18:24 28/03/2024

Rừng dừa Bảy Mẫu: Mở tour cao cấp để phát triển bền vững

Tường Bách

Rừng dừa Bảy Mẫu (hay còn gọi là rừng dừa Cẩm Thanh) rộng gần 300ha nằm ở cửa sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 4km. Trảng rừng nguyên sinh này nằm ở vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và là một khu di tích lịch sử nổi tiếng…

Ảnh: Phương Thảo
Ảnh: Phương Thảo

Ngày 26/3, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), cho biết vừa tổ chức đoàn khảo sát đánh giá kế hoạch mở tour du lịch mới cho dòng khách cao cấp tại rừng dừa Bảy Mẫu. Vị trí mở tour dự kiến chọn một khu vực khá tách biệt, bao quanh rừng dừa nước ở gần cầu Cửa Đại, phục vụ nhóm khách yêu thích tìm hiểu không gian sinh thái sông nước, chọn sự tĩnh lặng. Tour này hướng đến dòng khách các nước châu Âu.

Qua khảo sát từ thực tế, đoàn bao gồm các sở ngành tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An đều nhận định kế hoạch mở tour là khả thi. Một khi hình thành, tour sẽ đưa khách tham quan một khu vực rừng nguyên sinh, nằm sát sông Thu Bồn, lâu nay ít được khai thác. Trước mắt xã Cẩm Thanh lập thủ tục thực hiện các dự án hạ tầng, nạo vét các nhánh luồng lạch, phối hợp khảo sát quy hoạch bến đón trả khách, xây dựng điểm trình diễn nghề… Các phần việc phải khẩn trương để đặt mục tiêu đưa tour vào hoạt động trong năm 2024.

Theo đó, vị trí mở tour dự kiến chọn một khu vực khá tách biệt, bao quanh rừng dừa nước ở gần cầu Cửa Đại, phục vụ nhóm khách yêu thích tìm hiểu không gian sinh thái sông nước, chọn sự tĩnh lặng. Hiện nay, rừng dừa ngập mặn tại Cẩm Thanh có diện tích lên đến cả trăm ha, nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là "rừng dừa Bảy Mẫu" với tuổi đời ngót gần 200 năm. Thong dong trên chiếc thuyền thúng, xuôi dòng Thu Bồn, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm vẻ đẹp yên bình và kỳ thú của rừng dừa Bảy Mẫu Hội An xanh ngút ngàn.

Qua khảo sát từ thực tế, đoàn bao gồm các sở ngành tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An đều nhận định kế hoạch mở tour là khả thi.
Qua khảo sát từ thực tế, đoàn bao gồm các sở ngành tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An đều nhận định kế hoạch mở tour là khả thi.

Từ bến thuyền, phương tiện để du khách xuôi dòng Thu Bồn là thuyền thúng. Ngồi trên thuyền, du khách được ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng, kỳ thú của sông nước trong xanh soi bóng mây trời, chụp những tấm hình lưu niệm khi đi qua những khu rừng dừa tuyệt đẹp. Đến đoạn ngã ba sông, các thuyền dừng lại để đón xem màn trình diễn múa thuyền thúng độc đáo của những thợ chèo lão luyện với những vòng quay nghiêng rất điệu nghệ, chuyên nghiệp và hấp dẫn. Tại đây, du khách còn được lắng nghe âm vang của những điệu hò, điệu hát ca ngợi quê hương đất nước của cư dân bản địa...

Rừng dừa Bảy Mẫu có vị trí đặc biệt khi nằm gần cửa sông ra biển. Bao bọc rừng dừa là các đoạn sông rạch chạy quanh tạo nên phong cảnh thiên nhiên rất riêng tại Hội An. Do sở hữu được nhiều diện tích rừng dừa ngập mặn nên nhiều năm nay, du lịch đã trở thành ngành nghề "hot", giúp người dân địa phương thoát nghèo, làm giàu nhờ việc có du khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong năm 2023, tổng lượt khách mua vé tham quan rừng dừa Bảy Mẫu ước đạt 790.000 lượt, tăng 82,8% so với cùng kỳ và đạt 158% kế hoạch năm.

