Sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ: Đại biểu muốn công khai, Bộ trưởng không công bố
Sai phạm trong tuyển dụng có cả cán bộ cấp cao và việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm
Về tuyển dụng, có những tỉnh đã sai phạm trên 1700 trường hợp, theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn người đứng đầu ngành nội vụ. Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) đặt vấn đề, trong báo cáo, Bộ trưởng nhận định còn có những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ như bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn điều kiện, bổ nhiệm quá số lượng quy định, chưa đáp ứng về trình tự, thủ tục, bổ nhiệm người nhà, người thân.
Đề nghị Bộ trưởng công khai với các trường hợp này cho đại biểu Quốc hội và nhân dân biết để giám sát và Bộ sẽ có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới? đại biểu chất vấn.
Có số liệu nhưng không công bố
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị của Trung ương làm báo cáo bước đầu tự kiểm tra về sai phạm trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng.
"Con số báo cáo kết quả kiểm tra này đã được Ban tổ chức Trung ương tổng hợp báo cáo chung cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Nội vụ chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm tổng kết báo cáo trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Con số này tôi không công bố tại đây", Bộ trưởng nói.
Không nêu con số song Bộ trưởng Tân "xin thưa với các đại biểu là sai phạm trong tuyển dụng chiếm nhiều nhất trong các sai phạm khác".
Ông Tân cũng nhấn mạnh, sai phạm trong tuyển dụng có cả cán bộ cấp cao và việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm, phải theo từng tình huống mà xử lý phù hợp, vừa đảm bảo nghiêm minh của pháp luật vừa đảm bảo sự ổn định chính trị trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.
Thêm một lần phân trần với đại biểu là không báo cáo được với đại biểu con số cụ thể, nhưng Bộ trưởng cho biết trong tuyển dụng có những tỉnh đã sai phạm trên 1.700 trường hợp. Tất nhiên cũng có tỉnh chỉ vài ba chục trường hợp, vài trăm trường hợp, Bộ trưởng nói thêm.
Trước Quốc hội, lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng mong cơ quan có thẩm quyền sớm có ý kiến về vấn đề xử lý sai phạm trong tuyển dụng.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đặt vấn đề, hiện nay một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tham ô lãng phí, lợi dụng lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bố trí người thân vào làm việc trong bộ máy Nhà nước.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức có những vi phạm như đã nêu trên, nhóm nào chiếm tỷ lệ cao nhất, vì sao". Trên cơ sở tỷ lệ này Bộ trưởng có giải pháp gì phù hợp với từng nhóm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng?
Trả lời, Bộ trưởng cho biết năm 2018 đã xử lý kỷ luật 1657 công chức. Trong đó, vi phạm liên quan đến quản lý công chức có 404 người chiếm 24,4%, vi phạm thi đua, khen thưởng chỉ có 2 người chiếm 0,1%. Vi phạm khác như tham ô, tham nhũng ,cờ bạc, sinh con thứ 3 là 1791 người chiếm tỷ lệ 75,5%, là nhóm cao nhất trong xử lý đối với công chức. Sai phạm về vấn đề tài chính, ngân sách có 1044 người chiếm 56,61% trên tổng số vi phạm.
Về hình thức kỷ luật, Bộ trưởng thông tin: kỷ luật khiển trách có 790 người chiếm 47,7%, cảnh cáo là 488 người chiếm 29,5%, hạ bậc lương 87 người chiếm 5,3%, cách chức 110 chiếm 6% và buộc thôi việc 141 người chiếm 8,4%.
Còn sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm,
Phát biểu cuối phiên chất vấn, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình khẳng định thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực trong việc sắp xếp tổ chức kiện toàn tổ chức hành chính nhà nước và cải cách chế độ công vụ, công chức, đã đạt được kết quả quan trọng.
Nhưng quá trình tổ chức thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc, tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế yếu kém về phẩm chất, năng lực, chưa làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao, còn tình trạng tham nhũng vặt.
Phó thủ tướng cũng xác nhận vẫn còn sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, việc xử lý sai phạm chưa nghiêm, công tác đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chưa thực chấ,t số liệu chưa thuyết phục. Chính phủ cũng đã nắm được và đang từng bước có giải pháp xử lý, Phó thủ tướng nói.
Theo lãnh đạo Chính phủ, sắp xếp, cải tiến bộ máy, tinh giản biên chế không phải là vấn đề mới nhưng vấn đề này chưa bao giờ là dễ dàng. Chính phủ xác định đây là vấn đề khó khăn, phức tạp nên phải có bước đi phù hợp thận trọng, Phó thủ tướng nhấn mạnh.