Cơn sốt các sản phẩm in hình cựu tổng thống Donald Trump
Tại thị trấn Rostraver vốn có những quầy bày bán nhiều loại hàng hóa in logo của chính trị gia đảng Cộng hòa từ cờ, mũ, cho tới áo phông. Giờ đây, những người ủng hộ ông Trump phải đứng dưới cái nóng hơn 34 độ C suốt nhiều giờ để mua một chiếc mũ...
Chia sẻ với hãng tin Sputnik hôm 14/7, một nhân viên bán hàng tại thị trấn Rostraver của bang Pennsylvania và nằm cách không xa địa điểm tổ chức sự kiện vận động tranh cử của ông Trump, cho biết khu vực này đang chứng kiến sự bùng nổ về doanh thu bán hàng hóa có in hình cựu Tổng thống Mỹ. “Thật không thể tin được những gì đã xảy ra kể từ sau vụ nổ súng”, nhân viên bán hàng nói.
Ngay từ ngày 14/7, những chiếc áo in hình ông Trump trong vụ ám sát hụt bắt đầu xuất hiện tại các cửa hàng, sàn thương mại điện tử Mỹ như Etsy, Ebay, Redbubble với giá 11 - 35 USD. Các doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ cũng đang tận dụng sự kiện này và sử dụng hình ảnh tương tự để bán hàng hóa của mình. Redbubble - một cửa hàng bán đồ in theo yêu cầu đang có 71 mặt hàng, bao gồm áo nỉ, mũ, túi tote, tấm lót chuột, túi đựng máy tính xách tay, ốp điện thoại di động, đồng hồ, vỏ chăn, rèm tắm, tạp dề, sổ tay và đệm. Tất cả những thứ này có giá từ 1,03 USD đến 104,91 USD.
Cặp đôi diễn viên hài độc thoại và bình luận chính trị bảo thủ người Mỹ HodgeTwins đã quảng cáo trên X một chiếc áo phông đen có hình ảnh Trump với nắm đấm bất khuất cùng dòng chữ "Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!" Chiếc áo hiện đang được bán trên cửa hàng chính thức của họ với giá 35 USD, và hình ảnh của nó đã thu hút 2,4 triệu lượt xem kể từ khi được đăng vào sáng ngày 14/7. HodgeTwins cho biết: "100% lợi nhuận từ chiếc áo sơ mi này sẽ được chuyển vào chiến dịch tranh cử của ông Trump".
Potoshirt - một cửa hàng trực tuyến có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên bán áo phông theo xu hướng cũng có những mẫu trang phục có hình ảnh tương tự. Một chiếc áo có dòng chữ “Undefeated” (Bất khả chiến bại), trong khi chiếc còn lại có dòng chữ “Shooting makes me stronger” (Phát súng khiến tôi mạnh hơn). Một chiếc khác có dòng chữ “Fight” (Chiến đấu!). Tất cả đều được bán với giá 22,95 USD mỗi chiếc.
Tại Trung Quốc, chưa đầy 3 tiếng sau khi hãng tin AP ghi lại được khoảnh khắc ông Trump giơ nắm đấm với một bên tai chảy máu, lô áo phông đầu tiên in hình ảnh này xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc, theo SCMP. “Chúng tôi mở bán áo phông trên Taobao ngay sau khi tin tức về vụ xả súng xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội. Đây là quyết định liều lĩnh vì chúng tôi thậm chí chưa in chiếc áo nào. Trong vòng 3 tiếng, đơn vị của tôi ghi nhận hơn 2.000 đơn đặt hàng từ cả Trung Quốc và Mỹ”, một người bán hàng có tên Li Jinwei trên sàn thương mại điện tử Taobao, nói.
Nhà máy của Li có trụ sở tại Hà Bắc (Trung Quốc). Để tạo ra một sản phẩm mới, cô chỉ cần tải xuống một hình ảnh và in ấn. Đơn vị này mất trung bình 1 phút để hoàn thiện 1 chiếc áo phông. “Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, chúng tôi làm nhiều món đồ lưu niệm in hình ảnh Trump. Chúng tôi nghĩ rằng ông ấy có nhiều khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử. Người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng đặc biệt yêu thích chính trị gia này”, Li nói.
Theo Allen Yao, đồng sáng lập của Xinflying Digital Printing Production có trụ sở tại Quảng Đông (Trung Quốc), nhu cầu về áo phông in theo yêu cầu đang khá cao tại thị trường Mỹ. Đầu năm nay, Yao đã mở một xưởng in tại California với công suất sản xuất mỗi ngày khoảng 3.000 áo phông. “Những chiếc áo phông này được nhập khẩu từ Việt Nam và lưu trữ tại các kho hàng ở Mỹ, với tốc độ sản xuất rất nhanh”, Yao nói.
Đối với các nhà sản xuất, việc sản xuất số lương lớn áo phông và hàng hóa lưu niệm không chỉ phụ thuộc vào triển vọng chiến thắng của ông Trump mà còn xuất phát từ lo ngại thuế tăng. Nhà xuất khẩu hàng gia dụng Trung Quốc Sam Xiao cho biết công ty của ông ở Texas đã yêu cầu trụ sở chính tại Trung Quốc ngay lập tức đặt hàng và vận chuyển sản phẩm về kho của họ trước cuối năm nay. “Nhiều nhà xuất khẩu đang thảo luận về nhu cầu vận chuyển hàng hóa trước cuộc bầu cử để đối phó với những thay đổi tiềm ẩn sắp tới, như khả năng tăng thuế và chi phí vận chuyển tăng vọt”, ông Sam giải thích.
Dữ liệu từ DHgate, một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc tập trung vào thị trường Mỹ, cho thấy kể từ tháng 1, khối lượng giao dịch hàng hóa liên quan đến bầu cử Mỹ đã tăng hơn 40% mỗi tháng, với tỷ lệ tăng trưởng hàng tháng trong tháng 3 vượt quá 110%. Hãng truyền thông Yicai hồi tháng 5 đưa tin tổng giá trị giao dịch hàng hóa lưu niệm bầu cử Mỹ trong quý đầu tiên đã tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, vào năm ngoái, khoảnh khắc ghi lại cái nhìn cau có của ông Donald Trump tại một nhà tù ở Georgia ngày 24/8/2023 khi ông đến trình diện đã trở thành biểu tượng trong chiến dịch tranh cử của ông. Đối với hầu hết mọi người, ảnh chụp hồ sơ của cảnh sát sẽ là một thứ mà họ sẽ làm mọi cách để xóa bỏ, nhưng đối với Donald Trump, đó là cơ hội xây dựng thương hiệu và vũ khí chính trị.
Áo phông, cốc, nhãn dán và máy làm mát đồ uống có hình ảnh đầu tiên của cựu tổng thống Trump đã được nhóm của ông tung ra trong vòng vài giờ sau khi bức ảnh được đăng tải trên truyền thông. Hình ảnh người đàn ông 77 tuổi – đầu hơi cúi xuống, chằm chằm nhìn vào máy ảnh với vẻ mặt giận dữ – được in kèm với dòng chữ in hoa “Never Surrender” (tạm dịch: Không bao giờ đầu hàng).
“Bức ảnh chụp này sẽ mãi mãi đi vào lịch sử như một biểu tượng cho sự bất chấp chế độ chuyên chế của nước Mỹ”, một email gây quỹ được gửi bởi Trump 2024 đã viết, khi kêu gọi những người ủng hộ cam kết bỏ ra 47 đô la để đổi lấy một chiếc áo phông có hình ảnh “lịch sử”. Sau đó, trên các trang bán hàng trực tuyến, số lượng áo phông, cốc, nhãn dán (sticker)… này được tìm kiếm đột biến và cháy hàng.
Chuyên gia tiếp thị Daniel Binns có trụ sở tại New York cho biết mọi khoảnh khắc “đắt giá” đều có thể trở thành một công cụ xây dựng thương hiệu “cực kỳ mạnh mẽ” đối với ông Trump. “Là một nhà tiếp thị, cái tài của ông Trump là có thể lấy bất kỳ hình ảnh nào được tạo ra và biến nó thành thứ gì đó đại diện cho câu chuyện ông ấy muốn kể,” Giám đốc điều hành tiếp thị Công ty tư vấn Interbrand North America nói.