11:49 08/07/2024

Sinh viên đã tốt nghiệp vẫn phải đào tạo lại khi vào doanh nghiệp

Thu Hằng

Trong khi doanh nghiệp ưu tiên những lao động có kinh nghiệm, kỹ năng và làm được việc ngay, thì thực tế vẫn có khoảng cách giữa nhà trường và đơn vị tuyển dụng. Câu chuyện sinh viên tốt nghiệp nhưng phải đào tạo lại tại doanh nghiệp là vấn đề tuy không mới nhưng chưa bao giờ hết “nóng”…

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ảnh: N.Dương.
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ảnh: N.Dương.

Giải bài toàn này cần sự vào cuộc của nhiều bên tham gia, từ cơ quan tham mưu chính sách, đến trực tiếp là các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và bản thân người lao động.

CÒN KHOẢNG CÁCH GIỮA ĐÀO TẠO Ở NHÀ TRƯỜNG VÀ NHU CẦU DOANH NGHIỆP 

Ông Trịnh Ngọc Thọ, Phó Giám đốc kinh doanh Chi nhánh Công trình Viettel Hà Nội, thuộc Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel, cho biết doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động là cần người làm được việc ngay, nhưng thực tế với các nhân sự mới ra trường, đơn vị luôn phải đào tạo lại từ đầu để phù hợp với yêu cầu của công ty.

Đại diện đơn vị này cho rằng với những lao động mới, thông thường sẽ cần thời gian nhiều hơn để thích nghi, song có thực tế nhiều doanh nghiệp sẽ không thể chờ đợi lâu như vậy.

“Hầu hết các bạn sinh viên mới ra trường, khi tiếp nhận chúng tôi đều phải đào tạo lại từ đầu”, cũng là thực tế được ông Phạm Văn Tình, Trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô tại Hà Nội bộc bạch.

Theo ông Tình, việc đào tạo này xuất phát từ kiến thức thực tế trong nhà trường thường tập trung vào đào tạo lý thuyết cơ bản. Trong khi với mỗi hãng xe, sẽ có một quy trình tiếp xúc khách hàng, tiếp nhận thông tin dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng khác nhau. Đơn cử ở đơn vị này, các vị trí cố vấn dịch vụ, kỹ thuật, hay tư vấn bán hàng, hầu hết phải đào tạo lại trong khoảng thời gian từ 2 - 3 tháng.

Quá trình đào tạo để người lao động nắm được thông tin sản phẩm, kiến thức về thị trường, và quy trình bán hàng của doanh nghiệp. “Nếu không đào tạo theo quy chuẩn của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của dịch vụ, và từ đó ảnh hưởng đến thương hiệu của hãng”, ông Phạm Văn Tình chia sẻ.

Lao động tìm việc làm. Ảnh: Thanh Hải.
Lao động tìm việc làm. Ảnh: Thanh Hải.

Từ góc độ cơ sở đào tạo, TS. Trần Xuân Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội, cho rằng thế giới việc làm đang biến động rất nhanh, vì thế yêu cầu của các doanh nghiệp đối với người lao động ngày càng cao.

Với mô hình truyền thống, việc có sự “lệch pha” giữa nhu cầu của doanh nghiệp và trình độ của người lao động, ông Ngọc đánh giá đây là điều đương nhiên.

Bởi lẽ, các cơ sở đang đào tạo để phục vụ những yêu cầu chung của cả thị trường. Còn doanh nghiệp đang sử dụng lao động với những vị trí rất riêng biệt. “Sự khác biệt này dẫn đến có chênh lệch giữa nhu cầu sử dụng và từ phía người lao động là tất yếu”. TS. Trần Xuân Ngọc cho hay.

THAY ĐỔI MÔ HÌNH ĐÀO TẠO, GẮN KẾT CHẶT CHẼ VỚI DOANH NGHIỆP

Giải quyết căn cơ và hiệu quả bài toán trên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội Trần Xuân Ngọc nói cách duy nhất, là các cơ sở đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và ngược lại.