Với lượt khách bùng nổ đến với khu vực rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP. Hội An), khu vực này dần trở nên quá tải về số lượng khách vào thời gian cao điểm. Để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, đã có 15 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ với gần 1.350 phương tiện thuyền thúng đưa vào hoạt động. Lượng khách nhiều, tuy nhiên hạ tầng du lịch tại khu vực vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho du khách. Trong đó, các bến đón/trả khách chưa đảm bảo chất lượng, bãi đỗ xe còn thiếu, sản phẩm thưa thớt,... khiến du lịch tại khu vực chưa thực sự nổi bật.

Do sở hữu được nhiều diện tích rừng dừa ngập mặn nên nhiều năm nay, du lịch đã trở thành ngành nghề "hot", giúp người dân địa phương thoát nghèo.
Do sở hữu được nhiều diện tích rừng dừa ngập mặn nên nhiều năm nay, du lịch đã trở thành ngành nghề "hot", giúp người dân địa phương thoát nghèo.

Chưa kể đến, vì đón quá nhiều lượt khách trong một ngày, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ cũng quên đi việc đảm bảo an toàn cho du khách như không yêu cầu mặc áo phao, vẫn diễn ra tình trạng mở nhạc công suất lớn du đã được yêu cầu chấn chỉnh. Vấn đề này có thể tác động tiêu cực đến môi trường du lịch của địa phương, cùng với đó ảnh hưởng đến vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm… Chính quyền xã Cẩm Thanh hiện đang nỗ lực quản lý hiện trạng, tránh việc rừng dừa bị khai thác, xây dựng quá mức để phục vụ du lịch, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái vốn có.

Theo ông Trần Chiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh hiện nay, Ban quản lý du lịch xã Cẩm Thanh chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát vé, bảo vệ môi trường, an toàn cho du khách,... Ông Chiến cũng thừa nhận hoạt động phát triển du lịch tại khu vực vẫn còn nhiều bất cập cần sớm được chấn chỉnh để đảm bảo cải thiện môi trường du lịch tại địa phương.

Về vấn đề bãi đỗ xe, ông Chiến cho hay bãi đỗ xe cũ đã quá chật so với tình hình thực tế nên thường xuyên có tình trạng các phương tiện dừng, đỗ để đón/trả khách trên hành lang đường Võ Chí Công gây mất an toàn giao thông. Để khắc phục tình trạng này, UBND xã Cẩm Thanh đã đề xuất TP. Hội An cấp phép xây dựng bãi đỗ xe mới rộng 5.000m2 và đang chờ được phê duyệt. “Các doanh nghiệp tại đây cũng không thể sắp xếp được vì phương tiện là của các công ty lữ hành đưa đến. Đã nhiều lần các lực lượng chức năng tiến hành xử phạt nhưng vẫn không thể giải quyết được vấn đề”, ông Chiến nói.

Trong năm 2024, Cẩm Thanh xác định đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động du lịch.
Trong năm 2024, Cẩm Thanh xác định đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động du lịch.

Đối với những bất cập khác, Chủ tịch xã Cẩm Thanh cho hay chính quyền địa phương đang trong quá trình tháo gỡ từng bước, tuy nhiên để giải quyết triệt để cần có sự vào cuộc của nhiều đơn vị. Vị này cũng cho rằng có nhiều vấn đề mang tính lịch sử rất khó xử lý, vì vậy địa phương đã kiến nghị đến các cấp thẩm quyền để được hỗ trợ tháo gỡ.

Về phương án hoạt động du lịch trong thời gian tới, ông Chiến cho biết chính quyền sẽ họp mặt các doanh nghiệp tại đây để hình thành hợp tác xã du lịch. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ hoạt động theo khuôn khổ nhất định, địa phương cũng sẽ xây dựng 4 bến đón trả khách mới để doanh nghiệp dùng chung. “Những bến bãi tự phát sẽ dừng hoạt động, doanh nghiệp nào vi phạm sẽ xử lý ngay. Địa phương sẽ tích cực cải thiện môi trường du lịch để không làm ảnh hưởng đến du khách cũng như thương hiệu”, ông Trần Chiến khẳng định.

Trong năm 2024, xã Cẩm Thanh xác định đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động du lịch, phát triển du lịch theo hướng bền vững hài hòa thiên nhiên, con người. Mục tiêu cụ thể, ngành du lịch  phấn đấu đạt doanh thu 511,674 tỷ đồng, đón tổng lượt khách tham quan gần 700.000 lượt.