15:29 16/03/2015

Sức mạnh của nguồn nhiệt

PV

Nhiệt là đại lượng đặc trưng cho cảm giác nóng hoặc lạnh. Trong y học, người ta sử dụng nhiệt nóng và nhiệt lạnh để điều trị, gọi chung là chườm. Tất cả các chất thỏa mãn các điều kiện như không gây độc hoặc dị ứng khi tiếp xúc với da, giữ nhiệt lâu và truyền nhiệt từ từ, dễ sử dụng, đều có thể dùng làm chất trung gian truyền nhiệt.

Sức mạnh của nguồn nhiệt - Ảnh 1

Chườm là một phương pháp chữa bệnh khá phổ biến trong dân gian (Đông y gọi là uất pháp). Phương pháp này có nhiều điểm tương đồng với phương pháp đốt cứu, tuy nhiên, cách dùng dược vật và phương pháp tiến hành có khác. Chườm là dùng vật dụng hoặc dược liệu nóng hoặc lạnh chườm trực tiếp hoặc gián tiếp lên các vùng da để trị liệu bệnh tật. Phương pháp này có được mô tả trong các tác phẩm Đông y kinh điển, như Nội Kinh Tố Vấn, Linh Khu - Thọ yểu cương nhu, Bản Thảo Cương Mục, Vệ Sinh Bửu Giám,... Như vậy có thể nói chườm là phương pháp chữa bệnh có lịch sử lâu đời và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Phương pháp này đơn giản dễ làm, có tính an toàn cao mà hiệu quả lại nhanh chóng, rất được đại chúng hoan nghênh. Trong các khoa Vật lý trị liệu Tây y người ta sử dụng paraffin, túi silicagen, khay nhiệt điện, túi chườm nhiệt sử dụng điện… để chườm vào vị trí đau của bệnh nhân. Trong dân gian thường dùng cám rang, muối rang, lá cây sao nóng, túi nước nóng, viên đá nướng nóng… để làm các chất trung gian truyền nhiệt. Sử dụng nhiệt để điều trị đã mang lại hiệu quả rất tốt, nhưng nếu dùng không đúng có thể gây thêm tác dụng có hại. Vì vậy hiểu biết về tác dụng của nhiệt trong chữa bệnh là kiến thức cần thiết đối với mỗi người. Cấp tính chườm lạnh, mạn tính chườm nóng Tác dụng của nhiệt nóng là gây giãn mạch, làm tăng lượng máu đến vùng điều trị. Nhờ việc tăng tuần hoàn và dinh dưỡng cho vùng điều trị sẽ kích thích quá trình tái tạo tế bào, hàn gắn tổn thương. Nhiệt nóng còn làm tăng các phản ứng sinh học, tăng quá trình chuyển hóa của mô, làm tăng tái tạo mô, làm tăng tính thấm của mô, tăng trao đổi dịch giữa khoang máu và khoang kẽ tế bào, do đó làm tăng quá trình hấp thu dịch nề, làm giảm nề, giảm đau; làm tăng khả năng xuyên mạch của bạch cầu, tăng khả năng thực bào của bạch cầu, làm phân tán nhanh các chất trung gian gây viêm, do đó làm giảm viêm cả viêm do nhiễm khuẩn và viêm không do nhiễm khuẩn... Vì vậy, nhiệt nóng được dùng rộng rãi để điều trị các vùng viêm do nhiễm khuẩn giai đoạn viêm tấy chưa hóa mủ (như viêm cơ), điều trị các trường hợp viêm không do nhiễm khuẩn (như viêm khớp dạng thấp, viêm quanh khớp vai, viêm cột sống dính khớp), điều trị các vùng đau do thoái hóa (như đau cột sống cổ, đau thắt lưng, đau khớp do thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp); làm giảm nề, tan khối máu tụ sau chấn thương; làm nhanh liền sẹo vết thương, làm sẹo mềm mại, chống dính và co kéo do sẹo... Chườm nóng có hai loại là chườm nóng ướt và chườm nóng khô. Chườm nóng ướt là dùng khăn hoặc gạc thấm ngâm vào nước nóng rồi chườm trực tiếp lên chỗ đau. Chườm nóng khô là dùng nguồn nhiệt tác động lên vùng cần chườm như hơi ấm của than, nước ấm đựng trong chai, trong túi, gạch nóng… Chườm nóng khô sức thấm không sâu nên chỉ áp dụng cho các trường hợp cơn đau dạ dày, đau phần mềm hoặc đau do các bệnh cơ xương khớp. Thông thường, mỗi lần đắp nóng nên duy trì 20 - 30 phút. Một ngày có thể đắp nóng 1 đến 4 lần. Mỗi lần đắp nóng không quá 1/6 diện tích cơ thể để tránh gây rối loạn thân nhiệt. Khi đắp nóng cần chú ý tránh để nhiệt độ quá cao (> 40 độ) vì có thể gây bỏng. Trong khi đó, nhiệt lạnh gây ra các tác dụng ngược lại so với nhiệt nóng, như làm co mạch, giảm tuần hoàn, giảm dinh dưỡng, giảm chuyển hóa, giảm tiêu thụ oxy, giảm tính thấm của mô. Nếu bị lạnh quá lâu có thể gây ra thiếu dinh dưỡng và hoại tử mô do lạnh. Nhiệt lạnh được dùng để làm giảm sưng nề sau các chấn thương mới, làm giảm chảy máu ở những vùng đang chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu, như chườm lạnh vùng thượng vị trong chảy máu dạ dày, giảm tụ máu, giảm nề trong chấn thương mới (một hai ngày đầu), chườm lạnh để hạ nhiệt độ khi sốt cao, bảo quản mô ghép giúp mô ghép chịu đựng được tình trạng thiếu oxy kéo dài mà không bị hủy hoại. Người ta thường dùng túi nước lạnh, túi nước đá, hoặc ngâm chi trong nước lạnh. Cần chú ý thời gian chườm lạnh cần ngắn vài phút, không kéo dài để tránh gây tổn thương mô do thiếu dinh dưỡng.

Sức mạnh của nguồn nhiệt - Ảnh 2

Chườm đúng mới tốt Người ta thường làm dịu đi những cơn đau khi chấn thương bằng túi chườm. Nhưng ít ai chú ý rằng các dạng chườm nóng - lạnh hầu như đều có thể mang đến cảm giác dễ chịu, làm dịu cơn đau nhưng thực tế tác dụng của 2 trạng thái nhiệt độ đối lập ấy có nhiều điểm trái ngược nhau. BS Đinh Quang Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng, phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp cho biết, chườm là ứng dụng nhiệt trị liệu. Khi nào chườm lạnh, khi nào chườm nóng phải tùy vào cơ chế, tác dụng của từng trường hợp. BS Đinh Quang Thanh lưu ý, không áp dụng chườm nóng cho một số trường hợp viêm cấp tính như viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, các bệnh nhiễm khuẩn có mủ; các trường hợp đang sốt cao, đang chảy máu; các vùng có khối u, ung thư, lao chưa ổn định; các trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân; bệnh nhân bị mất cảm giác hoặc đang có bệnh ngoài da… Không nên áp dụng chườm lạnh cho những người già yếu, thân nhiệt thấp. BS Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, cho biết cơn đau do chấn thương tốt nhất nên được xử lý bằng cách chườm lạnh. Các hình thức va chạm, té ngã thường dẫn đến sưng, chảy máu, có thể là vết thương hở hoặc là một vết thương “ẩn” gây xuất huyết bên trong. Dạng tổn thương này thường gây sưng đỏ ban đầu tại nơi chấn thương. Trong vòng 48 giờ sau chấn thương, quá trình tự ly giải của cơ thể sẽ biến máu đỏ sang màu đỏ sậm và tạo ra vết bầm. Vết thương dạng này nếu được chườm lạnh sẽ mau bớt đau và mau lành do nhiệt độ thấp, giúp mạch máu co lại dễ dàng và ngưng xuất huyết. Chườm nóng vẫn có thể được áp dụng nhưng chỉ khi vết thương đã lành, ổn định, lúc đó chườm nóng có thể giúp mau tan máu bầm. Tuy nhiên, cũng nên cẩn thận, bởi chườm nóng quá, lâu quá có thể khiến da bị tổn thương thêm. Chườm nóng sớm quá khi vết thương chưa kịp lành sẽ khiến tình trạng xuất huyết nặng thêm. “Đặc biệt, nên lưu ý các vết thương ở vùng cẳng chân, chườm nóng không đúng lúc gây xuất huyết dễ dẫn đến chèn ép khoang, gây sưng tấy, nhiễm trùng, nguy hơn là hoại tử” - BS Thu khuyến cáo. Ông cũng cho biết một số bệnh nhân khác phải vào bệnh viện vì phỏng, do nôn nóng làm tan máu bầm mà chườm quá nóng. Tốt hơn hết nên để máu bầm tự tan đi hoặc uống thuốc tan máu bầm. Chườm nóng sẽ đặc biệt có hiệu quả trong tình huống cần hạ sốt. Không nên chườm lạnh trong trường hợp này, bởi có thể gây co giật vì hạ sốt đột ngột và cũng không nên để bệnh nhân từ sốt thành… phỏng do chườm quá nóng, nhất là ở những vùng da khá mỏng manh như mặt, cổ... Kỹ thuật chườm nóng đòi hỏi cao hơn chườm lạnh vì không ít trường hợp đã bị bỏng do túi chườm. Khi tiến hành chườm nóng khô cần phải có nhiệt kế đo nhiệt độ của nước để điều chỉnh nhiệt độ đúng chỉ định, tốt nhất chỉ từ 50 – 60 độ C. Cần theo dõi vùng da chườm để tránh bị bỏng rát. Thời gian chườm từ 20 - 40 phút. Nếu cần thì nghỉ 2 - 3 giờ sau chườm lại vì chườm quá lâu làm cho da mềm, các lỗ chân lông giãn ra, vi khuẩn dễ xâm nhập. Với chườm nóng ướt, dung dịch chườm có thể là nước thường, cồn boric 2%, dung dịch NaCl 0,9%, rượu quế, rượu hồi, rượu ngải cứu… Nhiệt độ dung dịch chườm từ 40 – 50 độ C, có thể đun cách thủy. Để giữ được nhiệt độ của miếng chườm lâu, có thể phủ thêm bên ngoài một tấm ni lông hoặc vải dày. Tương tự khi chườm lạnh, không nên áp ngay… một viên đá cục vào vùng bị thương mà nên quấn đá trong vài lớp khăn hoặc thấm khăn vào nước lạnh. “Dù là chườm nóng hay chườm lạnh, cần để nhiệt độ ở mức cơ thể có thể chịu được, không gây đau đớn hay khó chịu” - BS Thu lưu ý. 

Sức mạnh của nguồn nhiệt - Ảnh 3

5 cách chườm đá lạnh giúp làm đẹp     - Chữa đôi mắt sưng húp. Thiếu ngủ, căng thẳng quá nhiều hoặc thậm chí đôi mắt bị mỏi quá lâu có thể khiến chúng trông sưng húp. Để làm giảm sưng và khó chịu, bạn chỉ cần cuốn một viên đá vào khăn giấy và chà lên đôi mắt thật nhẹ nhàng. Đá lạnh sẽ làm dịu ngay tức khắc.
   - Làm dịu mụn trứng cá. Ngay khi bạn thấy nổi mụn, hãy chà một viên đá lên vùng da gần đó. Nước đá lạnh làm các mạch máu co lại khiến máu không thể đi đến bề mặt da nổi mụn. Điều này làm giảm tấy đỏ và sưng.
   - Thu nhỏ lỗ chân lông. Đá cũng giúp giảm thiểu sự xuất hiện của lỗ chân lông. Bạn có thể chà một viên đá lên mặt để làm giảm kích thước lỗ chân lông ở vùng này.
   - Để làm tê khu vực trước và sau khi waxing. Để giảm cơn đau khi waxing, bạn có thể đặt một vài viên đá lên vùng da trước khi nhổ lông. Đá làm tê vùng da này khiến bạn không cảm thấy đau đớn. Sau khi làm xong, bạn cũng nên chà thêm một vài viên đá để làm dịu vùng bị viêm.
   - Làm đẹp làn da mệt mỏi. Khi thoa nước đá lên khuôn mặt, cơ thể bạn sẽ tự động gửi một dòng máu nóng lên vùng da đó, do đó cải thiện lưu thông máu. Điều này sẽ làm đẹp và cải thiện làn da nhợt nhạt, mệt mỏi. Hãy cho đá viên vào một cái ly và áp chiếc ly lạnh này vào làm mát khuôn mặt. Không chườm đá trực tiếp lên mặt vì điều này có thể làm tổn thương các mao mạch.
10 triệu chứng có thể chườm nóng Cơ thể bị đau nhức, không ít người có thói quen dùng khăn nóng chườm lên chỗ đau. Theo Đông Y, “ấm tất thông, thông tất bất thống” ( Ấm chắc chắn sẽ thông, thông chắc chắn sẽ không đau). Khi chườm khăn nóng, nên chọn khăn sạch sẽ, được ngâm trong nước có nhiệt độ từ 40 – 50 độ C, lấy ra vắt khô sau đó chườm lên chỗ đau, khi tiếp xúc với da thì không có cảm giác bị đau rát. Tốt nhất nên sử dụng khăn bông mềm, thông thường khoảng 5 phút thay khăn một lần, mỗi lần chườm thời gian khoảng 15 - 20 phút, mỗi ngày chườm 3 - 4 lần.- Giảm bớt mệt mỏi cho mắt: Dùng khăn chườm nóng có thể xúc tiến tuần hoàn máu xung quanh vùng mắt, giảm nhức mỏi cho mắt, đồng thời có thể giảm nhẹ các chứng khô mắt, còn có tác dụng sáng mắt khỏe não.
   - Phòng chống ù tai, điếc tai: Phủ khăn chườm lên phía trên tai hoặc nhẹ nhàng xoa bóp, như thế có thể cải thiện tuần hoàn máu vùng tai, phòng chống chứng tai điếc do thiếu máu gây ra.
   - Cải thiện hoa mắt, chóng mặt: Đặt khăn chườm vào sau gáy, mỗi lần khoảng mấy phút, như thế có thể kích thích huyệt vị của não sau, có thể cải thiện một phần các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, còn có thể  nâng cao khả năng phản ứng và tư duy.
   - Trị chứng cứng đơ ở cổ: Người bị chứng đơ cổ nhẹ có thể dùng khăn chườm đắp vào chỗ cứng đơ đồng thời phối hợp với việc vận động vùng cổ. Đầu từ từ cong về phía trước, nhẹ nhàng chuyển động theo hướng trước sau và trái phải.
   - Phòng trị bệnh cột sống: Các chứng bệnh cột sống trong giai đoạn đầu như cứng cổ, nhức mỏi hoặc sau khi bị nhiễm lạnh cảm thấy hơi đau nhức có thể dùng khăn chườm nóng để cải thiện các triệu chứng trên, thúc đẩy máu lưu thông, giảm nhẹ chứng co rút cơ bắp, phòng chống bệnh cột sống.
   - Giảm đau lưng mãn tính: Khi đau lưng dùng khăn chườm nóng có thể giảm nhẹ triệu chứng đau nếu tình hình quá nghiêm trọng bạn nên đến ngay bệnh viện kiểm tra.
   - Giảm đau nhức vùng mông: Cơ bắp vùng mông cứng lại một nửa nguyên nhân là do đau nhức vì không hoạt động, ngồi lâu hoặc đau căng da. Lúc này bạn có thể nắm sấp dùng khăn chườm vào chỗ đau, có thể giảm nhẹ được đau nhức.
   - Chữa đau bụng kinh hoặc đau bụng do bị lạnh: Phụ nữ bị đau bụng kinh hoặc đau bụng do bị lanh có thể dùng khăn nóng chườm lên bụng, như thế sẽ có tác dụng  hóa giải máu tụ, thông khí giảm đau.
   - Chấn thương do ngã: Khi vận động bị chấn thương không nên lập tức chườm khăn nóng. Sau khi bị thương 2-3 hôm, nếu không chảy máu hoặc không sưng tấy, lúc này có thể chườm khăn nóng để giảm nhẹ đau nhức.
   - Sưng chai cứng do tiêm: Nhẹ nhàng đặt khăn chườm vào vùng sưng và chai cưng do tiêm nhiều gây ra, mỗi lần 30 phút, vừa chườm vừa xoa bóp nhẹ giúp máu lưu thông ở vùng bị chai cứng và đẩy nhanh sự hấp thụ của thuốc.
Một số bài thuốc chườm trong Đông y    - Đau khớp: Ngải diệp 1 nắm, củ thạch xương bồ 20g giã dập, trộn hai vị thuốc rồi sao nóng, dùng miếng vải gói thuốc lại chườm vào chỗ đau. Thuốc nguội thì sao lại để chườm tiếp. Ngày làm 2 – 3 lần có tác dụng giảm đau hiệu quả.
   - Đau vai gáy: lá cúc tần, lá lốt mỗi thứ 1 nắm, giã nhỏ, trộn rượu sao nóng. Dùng miếng vải gói lại đem chườm tại chỗ. Tác dụng: ôn kinh, tán hàn, trục ứ, giảm đau.
   - Đau lưng do khí trời ẩm thấp, mưa lạnh thời gian dài: vỏ cây gạo 150g, sinh khương 15g. Cho cả hai thứ vào cối giã nhỏ, trộn thêm một chút rượu, xào nóng, gói thuốc vào miếng vải rồi chườm vào chỗ đau. Công dụng:   đuổi phong hàn, ôn ấm kinh lạc, giảm đau nhanh.
   - Vẹo cổ sau khi ngủ dậy: Lá ngải cứu 100g, củ thạch xương bồ 60g. Hai thứ giã nhỏ, sao rượu. Dùng miếng vải gói lại rồi chườm vào nơi cổ bị đau. Có thể đắp thuốc tại chỗ, dùng băng vải cố định lại. 
   - Đau đầu gối do bong gân: Rang muối hột cho nóng rồi cho vào vải, túm lại rồi lót lá đu đủ trên đầu gối, sau đó chườm muối nóng lên chỗ đau, mỗi ngày chườm vài lần. (Lưu ý: không nên để muối quá nóng vì có thể bị bỏng).

Dương Lập Hạ