Thương hiệu mỹ phẩm giúp chuyên gia trang điểm Trung Quốc trở thành tỷ phú
Chuyên gia trang điểm nổi tiếng Trung Quốc, Mao Qua Bình, đã niêm yết công ty mỹ phẩm của mình tại Hồng Kông, trong bối cảnh các loại phấn và kem dưỡng da cao cấp của thương hiệu mang tên ông bán rất chạy bất chấp nhu cầu tiêu dùng giảm sút...
Công ty mỹ phẩm và chăm sóc da Mao Geping Cosmetics của cựu diễn viên, chuyên gia trang điểm Mao đã niêm yết vào thứ Ba (ngày 10/12), và huy động được 2,3 tỷ HKD (khoảng 300 triệu USD) từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sau khi mở rộng quy mô giao dịch, theo hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Đây là thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc đầu tiên niêm yết tại thành phố này và dự kiến sẽ có mức tăng mạnh nhất trong ngày đầu tiên đối với các công ty niêm yết tại Hồng Kông sau IPO với ít nhất 300 triệu USD trong 3 năm qua.
Theo Bloomberg Billionaires Index, điều đó đã mang lại cho Mao Geping (Mao Qua Bình) và vợ ông, phó chủ tịch công ty, khối tài sản khoảng 1,4 tỷ USD từ hơn 45% cổ phần của công ty, dựa trên mức giá chào bán cao nhất. Hai chị gái của Mao và một số người họ hàng khác cũng nắm giữ một cổ phần nhỏ hơn có thể trị giá khoảng 800 triệu USD, theo hồ sơ công ty.
Mao Qua Bình đã mô tả sản phẩm của mình là sự kết hợp giữa thẩm mỹ truyền thống phương Đông với khái niệm làm đẹp hiện đại trong buổi lễ niêm yết. "Chúng tôi sẽ tạo nên một đế chế làm đẹp quốc tế có nguồn gốc từ Trung Quốc", ông Mao nói.
Khác với nhiều thương hiệu mỹ phẩm Trung Quốc tập trung vào phân khúc giá rẻ trong bối cảnh suy thoái kinh tế, Mao Geping Cosmetics giữ giá sản phẩm gần tương đương với các nhãn hiệu quốc tế cao cấp. Ví dụ, phấn nén bán chạy nhất của công ty có giá 380 NDT (52 USD), trong khi sản phẩm tương tự của Nars, thuộc sở hữu của Shiseido, có giá 390 NDT, trong khi hầu hết các thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung thường bán sản phẩm tương tự với giá dưới 200 NDT.
Doanh thu của công ty đã tăng trên 40% trong nửa đầu năm, tiếp nối mức tăng trưởng trung bình 35% từ năm 2021 đến 2023. Tăng trưởng của công ty vượt qua sự suy giảm khi các gã khổng lồ mỹ phẩm nước ngoài như L’Oreál và Shiseido đang gặp khó khăn với doanh số không đạt kỳ vọng tại Trung Quốc, khi người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm và chuyển sang các thương hiệu nội địa giá rẻ.
Trước khi chuyển sang ngành mỹ phẩm, Mao Qua Bình là một nghệ sĩ biểu diễn tại Đoàn kịch Nhạc Việt Chiết Giang (Hàng Châu) vào năm 1983. Sau đó, ông nổi tiếng khi trở thành chuyên gia trang điểm cho Lưu Hiểu Khánh, một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Chuyên gia trang điểm năm nay 60 tuổi này được ví như có “bàn tay ma thuật” khi tạo hình cho nhân vật của Lưu Hiểu Khánh từ trẻ đến già trong bộ phim "Võ Tắc Thiên". Phim ghi hình cách đây 30 năm, trang The Paper nhận xét cả về mặt trang phục, đạo cụ, hóa trang, đến nay tác phẩm không bị lỗi thời, và một phần công lao là nhờ tài trang điểm của Mao Qua Bình. Bấy giờ, công nghệ chỉnh sửa hình ảnh chưa phát triển, vai trò của chuyên gia trang điểm mang tính quyết định, đặc biệt với vai Võ Tắc Thiên. Đây là lần đầu trong lịch sử phim Trung Quốc, một minh tinh hóa thân nhân vật từ lúc thiếu nữ đến độ 80 tuổi.
