng 21 km, từ Km 92 tại nút giao Phan Rang đến Km113 tại nút giao với tỉnh lộ 709, nhằm phục vụ người dân lưu thông thuận tiện.
Dự án cao tốc thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 4.199 tỷ đồng. Dự án được ký kết hợp đồng BOT giữa Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Đèo Cả cùng liên danh nhà đầu tư vào ngày 30/7/2021 tại Hà Nội.
Dự án có điểm đầu tại Km 54, phía sau nút giao Cam Ranh thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), và điểm cuối tại Km 134+00, tại nút giao Vĩnh Hảo, trùng điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận).
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 80 km/h. Tuyến hầm Núi Vung có chiều dài 2,2 km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14 m, lớn thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Giai đoạn hoàn chỉnh, quy mô sẽ lên tới 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,35 m.