21:36 19/06/2017

Quốc hội thông qua ba luật mới

Nguyễn Lê

Chiều 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Thủy lợi và Luật du lịch (sửa đổi)

Kết quả biểu quyết Luật Du lịch (sửa đổi). <br>
Kết quả biểu quyết Luật Du lịch (sửa đổi). <br>
Chiều 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Thủy lợi và Luật Du lịch (sửa đổi).

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)
gồm 6 chương với 60 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Giải trình tiếp thu dự thảo luật trước khi đại biểu bấm nút, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phản ánh, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn công nghệ hạn chế chuyển giao. Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, để phù hợp với từng thời kỳ phát triển nên giao Chính phủ quy định cụ thể các công nghệ hạn chế chuyển giao tại các văn bản dưới luật sẽ hợp lý hơn. do đó, xin không quy định cụ thể trong luật.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung hạn chế chuyển giao vào Việt Nam công nghệ mà Việt Nam đã nghiên cứu sử dụng có trình độ và hiệu quả tương đương với công nghệ thế giới.

Cơ quan giải trình cho rằng cần thiết phải khuyến khích sử dụng công nghệ trong nước tạo ra. Tuy nhiên, đề nghị không quy định trong luật này mà quy định trong các văn bản dưới luật để tránh xung đột với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.  

Luật Du lịch (sửa đổi) gồm có 9 chương 78 điều có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.

Đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú là nội dung còn ý kiến trái chiều khi thảo luận dự thảo luật.

Một số ý kiến đề nghị thực hiện việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện, tuy nhiên, một số ý kiến lại thống nhất với việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc bắt buộc. 

Kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, có 423 đại biểu trả lời, trong đó có 214 đại biểu (chiếm 50,6%) tán thành quy định đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch cần được xem là nhu cầu, quyền lợi của doanh nghiệp. Việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tôn trọng, bảo vệ lợi ích, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được vận hành theo quy luật thị trường, giảm tác động của biện pháp hành chính. 

Đồng thời, để đảm bảo chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch, dự thảo luật quy định: trước khi được đưa vào kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch phải đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đây là điều kiện mà tất cả các cơ sở lưu trú du lịch (đăng ký xếp hạng hoặc không đăng ký xếp hạng) đều phải đạt được. 

Dự thảo luật không quy định về diện tích và khả năng phục vụ (số lượt khách du lịch) là điều kiện công nhận khu du lịch như Luật Du lịch năm 2005.

Luật Thuỷ lợi gồm 10 chương, 60 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Luật này quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.