10:43 26/08/2021

Thủ tướng kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19

Tiến Dũng

Theo Quyết định, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban chỉ đạo; Phó Ban chỉ đạo gồm Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Chiều 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì công bố Quyết định số 1438/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 và họp Ban chỉ đạo.

KIỆN TOÀN BAN CHỈ ĐẠO, LẬP 8 TIỂU BAN

Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống, dịch bệnh Covid-19.

Phó Ban chỉ đạo gồm Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Thành viên Ban chỉ đạo gồm: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 là Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 8 Tiểu ban, gồm: Y tế; An ninh trật tự; An sinh xã hội; Tài chính hậu cần; Sản xuất, lưu thông
hàng hóa; Vận động và huy động xã hội; Dân vận; Truyền thông. Đồng thời quyết định cũng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo và các Tiểu ban.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp, trong 2 ngày tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội vừa qua, ngày đầu tuy có một số bỡ ngỡ nhưng các lực lượng nhanh chóng khắc phục, triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhịp nhàng các biện pháp đề ra. Với sự tham gia đồng bộ của các lực lượng, mang thực phẩm tới từng hộ gia đình, triển khai các biện pháp chăm sóc y tế tại cơ sở, người dân TPHCM đã an tâm hơn, thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu ở đó”.

Theo Bộ trưởng, số liệu thống kê bước đầu cho thấy, mức độ người dân đi lại đã giảm 80% so với những ngày trước. Bộ Trưởng nhấn mạnh, cùng với các giải pháp quyết liệt trong triển khai trạm y tế lưu động, kiện toàn công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 theo tầng và đẩy nhanh tiến độ vaccine,  tình hình dịch bệnh tại TPHCM sẽ sớm được kiểm soát.

MẠNH DẠN THÍ ĐIỂM, VỪA LÀM VỪA RÚT KINH NGHIỆM

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hôm nay Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 ra mắt với những chức năng, nhiệm vụ đã được quy định.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chưa có tiền lệ, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, những gì đã "chín", đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai ngay.

Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng cần có thời gian kiểm chứng, tạo đồng thuận thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo kết hợp với cơ sở chức năng, quyền hạn của các bộ, ngành, các thành viên Ban chỉ đạo cần tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, khi thực hiện giãn cách xã hội, cần phải tranh thủ thời gian vàng để ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh. Đã thực hiện giãn cách là phải thực hiện nghiêm, phải thực hiện tốt việc đảm bảo an sinh xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết là không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo cho mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế ở mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất. Chúng ta tăng cường hệ thống y tế xã, phường để người dân được tiếp cận sớm, tiếp cận nhanh, tiến hành phân loại hợp lý để có phương án điều trị phù hợp.

"Điều này vừa góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên, giảm số ca tăng nặng, tử vong. Đây chính là lấy 'xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ' trên mặt trận phòng chống dịch bệnh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Song song với đó, Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức triển khai công tác xét nghiệm thực sự khoa học, hợp lý; triển khai tiêm vaccine nhanh chóng, hiệu quả; cộng với thuốc điều trị; đẩy mạnh ngoại giao vaccine.

Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP
Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm đời sống tinh thần cho nhân dân khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội thông qua các kênh báo chí, văn học nghệ thuật, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh theo đúng tinh thần Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, chung sức, chung lòng cùng chính quyền ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch.

Bên cạnh việc tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương “không quên” thực hiện các nhiệm vụ khác như: Bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, vừa chống dịch, vừa sản xuất nhưng phải bảo đảm an toàn, “an toàn mới sản xuất"…

Thủ tướng lưu ý các bộ ngành địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19 phải chăm lo cho cả những người nước ngoài đang ở Việt Nam.

Đồng thời phải thường xuyên đúc kết, sơ kết, điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng chống dịch cho phù hợp với diễn biến tình hình. Kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, phát huy những cái tốt, những gì đã làm được để bảo đảm chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.