Thị trường xa xỉ Trung Quốc dự kiến chỉ tăng trưởng ở mức một con số
Theo báo cáo của công ty tư vấn Bain, thị trường xa xỉ toàn cầu đang xuống mức thấp nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch. Năm nay, doanh số toàn cầu của hàng hóa cá nhân cao cấp có thể chỉ tăng từ 0 - 4% so với cùng kỳ năm ngoái…
Đây là mức tăng trưởng doanh số bán hàng yếu nhất kể từ năm 2020, khi sụt giảm trong đại dịch. Dự báo trên được đưa ra giữa bối cảnh những vấn đề về kinh tế đè nặng lên tầng lớp trung lưu và khiến những người vẫn có đủ khả năng chi trả cho hàng xa xỉ thận trọng trước sự phô trương. Bà Federica Levato, đối tác của Bain, nhận định trong môi trường thất nghiệp và khó khăn kinh tế, những người Trung Quốc giàu có thậm chí đã lựa chọn xu hướng “xa xỉ thầm lặng”.
Theo bà Levato, thay vì đổ xô đến các trung tâm thương mại, người giàu đang có xu hướng mua sắm kín đáo hơn. Còn ở thị trường Mỹ, dấu hiệu phục hồi dù đã bắt đầu xuất hiện khi nhiều khách hàng giàu có dẫn dắt đà tăng trưởng, nhưng những người mua sắm trẻ tuổi hơn tiếp tục trì hoãn việc mua hàng. Báo cáo của Bain sẽ củng cố mối lo ngại của các nhà đầu tư rằng nhu cầu hàng xa xỉ của Trung Quốc sẽ khó phục hồi.
Bain & Company nhận định, thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc dự kiến sẽ mở rộng ở mức trung bình một con số vào năm nay. Thị trường này chứng kiến mức tăng trưởng đáng chú ý 12% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm 2023, phục hồi sau sự suy giảm do đại dịch gây ra trong năm trước. Bruno Lannes, đối tác cấp cao của Bain & Company có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết mặc dù thị trường chứng kiến sự phục hồi hai con số đáng khen ngợi nhưng nó vẫn chưa phục hồi hoàn toàn về mức năm 2021.
Ông Lannes lưu ý: “Sự phục hồi bị hạn chế bởi môi trường kinh tế đầy thách thức và sự gia tăng mua sắm ở nước ngoài. Khi thị trường chuyển sang giai đoạn tăng trưởng hậu Covid, vẫn còn những điều không chắc chắn về tốc độ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và hoạt động mua sắm xa xỉ ở nước ngoài sẽ phát triển như thế nào”.
Trong tương lai, Bain dự đoán mức tiêu dùng hàng xa xỉ ở nước ngoài của người Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2024, đặc biệt là ở các điểm đến ở châu Á, tùy thuộc vào sự phục hồi kinh tế và chi phí đi lại. Để duy trì tăng trưởng, báo cáo cho biết các chiến lược định giá toàn cầu hài hòa sẽ rất quan trọng đối với các thương hiệu nhằm duy trì sự quan tâm của người tiêu dùng ở thị trường đại lục.
Bên cạnh xu hướng “xa xỉ thầm lặng” ở giới siêu giàu, tại Trung Quốc cũng diễn ra trào lưu "tiết kiệm phục thù" trong nhóm người tiêu dùng trẻ. Thanh thiếu niên tại quốc gia này đặt ra những mục tiêu tiết kiệm hàng tháng một cách chặt chẽ đồng thời lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm các những người cùng mục tiêu tiết kiệm để xây dựng một cộng đồng.
"Thế hệ hiện tại không vung tay quá trán và vay mượn chỉ để mua những sản phẩm xa xỉ như túi Gucci và điện thoại iPhone như thanh thiếu niên những năm 2010", giám đốc điều hành China Market Research Group Shaun Rein chia sẻ với CNBC. Giới trẻ Trung Quốc giờ đây nỗ lực cắt giảm chi tiêu, tích cực "săn" các mã giảm giá và ưu đãi khi mua sắm) trong nỗ lực thắt chặt chi tiêu.
Báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết tổng số tiền gửi từ các hộ gia đình vào quý đầu năm 2024 đã tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. GDP quý đầu của Trung Quốc cũng vượt kỳ vọng, đạt mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nền kinh tế đang đối mặt với thách thức của Trung Quốc là một lý do khiến giới trẻ quyết tâm tiết kiệm.
Thị trường lao động khan hiếm cũng góp phần vào tình trạng khó khăn này, theo chia sẻ của chuyên gia với CNBC. "Đối với một số người trẻ, đơn giản vì họ không thể tìm được một công việc hoặc họ cảm thấy thật khó để cải thiện thu nhập cá nhân. Họ không có cách nào khác ngoài việc phải chi tiêu ít đi", trợ lý giáo sư tại đại học New York cơ sở Thượng Hải, Jia Miao, cho biết. Theo CNBC, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 là 14,2% vào tháng 5, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 5% toàn quốc.
Bên cạnh đó, báo cáo do Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc (CNNIC) công bố mới đây cho thấy, hơn một nửa số người mua sắm trực tuyến ở đất nước tỷ dân lựa chọn các thương hiệu thời thượng nội địa và sự lựa chọn của giới trẻ đang góp phần định hình lại thị trường hàng tiêu dùng lớn thứ hai thế giới. Theo đó, khoảng 530 triệu người dùng Internet nước này ưa chuộng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm theo xu hướng “guochao” (Quốc hiệu) với các thiết kế có yếu tố bản địa.
Những sản phẩm "guohao Trung Quốc" là những sản phẩm do nhà sản xuất địa phương phát triển, kết hợp công nghệ sản xuất tiên tiến và thiết kế bản địa, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng, từ quần áo, giày dép, làm đẹp cho tới điện tử, ô tô... Xu hướng tiêu dùng của người dân thay đổi, chuyển sang ưa chuộng hàng nội địa, đang trở thành thách thức khá lớn đối với nhiều thương hiệu nước ngoài muốn kiếm tiền từ tầng lớp trung lưu 400 triệu người của nền kinh tế lớn số 2 thế giới.
Tại lễ hội mua sắm "618" - sự kiện trực tuyến được tổ chức vào tháng 6 vừa qua với mức giảm giá lớn - trong 10 thương hiệu hàng đầu có doanh số bán lẻ tốt nhất thì đã có 6 thương hiệu nội địa Trung Quốc. Tờ Nhân dân nhật báo trích dẫn số liệu từ nền tảng thương mại điện tử Dewu cho hay, thị trường thời trang "kiểu Trung Quốc thời thượng" - kết hợp các yếu tố truyền thống trong thiết kế, đại diện cho xu hướng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, có quy mô lên tới gần 1 tỷ NDT vào năm 2023.
Người tiêu dùng phổ biến của xu hương này phần lớn là những người trẻ sinh sau năm 1995, họ lựa chọn sản phẩm dựa trên những đánh giá về sự mới lạ, tính ứng dụng cao và thể hiện tinh thần dân tộc. Không chỉ "phủ sóng" dày đặc thị trường trong nước, các thương hiệu Trung Quốc được dự báo có tiềm năng khi cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Số liệu thống kê của cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu các sản phẩm nội địa có thương hiệu riêng trong hai tháng đầu năm 2024 đã tăng 14,3%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung là 10,3%.
Dù vậy, Bain & Company vẫn dự báo đến năm 2030, mức tiêu thụ hàng xa xỉ của Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 35% đến 40% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu, củng cố vị thế của nước này như một người chơi chủ chốt trong bối cảnh thị trường xa xỉ toàn cầu.