07:56 13/05/2024

Thực phẩm chức năng: Tránh rủi ro cho người tiêu dùng

Hoài Phương

Trong thời đại mà sức khỏe ngày càng được xem xét một cách toàn diện, người tiêu dùng không ngại chi tiền cho các sản phẩm và dịch vụ đóng góp tích cực cho sức khỏe tổng thể của họ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong ngành công nghiệp dược phẩm và các sản phẩm liên quan, thực phẩm chức năng là một trong những lĩnh vực mang lại lợi nhuận nhiều nhất. Với ý thức chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, người dân trên toàn cầu đã tìm đến các loại thực phẩm chức năng có khả năng bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Đây chính là dư địa lớn để các doanh nghiệp gia nhập thị trường sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm bổ sung.

NHU CẦU NGÀY CÀNG TĂNG CAO

Hiện thực phẩm chức năng là ngành có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo dữ liệu khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng Hoa Kỳ do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thực hiện, 52% người trưởng thành được khảo sát cho biết đã sử dụng ít nhất một loại thực phẩm chức năng trong 30 ngày trước đó. Tỷ lệ sử dụng ở phụ nữ khoảng 64%, trong khi ở nam giới là 51%.

Tương tự, tại Nhật Bản, trước khi vụ bê bối của hãng dược Kobayashi xảy ra, thị trường thực phẩm bổ sung tăng cường sức khỏe phát triển rất mạnh mẽ. Riêng trong năm 2023, doanh thu của thị trường này tăng 16% so với năm trước đó và đạt 49,1 tỷ Yên.

Lý do phổ biến nhất được mọi người đưa ra khi sử dụng thực phẩm chức năng là vì sức khỏe nói chung cũng như để lấp đầy khoảng trống về chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống. Hầu hết người sử dụng thực phẩm chức năng đều cho rằng, thực phẩm chức năng có tác dụng chống viêm và ngăn ngừa hiện tượng stress ô xy hóa (vốn xảy ra phổ biến ở các căn bệnh về tim mạch và ung thư). Ngoài ra, tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính bao gồm cao huyết áp và tiểu đường đang gia tăng cũng thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng về các loại thực phẩm chức năng.

Theo báo cáo của Precedence Research, quy mô thị trường thực phẩm bổ sung toàn cầu ước tính đạt 164,2 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 346,36 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) là 7,8% trong giai đoạn ước tính từ năm 2023 đến năm 2032.

Tính theo khu vực địa lý, theo Informa Markets, thị trường thực phẩm chức năng ở châu Á – Thái Bình Dương đang có quy mô 187 tỷ USD và dự kiến đạt 229 tỷ USD vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng 6%, trong đó, cá nhân hóa là một xu hướng đang phát triển.

Hiện thực phẩm chức năng là ngành có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Hiện thực phẩm chức năng là ngành có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu Grand View Research (Mỹ) dự đoán, thị trường thực phẩm bổ sung được cá nhân hóa trên toàn cầu sẽ đạt 49,02 tỷ USD vào năm 2027. Các doanh nghiệp có thể tận dụng xu hướng này bằng cách xem xét các yếu tố như tuổi tác, lối sống, tình trạng sức khỏe và đặc điểm di truyền. Từ đó sắp xếp kết hợp yếu tố cá nhân hóa vào các sản phẩm hiện có, hoặc tạo ra thêm các sản phẩm mới đáp ứng được các yêu cầu chăm sóc sức khỏe cụ thể.

Phân tích theo nhu cầu, Lauren Bandy - chuyên gia cao cấp phân tích của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, cho rằng ngành công nghiệp thực phẩm thế giới đang “bỏ rơi” hàng tỷ USD mỗi năm vì không nhận ra vai trò quan trọng của thị trường dinh dưỡng cho người cao tuổi. Ngành thực phẩm thức năng, thực phẩm bổ sung cho người già hiện nay mới chỉ đạt 1,4 tỷ USD ở Tây Âu và Bắc Mỹ, một con số rất nhỏ so với doanh số bán hàng các sản phẩm dành cho trẻ em là 14,2 tỷ USD. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, dân số người già của toàn thế giới sẽ tăng lên 75% vào năm 2030, chiếm 13% tổng dân số toàn cầu.

Không nằm ngoài xu hướng, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm thực phẩm chức năng của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh.

Thống kê từ Cục An toàn thực phẩm, Việt Nam hiện có hơn 30.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đang được cấp phép lưu hành, trong đó hơn 70% sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước là hàng sản xuất nội địa...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2024 phát hành ngày 13/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thực phẩm chức năng: Tránh rủi ro cho người tiêu dùng - Ảnh 1