Đây là hướng đi đang được nhà trường áp dụng. Đó là mời doanh nghiệp tham gia sâu với các cơ sở đào tạo ngay từ khi sinh viên đang học tập tại trường; kết hợp triển khai mô hình đào tạo linh hoạt, trong đó có nhiều nội dung sẽ đào tạo ngay tại doanh nghiệp.

“Trước đây, nhiều nội dung để đào tạo sẽ cần hàng chục học sinh mới triển khai thành một lớp học được. Nhưng nay với mô hình đào tạo linh hoạt, chúng tôi có thể triển khai các lớp tại doanh nghiệp với số lượng chỉ từ 5 - 7 học sinh”, TS. Trần Xuân Ngọc nói.

Đào tạo thực hành cho sinh viên. Ảnh: TCGDNN.
Đào tạo thực hành cho sinh viên. Ảnh: TCGDNN.

Theo từng vị trí việc làm, các giáo viên của nhà trường sẽ phối hợp với doanh nghiệp trong thiết kế nội dung đào tạo, chuẩn kiến thức kỹ năng trong từng giai đoạn thực tập tại đây. Cùng với đó, việc đánh giá kết quả đầu ra cũng được tiến hành trong suốt quá trình sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, và trong từng kỹ năng của chương trình đào tạo.

Việc này sẽ thúc đẩy sinh viên đạt năng lực học tập tốt, đảm bảo kiến thức kỹ năng theo chuẩn đầu ra của nhà trường. Đồng thời, tương thích với vị trí việc làm của mỗi doanh nghiệp.

Theo TS. Trần Xuân Ngọc, với mô hình này, chắc chắn mâu thuẫn trong bài toán đặt ra sẽ được giải quyết. Hiện nhà trường đang triển khai mô hình này với Panasonic, LG. Sắp tới dự kiến mở rộng thêm nhiều doanh nghiệp khác.

“Khi người lao động có sự chuẩn bị tốt nhất về kỹ năng, kiến thức, chắc chắn sẽ tìm được những doanh nghiệp phù hợp với mình. Ngược lại, với các doanh nghiệp cũng cần tạo ra môi trường làm việc, điều kiện về phúc lợi tốt. Chỉ những doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt nhất mới có thể tuyển dụng được những lao động có chất lượng”, TS. Trần Xuân Ngọc cho biết thêm.

Để không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Từ năm 2018, Bộ đã thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Qua đó, tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục với việc sử dụng lao động của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đào tạo của mỗi nhà trường.

Quá trình này giúp học sinh, sinh viên được tiếp cận với doanh nghiệp ngay trong thời gian học tập. Đây cũng là cơ hội để người học tìm kiếm được việc làm phù hợp, bản thân doanh nghiệp cũng tuyển dụng được người lao động đúng với nhu cầu sử dụng.

Việc đào tạo gắn với yêu cầu của doanh nghiệp sẽ đảm bảo tốt cơ hội việc làm cho sinh viên. 
Việc đào tạo gắn với yêu cầu của doanh nghiệp sẽ đảm bảo tốt cơ hội việc làm cho sinh viên. 

Với chủ trương coi doanh nghiệp là môi trường đào tạo thứ hai ngoài nhà trường, áp dụng mô hình đào tạo “kép” kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, tại rất nhiều cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên được đến doanh nghiệp để thực hành, thực tập, và ký hợp đồng làm việc ngay từ khi chưa ra trường. Đến khi tốt nghiệp, họ tiếp tục làm việc tại đây.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo và khuyến khích mô hình các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cam kết giải quyết việc làm cho người học ngay khi ra trường, hoàn trả học phí nếu không bố trí được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo.

Hiện nay, các chính sách hỗ trợ, quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, và các luật về thuế liên quan, thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, và sử dụng lao động qua đào tạo.

Theo báo cáo từ các địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trên 80% học sinh, sinh viên học các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm ngay.