18:05 05/09/2022

Thu ngân sách giảm hơn 33 nghìn tỷ do giảm thuế môi trường đối với xăng, dầu

Tùng Thư

Theo Bộ Tài chính, tổng giảm thu ngân sách nhà nước do việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 khoảng 33.488 tỷ đồng...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Sau điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm lần thứ 6 kể từ đầu tháng 7/2022.

Từ 15h ngày 5/9, giá xăng giảm từ 370-430 đồng. Mỗi lít xăng RON 95-III giảm về 24.230 đồng và E5 RON 92 là 23.350 đồng.

Trong khi đó, giá dầu lại tăng 1.390-1.430 đồng, đây là lần đầu tiên, giá dầu đắt hơn giá xăng.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên  tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, cử tri nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước đã kiến nghị miễn giảm các loại thuế được tính trong giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết Luật thuế Bảo vệ môi trường không có quy định miễn loại thuế này. Thuế Bảo vệ môi trường là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hoá khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mục đích của sắc thuế này là hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các loại hàng hoá khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hoá thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn.

Để bình ổn giá xăng dầu trong nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn từ ngày 11/7/2022 đến ngày 31/12/2022.

Theo đó, tổng giảm thu ngân sách do việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 khoảng 33.488 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, với việc giảm thuế bảo vệ môi trường và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 11/8/2022, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 19,94% đối với xăng E5RON92; khoảng 22,34% đối với xăng RON95 và khoảng 11,51% đối với dầu diesel.

Về thuế nhập khẩu, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 8/8/2022 để giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống 10%.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết đang rà soát và sớm báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu (MFN) phù hợp đối với nguyên vật liệu đầu vào khác phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong  nước.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ môm sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.

Về 2 loại thuế trên, Bộ Tài chính cho biết đang theo dõi sát giá xăng dầu thế giới và tình hình giá xăng dầu trong nước để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án phù hợp.