Shein lại “tẩy xanh” cho mác thời trang nhanh?
Nhiều thương hiệu thời trang nhanh đang tham gia vào thị trường resale để “tẩy xanh” chính mình, đây là một điều không lạ. Bởi thời trang "mì ăn liền" là một ngành kinh doanh lãng phí cực kỳ lớn, làm trầm trọng thêm tác động môi trường của ngành thời trang…
Theo thống kê của tờ Business Of Fashion vào tháng 5/2022, có gần 100 thương hiệu và nhà bán lẻ ra mắt kênh resale trong 2 năm vừa qua. Trong đó có những thương hiệu xa xỉ trứ danh như Balenciaga và Valentino cho đến những tên tuổi phổ biến như Zara, H&M và PrettyLittleThing. Vừa qua, Shein – thương hiệu thời trang siêu nhanh đến từ Trung Quốc – cũng đã ra mắt nền tảng resale của mình, để chống lại phần nào đó những lời chỉ trích về rác thải thời trang mà thương hiệu tạo ra.
Nền tảng resale này cho phép khách hàng Mỹ có thể mua đi và bán lại những chiếc croptop và đầm ôm thông qua ứng dụng. Tuy nhiên, cùng thời điểm Shein tung ra nền tảng resale, một bộ phim tài liệu điều tra về điều kiện làm việc tại nhà máy của Shein cũng đã được phát hành trên kênh Channel 4 của Anh, mang tên Untold: Inside the Shein Machine (Chuyện chưa kể: Bên trong cỗ máy Shein). Bộ phim tài liệu cáo buộc rằng công nhân tại các nhà máy ở Quảng Châu phải làm việc liên tục, tới 18 giờ một ngày và chỉ được trả lương “bèo bọt” theo sản phẩm.
Các chuyên gia từ đó cho rằng tham gia thị trường bán lại không phải là bước đầu tiên Shein nên thực hiện để được coi là bền vững hơn. “Trả cho những người công nhân may một mức lương đủ sống. Đó mới là ưu tiên”, nhà vận động thời trang xuất hiện trong phim tài liệu của Channel 4, Venetia La Manna, cho biết. “Việc thúc đẩy mua vào bán ra liên tục của Shein không giúp làm giảm khí thải nhà kính, không giúp hạn chế dấu chân carbon, lại càng không giúp ích cho cuộc sống của con người”.
Chuyên gia tiếp thị Andy Woods cho biết điểm đen của mô hình này là Shein không chỉ trưng bày những bộ quần áo cực rẻ trên mạng xã hội, mà còn có những thuật toán khiến người mua không thể thoát khỏi vòng xoáy mua sắm với họ. Shein “đào tạo” để khách hàng quen với việc nhận được đơn hàng cực kỳ sớm, đồng nghĩa các hàng hóa của Shein đều phải xuất xưởng trong ngày, kéo theo việc công nhân phải làm ra 500 sản phẩm mỗi ngày, theo chia sẻ của một công nhân nhà máy Quảng Châu.
Các chuyên gia cũng đánh giá chính sách resale mà Shein vừa ra mắt cũng không thể hứa hẹn làm giảm thói quen tiêu dùng của khách hàng, khi họ thậm chí được kích thích liên tục mua quần áo mới, mặc vài lần, sau đó bán lại vô tội vạ thông qua chương trình resale. Một cuộc khảo sát khách hàng Shein gần đây cho thấy gần một nửa đã bán lại các mặt hàng Shein trên các nền tảng resale.
Trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu, dịch vụ bán lại của Shein sẽ chỉ có ở Mỹ, công ty cho biết họ có kế hoạch mở rộng sang các thị trường khác vào năm tới. Shein cũng không mong đợi kiếm được bất kỳ lợi nhuận nào thông qua nền tảng này, ít nhất là trong thời gian ngắn trước mắt. Nhà phân thích Ramirez cho biết: “Shein đã bị công kích rất nhiều vì không phải là một thương hiệu bền vững. Người ta đã săm soi thương hiệu trong một thời gian dài, vì vậy đây cũng là một cách đáp trả”.
Với doanh thu ít nhất 16 tỷ USD vào năm 2021, tăng từ 10 tỷ USD vào năm 2020 và định giá khoảng 100 tỷ USD, Shein đã vươn lên ngang hàng với SpaceX của Elon Musk và ByteDance - công ty mẹ TikTok. Các nhà đầu tư vào công ty gồm rất nhiều tên tuổi lớn như Tiger Global Management, IDG Capital, và Sequoia Capital. Nguồn tin của Bloomberg cho biết, là một phần của vòng gọi vốn mới nhất vào đầu năm nay, Shein nói với các nhà đầu tư hiện tại rằng họ hy vọng sẽ IPO ở Mỹ sớm nhất là vào năm 2024.
Với hy vọng chứng minh mình xứng đáng với mức định giá khổng lồ, nhà bán lẻ này đang vội vã muốn rũ bỏ tiếng xấu là "hung thần" của Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Thời gian qua, Shein đã tự liên kết với các dự án liên quan đến tính bền vững, như ra mắt một quỹ khí hậu 5 năm, trị giá 50 triệu USD và ủng hộ 15 triệu USD cho Or Foundation vào tháng 6. Họ cũng xuất bản một báo cáo ESG, trong đó phác thảo mạng lưới chuỗi cung ứng của mình. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng báo cáo đã bỏ qua tình trạng sản xuất thừa mứa và quyền lợi của người lao động.
Là một phần của chiến dịch phản công, Shein năm ngoái cũng đã bổ sung các giám đốc điều hành, đáng chú ý nhất là ông Whinston. Các mục tiêu của ông bao gồm tăng cường tính bền vững và biến Shein trở thành một "nhà vô địch xanh" bị hiểu lầm. Các chính sách lao động của Shein cũng đang được xem xét kỹ lưỡng. Shein cho biết họ coi trọng tất cả các vấn đề của chuỗi cung ứng và ký hợp đồng với các công ty bên thứ ba để kiểm tra cơ sở vật chất của các nhà cung cấp. "Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ thực hiện hành động khắc phục", công ty cho biết trong một phản hồi qua email với Bloomberg.
Nhưng các thông báo của Shein vẫn chưa khiến các nhà phê bình im lặng. Thậm chí khoản quyên góp 15 triệu USD của Shein cho Or Foundation cũng đã bị chỉ trích là một động thái cho thấy thương hiệu không thành thật với tính bền vững. "Không có bất kỳ sự thay đổi mạnh mẽ nào đối với mô hình thời trang siêu nhanh của họ. Đây thực tế không hơn gì một màn tẩy xanh - khoác lên vỏ bọc thân thiện với môi trường", bà Venetia La Manna nói.