Sẽ chặn dòng tiền Google trả cho các video xấu độc
Ngăn chặn dòng tiền thanh toán cho các hoạt động phi pháp trên nền tảng số sẽ là một trong các giải pháp quan trọng
Đây sẽ là một trong những giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều ngày 25/6, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết Cục Thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhận thức rất rõ vấn đề này và Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05-Bộ Công an) để đưa ra giải pháp ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu độc.
Giải pháp sắp được hoàn tất, khi đó sẽ đưa hoạt động quảng cáo trở nên minh bạch, hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích. Ông Dũng cũng khẳng định chắc chắn thời gian ngắn tới sẽ có kết quả về việc đưa ra các giải pháp trên bởi Ngân hàng Nhà nước đang làm việc rất tích cực với các bên.
Trong khi đó, đứng ở góc độ quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng nói chung và quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới nói riêng, theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế) hiện cả nước có 765 nghìn doanh nghiệp nhưng chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ lại hay dùng kênh Youtube, Google nhiều hơn là những doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp lớn thường chọn con đường quảng cáo trong sạch.
Ông Phụng cho biết nhiều ý kiến đang đề xuất quay lại quy định trước đây để thu thuế của mấy "ông" Youtube, sáng tạo nội dung trên Youtube - là khấu trừ thuế trước sau đó hoàn lại sau. Hình thức là thu thuế của cá nhân kinh doanh, 100 triệu trở xuống thì miễn còn trên 100 triệu là thu. Hiện theo ông Phụng, chúng ta mới đang kêu gọi sự tự giác của các bạn hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng kê khai thuế.
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cũng cho biết, Tổng cục Thuế đang làm bộ công cụ để chỉ định danh những cá nhân hoạt động trên môi trường mạng này, vì con người vật lý là biết được.
Tổng cục Thuế đã có đề án và mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính có ký trình Chính phủ tờ trình số 87 về đề án mở lớp cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước, trên cơ sở không tăng thuế suất nhưng phải kiểm soát được cơ sở thuế, trong đó có đề cập đến các loại hình kinh doanh trên nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngăn chặn dòng tiền thanh toán cho các hoạt động phi pháp trên nền tảng số sẽ là một trong các giải pháp quan trọng để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp nên mua quảng cáo trên các nền tảng sạch tức là đã giúp cho đất nước sạch hơn, giúp các công ty sạch phát triển.
"Còn mua quảng cáo trên một nền tảng xấu độc là vô hình chung tiếp tay để hại đất nước mình", Bộ trưởng Hùng nói và cho rằng, chúng ta chi tiền cho ai, cái gì thì người đó, cái đó sẽ phát triển, chi tiền cho cái xấu tức là giúp cái xấu phát triển, và chi tiền cho cái tốt là giúp cái tốt phát triển, làm lu mờ cái xấu.
Do đó, theo ông, các Bộ, ngành liên quan phải cùng nhau hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên không gian mạng (sử dụng mạng xã hội có danh tính, phải đóng thuế, tuân thủ pháp luật).
Bộ trưởng Hùng cũng ủng hộ ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung.