13:28 17/10/2018

Thành quả tái cơ cấu kinh tế: Công nghiệp đi lên, khai khoáng đi xuống

Đoàn Trần

Mô hình tăng trưởng đã bước đầu chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP

Năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm.
Năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm.

Báo cáo tại phiên họp 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng thông tin về hàng loạt "quả ngọt" của quá trình này, thông qua các con số nhiều thuyết phục.

"Mô hình tăng trưởng đã bước đầu chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội", ông Dũng khẳng định.

Năng suất lao động tăng bình quân 5,62%/năm

Chứng minh cho chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện rõ rệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư dẫn ra các con số, năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, đồng thời Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.

Bình quân 3 năm 2016-2018 năng suất lao động tăng 5,62%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015, và đạt mục tiêu đề ra (tăng trên 5,5%).

Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn và hiệu quả đầu tư được cải thiện. Trong giai đoạn 2016-2018, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tăng lên đáng kể, đạt 42,18%, cao hơn so với mức 33,58% trong giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu đóng góp của TFP vào tăng trưởng trong 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 30%-35%).

Hiệu quả đầu tư được cải thiện, thể hiện qua chỉ số ICOR giảm xuống còn 6,42 năm 2016, và 6,11 vào năm 2017. Như vậy, tăng trưởng kinh tế đóng góp lớn nhờ tăng năng suất lao động và cải thiện đáng kể TFP.

Tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến

Đặc biệt, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của khai khoáng. Đây vốn là bài toán cho nền kinh tế trong nhiều thập kỷ qua, giờ đã có được lời giải. 

Từ năm 2016 tỷ trọng trong GDP của công nghiệp chế biến, chế tạo đã vượt nông-lâm-thủy sản, trong khi tỷ trọng của khai khoáng giảm mạnh: tỷ trọng trong GDP của công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng từ 14,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 16,2% năm 2016, 17,4% năm 2017 và 18,8% trong 6 tháng đầu năm 2018; của khai khoáng giảm từ 8,8% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống 7,6% năm 2016, 6,6% năm 2017 và 6,0% trong 6 tháng đầu năm 2018. 

Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cơ cấu ngành công nghiệp đã dịch chuyển theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (từ 13,8% vào năm 2014 lên 15,28% vào năm 2018) và giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng (từ 10,82% năm 2014 xuống 7,47% năm 2017).

Vai trò của khu vực tư nhân gia tăng, thể hiện qua tỷ trọng của khu vực này trong GDP cũng như đầu tư phát triển toàn xã hội. Tỷ trọng của khu vực dân cư và tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 12,1% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 12,5% năm 2016, 13,5% năm 2017 và 13,6% trong 6 tháng năm 2018. 

Hệ số tiêu hao năng lượng được cải thiện đáng kể, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được chú trọng phát triển. Tổn thất điện năng để truyền tải và phân phối điện năm 2015 là 7,7%; đạt và vượt mục tiêu đến năm 2015 khoảng 8% và năm 2020 giảm xuống dưới 8%. 

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua còn được hỗ trợ thêm bởi các chủ trương, giải pháp khuyến khích tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ công nghệ mới (Cách mạng công nghiệp lần thứ 4), tạo tiền đề cho chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn tiếp theo.

Nông nghiệp dịch chuyển cơ cấu lành mạnh

Cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp được Ủy ban Kinh tế đánh giá là "đặc biệt" khi xét ở góc độ chuyển dịch cơ cấu nội ngành có tác động tích cực lên năng suất lao động. Đây cũng là lĩnh vực có khả năng hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong tái cơ cấu đặt ra cho giai đoạn 2016- 2020. 

Đóng góp của nông-lâm-thủy sản vào tốc độ tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện mạnh trong năm 2017 và 2018. Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển hướng tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao hơn như sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm sạch. 

Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao xuất hiện, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp gia tăng, bao gồm đầu tư của các tập đoàn doanh nghiệp lớn. Cơ cấu khu vực nông-lâm-thủy sản cũng có sự dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản. Thu nhập bình quân đầu người/năm và đời sống của dân cư nông thôn được nâng cao, tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 32 triệu đồng năm 2017...

Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận, các chuyển biến cơ cấu nội ngành nông nghiệp chưa rõ nét và bền vững. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiêu chuẩn hóa có quy mô nhỏ. Năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp. Thể chế liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tập trung, tích tụ đất đai chưa thay đổi, chưa thực sự thúc đẩy tập trung, tích tụ ruộng đất để cơ cấu lại cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hiện đại và công nghệ cao.