Thị trường chăm sóc sắc đẹp sẽ chứng kiến sự bùng nổ của AI
TikTok và các nền tảng mạng xã hội tương tự đã cá nhân hóa trải nghiệm người tiêu dùng, cung cấp nội dung phù hợp với sở thích người dùng. Tương tự như vậy, ngành mỹ phẩm cũng sẽ phát triển theo xu hướng cá nhân hóa…
Báo cáo của Business of Fashion cho biết 73% giám đốc điều hành trong ngành xa xỉ phẩm nhận định sáng tạo AI sẽ là ưu tiên hàng đầu cho doanh nghiệp vào năm 2024, và sự phát triển của AI cũng kéo theo xu hướng cá nhân hóa của khách hàng. Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2024 diễn ra ở thành phố Las Vegas (Mỹ) hồi đầu năm nay chính là sàn diễn của hàng loạt các sản phẩm làm đẹp ứng dụng AI, với hy vọng thu hút và đáp ứng hơn nữa nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của con người.
Nổi bật trong số đó là thiết bị làm móng với trọng lượng 8 kg của Nimble Beauty. Hãng tuyên bố đây là sản phẩm đầu tiên trên thế giới kết hợp công nghệ AI và hệ thống robot tự động phức tạp để có thể sơn móng tay một cách hoàn hảo, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và không phải đặt lịch ngoài tiệm.
Theo Nimble Beauty, sản phẩm được tích hợp camera siêu nhỏ có độ phân giải cao và hình ảnh 3D để xác định hình dáng, kích thước và độ cong của móng. Sau đó, một cánh tay robot nhỏ do thuật toán AI lập trình sẽ sơn 3 lớp màu lên móng của khách hàng rồi làm khô sau mỗi lớp sơn.
Nghiên cứu của tập đoàn tư vấn McKinsey cho thấy ngành công nghiệp làm đẹp toàn cầu, trong đó chăm sóc da, tóc, các sản phẩm nước hoa và làm đẹp dự báo sẽ chạm mốc 580 tỉ USD vào năm 2027. Trong đó, AI hiện diện ở nhiều sản phẩm từ trang điểm cho tới chăm sóc da.
Mới đây nhất, "ông lớn" trong ngành làm đẹp L’Oreal đã trình làng ứng dụng ảo miễn phí có tên Beauty Genius. “Trợ lý cá nhân ảo" do AI hỗ trợ này sẽ gợi ý các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da dựa trên đặc điểm của từng khách hàng, đưa ra lời khuyên về các kỹ thuật và giải đáp các câu hỏi về nhiều vấn đề như mụn trứng cá và rụng tóc.
Sản phẩm Beautiful AI của công ty Perfect Corp cũng không nằm ngoài mục tiêu này. Chương trình tích hợp công nghệ AI tạo sinh và thực tế ảo này có thể phân tích da trực tiếp, tạo kiểu tóc hoặc trang sức rồi đưa ra lời khuyên cho người dùng. Công ty Prinker của Hàn Quốc cũng có kế hoạch giới thiệu thiết bị trang điểm di động, tương tự máy in hình xăm nhỏ gọn nổi tiếng của hãng vào năm nay.
Theo một báo cáo mới được công bố vào tháng 3/2024 bởi công ty Nghiên cứu Kinh doanh cho thấy, những ông lớn trong lĩnh vực làm đẹp và mỹ phẩm đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo gồm L'Oréal S.A., Beiersdorf AG, Olay, Shiseido, Procter & Gamble, Pure & Mine, YOus Skincare, My Beauty Matches, EpigenCare Inc., mySKIN, Haut.Al, Luna Fofo, Revieve, Anokai, và Youth Laboratories... dự kiến sẽ đạt 6,8 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ CAGR là 14,4%.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, công cụ AI được sử dụng nhiều nhất trong thị trường làm đẹp và mỹ phẩm là các công cụ đề xuất cá nhân hóa, nền tảng đo lường hiệu suất tiếp thị, dự báo nhu cầu, chuỗi cung ứng hoặc nền tảng dịch vụ khách hàng và các thiết bị làm đẹp dựa trên trí tuệ nhân tạo. Sự hỗ trợ hết mực của công nghệ đã giúp các thiết bị làm đẹp và những ứng dụng tiện theo dõi tình trạng của người dùng. Dựa vào yếu tố đó, các thương hiệu đưa ra một liệu trình chăm sóc thích hợp cho từng cá nhân.
Tại sự kiện Beauty Show 2024 được tổ chức ở TP.HCM ngày 5/7 vừa qua, ông Roland Kraut, Giám đốc điều hành, ngành nguyên liệu hóa chất, DKSH Thụy Sĩ, cho biết trong 10 năm tới, thị trường mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp sẽ chứng kiến sự bùng nổ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hiện các thương hiệu đang trong cuộc đua cung cấp ngày càng nhiều những sản phẩm được "đo ni đóng giày" cho từng người dùng, từ dầu gội cho đến kem dưỡng da, mỹ phẩm trang điểm.
"AI đang thay đổi cách thức hoạt động của ngành mỹ phẩm, từ việc cá nhân hóa sản phẩm đến dự báo nhu cầu và tối ưu hóa chuỗi cung ứng", ông Roland Kraut nói. AI không chỉ cải tiến sản phẩm mà còn giúp tạo ra những thành phần mới trong các nguyên liệu tự nhiên để tối ưu hóa các nguyên liệu có sẵn. Nhờ AI, các nhà sáng chế còn có thể giảm số lượng thử nghiệm cần thiết vì nâng cao mức độ dự đoán chính xác tính năng của các thành tố mới. Điều này tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời giảm thiểu lãng phí và khí thải carbon, hỗ trợ phát triển bền vững.
"Trong lĩnh vực phân phối, AI giúp tối ưu hóa dự báo nhu cầu, đảm bảo vật liệu được chuyển đến đúng vị trí và thời gian, giảm thiểu lãng phí và chi phí vận chuyển. Báo cáo của chúng tôi ghi nhận vào năm 2022, thị trường chăm sóc cá nhân ảnh hưởng bởi AI đã đạt 3,2 tỉ USD và dự kiến tăng trưởng 20% hàng năm, đạt khoảng 20 tỉ USD vào năm 2032", ông Kraut chia sẻ.
Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường EuroMonitor International, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm. Dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỉ USD. Ông Trần Thanh Hải, quản lý cấp cao, nhánh hàng chăm sóc cá nhân, ngành nguyên liệu hóa chất, DKSH Việt Nam, cho biết 6 tháng đầu năm, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng thị trường mỹ phẩm vẫn ghi nhận sự tăng trưởng của các sản phẩm thương hiệu nội địa.
Mặc dù công cụ này hữu ích bởi người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp qua AI. Tuy nhiên, sẽ có một số rủi ro phát sinh khi làm việc với trí tuệ nhân tạo. Chẳng hạn như, các công ty thu thập dữ liệu đào tạo từ các nguồn của bên thứ ba, để phát triển các kỹ thuật AI của riêng họ có thể có nguy cơ vi phạm IP. Bên cạnh đó, khi các công ty sử dụng AI để thu hút khách hàng, họ có thể có nguy cơ vi phạm quyền riêng tư, do đặc điểm bản chất cá nhân hóa cao của ngành.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo để đưa ra sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Từ đó, gây ra nguy cơ có hại cho khách hàng với nhiều hình thức khác nhau. Người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi các khuyến nghị chăm sóc da không phù hợp do AI khuyến cáo, sau đấy sẽ chi tiêu quá mức cho những sản phẩm không cần thiết với bản thân.