Năm 2000, Mao ra mắt thương hiệu của mình và trường dạy trang điểm mang tên mình tại Hàng Châu, sau đó mở rộng sang Thượng Hải 3 năm sau đó bằng cách thiết lập một quầy mỹ phẩm tại một trong những trung tâm thương mại cao cấp của thành phố. Từ năm 2018, công ty đã mạnh dạn đầu tư vào thương mại điện tử đồng thời duy trì hiện diện tại hơn 300 quầy hàng trong các trung tâm thương mại. Điều này giúp xây dựng trải nghiệm khách hàng trực tiếp và gìn giữ vị thế cao cấp của thương hiệu.
Chiến lược marketing đầy sáng tạo, bao gồm việc hợp tác với đội tuyển quốc gia Trung Quốc tại Thế vận hội Paris, và sự hiện diện trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc và Xiaohongshu, một nền tảng truyền thông xã hội tương tự như Instagram, đã giúp ông khai thác tinh thần dân tộc và xây dựng thương hiệu.
Các yếu tố khác như sự liên quan văn hóa và sức hút của người sáng lập – được mênh danh là “phù thủy trang điểm” Trung Quốc - chính là "công thức tốt để tiếp tục phát triển trong một ngành cạnh tranh", theo Olivia Plotnick, người sáng lập công ty marketing trên mạng xã hội Wai Social tại Thượng Hải.
Tuy nhiên, việc niêm yết của Mao Geping Cosmetics sẽ là một phép thử về tâm lý thị trường đối với phân khúc mỹ phẩm nội địa của Trung Quốc, nơi chứng kiến một số thương hiệu cao cấp phương Tây đã sụt giảm doanh thu trong những năm gần đây khi cạnh tranh gia tăng và nhu cầu mua sắm tại đại lục giảm sút nghiêm trọng trong suy thoái kinh tế. Dù vậy, điểm sáng là trong những năm gần đây, thói quen chi tiêu của Trung Quốc đã mang một xu hướng dân tộc chủ nghĩa “guochao” (quốc hiệu) được dẫn dắt bởi chính phủ, dẫn đến làn sóng ủng hộ cho các thương hiệu trong nước.
Trên thị trường mỹ phẩm Trung Quốc, từ lâu vốn do các sản phẩm phương Tây và Nhật Bản thống trị, giờ đây sự phát triển của các thương hiệu nội địa ngày càng trở nên rõ rệt. Dù vậy, 5 thương hiệu hàng đầu trên thị trường mỹ phẩm cao cấp tại Trung Quốc đại lục đều là thương hiệu nước ngoài, cùng nhau nắm giữ 32,1% tổng thị phần trong phân khúc bán lẻ này vào năm 2023.
Năm ngoái, Mao Geping Cosmetics xếp thứ 12 trong số các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp tại Trung Quốc xét theo doanh số bán lẻ, trích dẫn dữ liệu từ công ty nghiên cứu và tư vấn Frost & Sullivan của Hoa Kỳ.
Với những biến động cam go của thị trường, các thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung đã nắm bắt và tận dụng cơ hội tăng trưởng trên các nền tảng thương mại điện tử như Douyin. Theo dữ liệu từ Feigua Data, doanh thu của ngành hàng mỹ phẩm trên Douyin đã đạt 13,6 tỷ USD (97,7 tỷ NDT) trong nửa đầu năm nay, tăng 28% so với năm trước. Với tốc độ phát triển này, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của ngành làm đẹp trên Douyin có thể vượt qua ngưỡng 27,8 tỷ USD (200 tỷ NDT) trong năm 2024, báo hiệu khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với phân khúc mỹ phẩm của Taobao.
Trong lễ hội mua sắm 618 năm nay, trong khi doanh thu chung của ngành mỹ phẩm “tụt dốc” thì ngược lại, doanh số sản phẩm của ngành hàng làm đẹp trên Douyin lại tăng 107% so với năm ngoái. Con số này thể hiện sâu sắc vai trò của Douyin không chỉ là một trung tâm tiếp thị lớn mà còn là “đòn bẩy vàng” thúc đẩy thành công của các thương hiệu mỹ phẩm.
Các thương hiệu nội địa thống trị doanh số mỹ phẩm trên Douyin trong nửa đầu năm bao gồm vị trí đầu bảng là Kans và Proya giữ vị trí thứ 2. Bên cạnh đó, Guyu (cũng đứng vị trị thứ 8 trên bảng xếp hạng. Trung Quốc đã có một năm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng do căng thẳng kinh tế, tuy nhiên, các thương hiệu nội địa vẫn thành công đưa doanh số tăng trưởng mạnh thông qua khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh trên các nền tảng cá nhân hóa nội dung kĩ thuật số như Douyin hay Xiaohongshu.