15:00 05/09/2022

Giảm nhẹ giá xăng, tăng mạnh giá dầu

Huyền Vy

Giá xăng E5RON92 giảm 366 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 439 đồng/lít. Các loại dầu có mức tăng từ 1.389 đồng/lít - 1.429 đồng/lít; riêng dầu mazut 180CST 3.5S giảm 471 đồng/kg…

Giá xăng giảm từ chiều 5/9/2022.
Giá xăng giảm từ chiều 5/9/2022.

Chiều 5/9, Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố quyết định điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu.

Trong kỳ điều chỉnh này, Liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 451 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON95 ở mức 493 đồng/lít (như kỳ trước), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 250 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 400 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 641 đồng/kg (như kỳ trước).

Đồng thời thực hiện chi Quỹ BOG đối với dầu diesel ở mức 300 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng E5RON92 không cao hơn 23.359 đồng/lít (giảm 366 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 871 đồng/lít.

Xăng RON95-III không cao hơn 24.230 đồng/lít (giảm 439 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 25.188 đồng/lít (tăng 1.429 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không thực hiện chi Quỹ BOG ở mức 300 đồng/lít thì giá bán sẽ là 25.488 đồng/lít, tăng 1.729 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành;

Dầu hỏa không cao hơn 25.445 đồng/lít (tăng 1.389 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không thực hiện chi Quỹ BOG 100 đồng/lít thì giá bán sẽ là 25.545 đồng/lít, tăng 1.489 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành;

Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.077 đồng/kg (giảm 471 đồng/kg so với giá bán hiện hành).

Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Nguồn: Bộ Công Thương.
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Nguồn: Bộ Công Thương.

Theo Liên Bộ, diễn biến thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 22/8/2022 - 05/9/2022) nhìn chung có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là tăng cao đối với dầu diesel và dầu hỏa và giảm nhẹ đối với xăng và dầu mazut.

Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành giá là 105,431 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 2,195 USD/thùng, tương đương giảm 2,039% so với kỳ trước); 108,866 USD/thùng xăng RON95 (giảm 2,583 USD/thùng, tương đương giảm 2,317 so với kỳ trước)

Đối với dầu hỏa là 140,786 USD/thùng (tăng 11,773 USD/thùng, tương đương tăng 9,126% so với kỳ trước); dầu điêzen ở mức 143,026 USD/thùng (tăng 12,175 USD/thùng, tương đương tăng 9,304% so với kỳ trước); dầu mazut 180CST 3,5S là 482,322 USD/tấn dầu (giảm 18,717 USD/tấn, tương đương giảm 3,736% so với kỳ trước).

Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới từ  22/8/2022 - 5/9/2022. Nguồn: Bộ Công Thương.
Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới
từ  22/8/2022 - 5/9/2022. Nguồn: Bộ Công Thương.

Để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định dừng trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa, đồng thời, thực hiện chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng này để hạn chế mức tăng cao của giá mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa; giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut để giảm giá các mặt hàng này theo xu hướng giảm của giá thị trường thế giới.

Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước; tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.