Băn khoăn sau vụ bê bối ngân hàng máu cuống rốn lớn nhất châu Á
Tế bào gốc máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chỉ có thể được thu thập một lần từ dây rốn và bánh nhau lúc vừa chào đời. Khi được xử lý và đưa vào lưu trữ lâu dài, đây được xem như một “cuốn sổ” bảo hiểm sinh học cho bé…
Theo nghiên cứu, máu cuống rốn của trẻ sơ sinh khi vừa mới chào đời có chứa tế bào gốc. Phần tế bào gốc này hoàn toàn có thể được sử dụng để điều trị các bệnh lý về máu như ung thư máu, các bệnh di truyền về máu, các bệnh chuyển hóa, suy giảm miễn dịch… của chính trẻ hay những người thân trong gia đình.
Nếu như trước đây, "lấy máu cuống rốn", "lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn" vẫn còn là những khái niệm xa lạ thì hiện nay đã trở thành một trào lưu, như một hình thức mua bảo hiểm sinh học trọn đời cho con. Tuy vậy, nếu xảy ra trục trặc trong toàn bộ quá trình, dù ở khâu nào, thì vĩnh viễn không có cơ hội thứ hai để lưu trữ cho em bé. Do đó, hoạt động này không chỉ đòi hỏi phải có sự đầu tư về trang thiết bị hiện đại, tuân thủ nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe mà còn phải chặt chẽ về pháp lý.
Là một trong những ngân hàng máu cuống rốn lớn nhất châu Á, Cordlife Group Ltd., có trụ sở tại Singapore, gần đây đã hứng chịu làn sóng phẫn nộ lớn từ các khách hàng của mình sau khi làm hỏng hàng ngàn mẫu máu do xử lý không đúng cách. Được biết, bê bối này đã bắt đầu nổ ra kể từ tháng 11/2023 khi có thông tin tiết lộ rằng 7 trong số 22 bể chứa máu cuống rốn trong công ty bị hỏng do đặt ở nhiệt độ cao hơn so với nhiệt độ phù hợp là -150 độ C. Tờ CNA cho biết, ước tính đã có khoảng 2.200 đơn vị máu cuống rốn đã bị hư hỏng.
Hôm 22/04, Bộ Y tế Singapore (MOH) đã ra lệnh điều tra thêm về các bể chứa Cordlife khác và ước tính có khoảng 5.300 mẫu máu trong một bể khác "không thể tồn tại được". Nguyên nhân là lượng nitơ lỏng trong các bể chứa không đủ, khiến nhiệt độ tăng cao hơn mức cho phép. Sau thông báo mới nhất của MOH, Cordlife đã thông báo cho các bậc cha mẹ bị ảnh hưởng rằng các đơn vị máu cuống rốn đã bị hỏng do "những thiếu sót trong cách tiến hành, giám sát, báo cáo nhiệt độ", gây ra sự chậm trễ trong việc bổ sung nitơ lỏng để điều chỉnh nhiệt độ bể.
Theo một số nguồn tin, để máu cuống rốn (hay tế bào gốc) của con được lưu trữ, phụ huynh sẽ ký hợp đồng và cần phải chi trả số tiền không hề nhỏ từ 4.300 USD (khoảng 109 triệu VNĐ) đến 8.500 USD (216 triệu VND) tùy theo từng gói dịch vụ từ lưu trữ máu cuống rốn, trung mô, biểu mô đến mô dây rốn, màng dây rốn,... Đối với các gia đình muốn lưu trữ cuống rốn của 2 con trở lên, giá dịch vụ sẽ được giảm khoảng 400 USD/người. Với nhiều ngân hàng cuống rốn, khách hàng cũng sẽ phải trả chi phí lưu trữ hàng năm và một số khoản tiền khác.
Nhiều năm qua, các cha mẹ tại Singapore đã trả tiền để lưu trữ dây rốn và máu cuống rốn của trẻ sơ sinh tại cơ sở của tập đoàn y tế Cordlife (phạm vi hoạt động tại Hong Kong, Ma Cao, Indonesia, Philippines và Ấn Độ). Hôm 17/4, Cordlife đã nộp báo cáo cho sở cảnh sát, cáo buộc các nhân viên (hầu hết đã nghỉ việc) làm sai quy trình. Cựu giám đốc điều hành và 5 thành viên hội đồng quản trị công ty bị đã bắt vào đầu năm nay vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Ba thành viên khác của hội đồng, gồm cả những người đã trình báo cảnh sát, đều hoãn cuộc điều trần với chính quyền.
