10:10 24/07/2024

Sự suy thoái của thị trường xa xỉ tác động tới giới siêu giàu

Băng Hảo

3% dân số trên thế giới nắm giữ 40% sức mạnh tài chính và khoảng 2/3 trong số này được định nghĩa là phân khúc khách hàng “VIC”. Thuật ngữ này ám chỉ những người tiêu dùng chi tiêu trung bình 350.000 euro mỗi năm cho sản phẩm hoặc trải nghiệm cao cấp…

Ảnh: Business Insider
Ảnh: Business Insider

Phân khúc này lại được chia thành ba cấp độ: những người chi tiêu 50.000 đến 300.000 euro mỗi năm và những người chi tới 1 triệu euro mỗi năm. Tuy chỉ chiếm 1% cơ sở khách hàng thực tế, mỗi cá nhân trong nhóm này mang lại giá trị tương đương 230 khách hàng cao cấp “bình thường” với mức chi 2.000 euro và chiếm 21% tổng chi tiêu xa xỉ.

Trong thời đại mà sự giàu có ngày càng tập trung vào nhóm thiểu số như hiện nay, các thương hiệu xa xỉ sẽ khó mà tồn tại nếu thiếu đi phân khúc khách hàng siêu giàu này. Trong ấn bản thứ mười của báo cáo Altagamma Consumer and Retail Insight xuất bản mới đây tại Milan, người ta phát hiện ra rằng sự tăng trưởng của toàn bộ ngành công nghiệp xa xỉ thực sự được thúc đẩy bởi tầng lớp người tiêu dùng cao cấp nhất, bao gồm cả những người siêu giàu được đề cập ở trên.

Theo Nss Magazine, VIC không phải là một khách hàng bình thường: Họ là những người hâm mộ trung thành và hơn cả là một người bạn. Họ có nhu cầu đặc biệt về siêu cá nhân hóa các dịch vụ, ví dụ như rút ngắn thời gian chờ đợi để mua các sản phẩm phiên bản giới hạn, sự chăm sóc từ các cố vấn khách hàng cấp cao và cảm giác được trân trọng thông qua các chương trình quà tặng, lời mời tham dự các buổi trình diễn, các chuyến đi và các sự kiện riêng tư như các bữa tối sau tuần lễ thời trang, các cuộc gặp gỡ với giám đốc sáng tạo...

Ngành công nghiệp xa xỉ được thúc đẩy bởi tầng lớp người tiêu dùng cao cấp nhất.
Ngành công nghiệp xa xỉ được thúc đẩy bởi tầng lớp người tiêu dùng cao cấp nhất.

Matteo Lunelli, Chủ tịch của Altagamma, cho biết “sự phát triển bền vững của thương hiệu đến từ các khách hàng hàng đầu, những người thúc đẩy các công ty tinh chỉnh và cải thiện toàn bộ dịch vụ và chất lượng của các bộ sưu tập. Để đáp ứng kỳ vọng của nhóm khách hàng khắt khe này, các công ty cần phải tiếp tục đầu tư vào công nghệ và thu hút nhân tài”. Cũng vì thế, một trong những cách “upsale” phổ biến của thương hiệu xa xỉ là bán hàng với mức giá trên trời hoặc giới hạn số lượng món đồ mà giới thượng lưu có thể sở hữu được, hay còn gọi là “quy luật khan hiếm”.

Chẳng hạn như Telfar đã tuyên bố kết thúc Bag Security Program, hay còn gọi là Chương trình Bảo mật Túi (BSPII) - một sự kiện bán trước cho khách hàng muốn “đặt riêng” chiếc túi theo kích thước, màu sắc hoặc chất lượng mà từng cá nhân mong muốn. Trong khi đó, Louis Vuitton đã từng ngừng bán hàng trực tuyến túi xách Neverfull để hạn chế người dùng tiếp cận với nguồn cung của nó.

Tương tự, khách hàng muốn sở hữu đồng hồ Rolex hay xe thể thao Porsche mới phải chờ đợi, thay vì chồng tiền và rước ngay sản phẩm đắt đỏ mà mình yêu thích về nhà. Khách hàng của thương hiệu xe nước Ý Ferrari thì còn “vất vả” hơn, họ không được chủ động mua xe mà ngược lại chính Ferrari sẽ quyết định ai trở thành khách hàng của mình.

Bên cạnh những ưu đãi độc quyền, các thương hiệu xa xỉ cũng sẽ “nịnh” giới siêu giàu bằng cách không bao giờ giảm giá, thậm chí là luôn tìm cách tăng giá. Đơn cử vào năm 2016, một chiếc túi Hermès Himalayan Birkin trang trí kim cương, được bán với giá 372.600 USD. Dù bán đắt nhưng nguồn cung vô cùng khan hiếm. Thương hiệu này chỉ sản xuất khoảng 12.000 chiếc túi Birkin trên phạm vi toàn cầu và dành riêng cho khách VIC. Sự uy tín và khan hiếm này đã giúp Hermès Birkin Bags tăng giá trị trung bình hàng năm là 14,2%.

Một trong những cách “upsale” phổ biến của thương hiệu xa xỉ là bán hàng với mức giá trên trời hoặc giới hạn số lượng sản phẩm.
Một trong những cách “upsale” phổ biến của thương hiệu xa xỉ là bán hàng với mức giá trên trời hoặc giới hạn số lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, 2 thị trường chủ lực của giới siêu giàu là Mỹ và Trung Quốc đã không còn sôi động trong những năm gần đây. Giá trị bất động sản tại Trung Quốc giảm, cũng như phong trào phản đối cuộc sống xa hoa của chính phủ đã khiến giới siêu giàu nước này hạn chế chi tiêu.

Trong khi đó, người Mỹ cũng không còn vung tiền cho mua sắm sau thời kỳ đại dịch. Nhóm người tiêu dùng có thu nhập từ 125.000 USD/năm cũng áp dụng chiến lược thắt lưng buộc bụng, theo dữ liệu chi tiêu bằng thẻ tín dụng của Ngân hàng Mỹ. Những khách hàng đầy tham vọng đã chững lại, trong khi những người mua sắm giàu có chuyển chi tiêu sang các phân khúc xa xỉ khác như du lịch và ăn uống cao cấp.

Đồng thời, việc thương hiệu xa xỉ “quá tay” tăng giá bán cho sản phẩm trong khi hạn chế khách hàng tiếp cận chúng có thể hình thành sự phẫn nộ nơi tiêu dùng. Nhiều nhãn hàng xa xỉ cũng đã tăng giá sản phẩm lên mức cao, khiến nhiều người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu không đủ khả năng chi trả. Chiến lược này khiến khách hàng trung lưu xa lánh, trong khi người tiêu dùng siêu giàu không thể bù đắp khoản thiệt hại.

Sự suy thoái của thị trường hàng xa xỉ đã trở nên rõ rệt hơn trong tuần trước khi các báo cáo thu nhập quý 2/2024 được công bố. Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng của Burberry, thương hiệu áo trench coat nổi tiếng, xảy ra trong bối cảnh doanh số bán hàng giảm của tập đoàn đồng hồ lớn nhất thế giới Swatch Group lao dốc. Sự suy giảm này thậm chí đã ảnh hưởng ngược lại tới khối tài sản của các tỷ phú trong ngành xa xỉ phẩm.

L'Oreal, LVMH và các đối thủ nặng ký khác trong ngành hàng xa xỉ dự kiến ​​sẽ báo cáo thu nhập của họ vào cuối tháng 7, theo Bloomberg. Nhưng ngay từ tháng 6, Bernard Arnault, tỷ phú sáng lập tập đoàn LVMH chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ, đã mất vị trí dẫn đầu trên Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng hàng ngày của 500 người giàu nhất thế giới dựa trên giá trị tài sản ròng của họ).

Sự suy giảm của ngành hàng xa xỉ đã làm hao hút khối tài sản của các tỷ phú trong chính ngành này.
Sự suy giảm của ngành hàng xa xỉ đã làm hao hút khối tài sản của các tỷ phú trong chính ngành này.

Tài sản của ông Arnault đã giảm 10,8 tỷ USD trong năm qua xuống còn 196,7 tỷ USD. Hiện tại, ông xếp sau Elon Musk của Tesla và Jeff Bezos của Amazon. Tương tự, tỷ phú Francoise Bettencourt Meyers, người thừa kế của tập đoàn mỹ phẩm khổng lồ L’Oreal, đã nhanh chóng mất danh hiệu người phụ nữ giàu nhất thế giới. Bà Alice Walton, thành viên của gia đình sáng lập Walmart, tập đoàn bán lẻ đa quốc gia của Mỹ, là người tiếp quản danh hiệu này.

Đặc biệt, sự suy giảm tài sản của Francois Pinault, người sáng lập tập đoàn Kering, là đáng chú ý nhất. Tài sản của ông giảm một nửa trong 3 năm qua, xuống còn 28 tỷ USD. Đế chế của ông đối mặt những vấn đề vượt xa sự suy thoái ở Trung Quốc và sự bất ổn chính trị ở Pháp. Nhìn chung, tài sản của khoảng 6 người siêu giàu kiếm tiền từ các sản phẩm xa xỉ đã giảm 5% trong năm nay, tương đương khoảng 24 tỷ USD, tính đến ngày 16/7.