Chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây ảnh hưởng đến những doanh nghiệp mỹ phẩm nào?
Tổng thống đắc cử Donald Trump từng gọi thuế quan là “từ ngữ đẹp nhất.” Nếu ông thực hiện các chính sách áp thuế nặng nề lên hàng hóa sản xuất ở nước ngoài như đã hứa, ngành làm đẹp chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề…
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề xuất áp thuế lên đến 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 20% đối với các thị trường khác như châu Âu, nhằm khuyến khích các công ty Mỹ hợp tác với các doanh nghiệp nội địa. Theo tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington là Tax Foundation, các mức thuế được đề xuất này có thể làm tăng khoản thu thuế lên 524 tỷ USD mỗi năm và giảm ít nhất 0,8% GDP của Mỹ, chưa kể đến khả năng xảy ra các biện pháp trả đũa hoặc một cuộc chiến thương mại toàn diện. Nếu chính sách thuế quan này được thực thi, ngành làm đẹp sẽ chịu tác động lớn, mặc dù một số doanh nghiệp có thể thích nghi tốt hơn so với những doanh nghiệp khác.
DOANH NGHIỆP NÀO DỄ BỊ TỔN HẠI NHẤT?
Những thương hiệu mỹ phẩm phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất tại nước ngoài, đặc biệt tại Trung Quốc, sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. E.l.f Beauty sẽ là một trong những thương hiệu dễ bị ảnh hưởng nhất bởi chính sách thuế quan nặng nề nêu trên, do khoảng 80% sản phẩm bán ra tại Mỹ của hãng được sản xuất tại Trung Quốc. Chuỗi cung ứng ở nước ngoài đã giúp thương hiệu này giữ mức giá thấp — phần lớn sản phẩm có giá dưới 10 USD. Tuy nhiên, từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, với việc áp dụng mức thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2019, E.l.f đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung để giảm sự phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc, từ 99% xuống còn khoảng 80%, theo chia sẻ của giám đốc tài chính Tarang Amin trong một cuộc họp với các nhà phân tích vào tháng 8 vừa qua.
“Để bù đắp mức thuế đó, chúng tôi đã sử dụng một số chiến lược đã được chuẩn bị sẵn. Chúng tôi tiết kiệm chi phí từ các nhà cung cấp, đàm phán để được giảm giá từ họ, và tận dụng sự thay đổi có lợi trong tỷ giá ngoại hối,” Amin nói, đồng thời cho biết thêm rằng công ty cũng đã tăng giá sản phẩm thêm khoảng một vài USD.
Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị và điện tử làm đẹp tại Trung Quốc, chẳng hạn như mặt nạ LED và máy tạo kiểu tóc của các thương hiệu nổi tiếng như Current Body và Shark, cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan. Jolie, một công ty cung cấp bộ lọc vòi sen sản xuất tại Trung Quốc với cam kết rằng sản phẩm mang lại lợi ích cho da và tóc, cho biết họ sẽ buộc phải tăng giá sản phẩm lên 24%, thành 205 USD cho mỗi bộ lọc nếu mức thuế quan này được áp dụng.
CÔNG TY NÀO SẼ “AN TOÀN”?
Ngược lại, một số công ty như Estée Lauder Companies sở hữu nhiều nhà máy sản xuất nội địa, trong đó nhà máy lớn nhất đặt tại Melville, Long Island. Hai phần ba sản phẩm của L’Oréal bán ra tại Mỹ cũng được công ty này sản xuất ngay trên đất Mỹ, với trung tâm sản xuất chính đặt tại North Little Rock, Arkansas.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiềm tàng vẫn có thể lan rộng. Nhiều thành phần và nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm và bao bì hiện nay đa phần được nhập khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc, Ý, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các dòng nước hoa nổi tiếng như Lancôme Idole, Marc Jacobs Daisy và Boss Hugo Boss được các công ty châu Âu như Givaudan và Firmenich sản xuất. Trong khi đó, nhà sản xuất chai nước hoa Verescence của Pháp cũng cung cấp sản phẩm cho các thương hiệu lớn như L’Oréal.
Hiện tại, chưa rõ liệu các mức thuế quan đề xuất có được áp dụng hay không, và nếu có, liệu chúng sẽ áp dụng cho tất cả nguyên vật liệu hay chỉ với sản phẩm hoàn chỉnh. Trong thời gian chờ đợi, các thay đổi này có thể là bài kiểm tra sức bền của chuỗi cung ứng và biên lợi nhuận của nhiều công ty mỹ phẩm, đồng thời buộc họ phải gia tăng ngân sách hoạt động tại Mỹ.
“Các công ty lớn với nhiều ngành kinh doanh đa dạng, nhiều cơ sở sản xuất trong nước và có nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí có thể tìm cách để ứng phó,” Lauren Lieberman, giám đốc điều hành tại ngân hàng đầu tư Barclays, nhận định. Một công ty lớn như Estée Lauder Companies, với nhiều nhà máy sản xuất tại Mỹ, có thể vượt qua bằng cách chi tiêu mạnh hơn so với các đối thủ khác. “Nhưng với các công ty nhỏ hơn, điều này sẽ khó khăn hơn nhiều.”
Với các công ty sản xuất một phần sản phẩm ở nước ngoài và một phần tại Mỹ, việc đảm bảo các nhà máy trong nước có thể xử lý khối lượng sản xuất tăng lên là yếu tố then chốt. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ tác động đến nguyên liệu thô và các thành phần đầu vào. Những doanh nghiệp sở hữu chuỗi cung ứng linh hoạt và quy trình mua sắm nhanh nhạy sẽ có lợi thế lớn, đặc biệt là các công ty đã có sẵn khoảng dư trong biên lợi nhuận.
Lauren Lieberman đưa ra ví dụ về Procter & Gamble (P&G) – công ty sở hữu các thương hiệu phổ thông như dòng sản phẩm chăm sóc da Olay và sản phẩm chăm sóc tóc Herbal Essences. Theo bà, P&G đang ở vị thế mạnh nhờ phần lớn sản phẩm bán ra tại Mỹ được sản xuất ngay trong nước.
“Họ có một chuỗi cung ứng cực kỳ linh hoạt và có thể chuyển đổi sản xuất cũng như nguồn cung ứng theo nhu cầu,” Lauren Lieberman nhận định. Những công ty có khả năng điều chỉnh nhanh chóng, đàm phán với nhà cung cấp để đạt được các thỏa thuận nhượng bộ hoặc thậm chí chuyển dịch sản xuất, sẽ là những người chiến thắng trong bối cảnh này.
Nếu các thương hiệu có chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng từ thuế quan buộc phải tăng giá để bảo vệ biên lợi nhuận, họ sẽ đối mặt với nguy cơ mất đi khách hàng. Bất kỳ đợt tăng giá nào khác sẽ cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Mặc dù các thương hiệu có thể tăng giá để bù đắp tác động từ thuế quan, thậm chí tạo thêm tăng trưởng doanh thu, nhưng người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm với việc tăng giá, nhất là khi tăng trưởng tại Mỹ đã bắt đầu chững lại, khi khách hàng tìm kiếm các ưu đãi tốt hơn và xu hướng tiêu dùng dần có ý thức hơn.
Chuỗi cung ứng và quy trình mua sắm có thể không phải là những yếu tố thu hút nhiều sự chú ý trong quá trình phát triển một công ty mỹ phẩm, nhưng trong thời kỳ bất ổn, chúng có thể trở thành yếu tố quyết định giữa một quý kinh doanh có lợi nhuận và một quý gặp áp lực về tài chính.