Tình hình này khiến khách hàng của công ty ở các khu vực khác cảnh giác. Nhiều phụ huynh Hong Kong bày tỏ mối lo ngại trên mạng xã hội. Các phụ huynh tại Singapore thành lập một nhóm để thực hiện hành động pháp lý. Một số người từ chối đề xuất hoàn trả phí các mẫu máu cuống rốn bị hư hỏng của Cordlife, cho rằng điều này không thỏa đáng.
Đây được coi là bê bối tồi tệ nhất của ngành công nghiệp lưu trữ máu cuống rốn của trẻ em, theo Bloomberg. Sự việc làm dấy lên mối lo ngại về một lĩnh vực đang nổi lên trong thời gian gần đây, song hầu như chưa được chứng minh tính hiệu quả.
Hiện cả Học viện Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Y khoa Mỹ đều không khuyến nghị lưu trữ máu cuống rốn như một hình thức "bảo hiểm sinh học". Họ cho rằng hầu hết trẻ em không cần đến nó, anh chị em chúng chỉ được hưởng lợi khoảng 25% từ dịch vụ này, khiến số tiền phải bỏ ra là quá lớn so với lợi ích. Theo hướng dẫn của hai tổ chức, thường có sẵn các phương pháp điều trị thay thế hiệu quả và ít tốn kém hơn. Nghiên cứu cho thấy chỉ một trên 400 đến một trên 200.000 trẻ em có cơ hội sử dụng máu cuống rốn đã lưu trữ trong suốt cuộc đời.
Tại ngân hàng của Cordlife ở Singapore, chỉ 7 mẫu máu được lấy ra dùng kể từ khi công ty thành lập năm 2001, trong khi hàng chục nghìn gia đình đã tìm đến dịch vụ này. Bộ Y tế Singapore thống kê tỷ lệ sử dụng các ngân hàng máu cuốn rốn tư nhân khác là tương đương.
Bê bối của Cordlife cũng nhấn mạnh sự khó khăn trong việc giám sát ngành này và chi phí điều tra cao khi có vi phạm xảy ra. Theo MOH, xét nghiệm ban đầu cho thấy 30 mẫu vẫn còn sử dụng được. Tuy nhiên, cần thêm thời gian một năm, thu thập 200 mẫu nữa mới có kết quả mang ý nghĩa thống kê.
Bên cạnh đó, các chuyên gia huyết học khuyến cáo, với mỗi trường hợp cụ thể, cần có sự tham vấn của các bác sĩ điều trị và chuyên gia về tế bào gốc xem có cần thiết lưu trữ tế bào gốc cuống rốn hay không, để có thể đạt hiệu quả ứng dụng cao nhất. Bởi với một số bệnh ung thư ác, tính ghép tế bào gốc cho bệnh nhân chỉ là biện pháp bổ trợ cho người bệnh chống lại tác dụng phụ của các đợt điều trị hóa chất quá mạnh còn tế bào này không tiêu diệt được tế bào ác tính.
Tại Việt Nam, vài năm trở lại đây, nhiều gia đình trẻ cũng đã lựa chọn việc gửi lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của con cái ngay sau khi sinh. Theo đó, dịch vụ lấy và lưu trữ tế bào gốc dây rốn được thực hiện ở nhiều bệnh viện với các mức chi phí khác nhau. Ở các bệnh viện công lập, chi phí dành cho việc tư vấn, thu thập, vận chuyển mẫu sau thu thập: khoảng 3,3 triệu đồng; Xử lý và lưu trữ trong năm đầu tiên khoảng 21 triệu đồng. Và chi phí dành cho việc bảo quản từ năm thứ 2 trở đi 2,6 triệu đồng/năm.
Còn ở những bệnh viện tư nhân, chi phí lấy và lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cao hơn tính theo năm. Ví như lưu trữ máu cuống rốn 1 mẫu trong 1 năm là 5 triệu đồng; 5 năm là 15 triệu đồng; 10 năm là 29 triệu đồng, 15 năm 45 triệu đồng và 60 triệu đồng cho 20 năm lưu trữ. Tính sơ sơ qua, để lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn, các gia đình Việt cũng ít nhất bỏ ra chi phí khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm.