12:29 19/11/2024

Mỹ phẩm Trung Quốc mạnh tay khai thác thị trường Việt Nam

Băng Hảo

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Với dân số trẻ, yêu công nghệ, cùng tốc độ tăng trưởng Internet cao, Việt Nam trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử hấp dẫn nhất Đông Nam Á…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công ty Phân tích dữ liệu YouNet ECI vừa công bố báo cáo Dự báo xu hướng tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2025 – 2028. Đến từ các thành phố tại Việt Nam, có đến 62,8% người tiêu dùng số chốt đơn trên các sàn thương mại điện tử ít nhất một lần mỗi tuần. Thu nhập khác nhau dẫn đến sự khác biệt rõ rệt giữa các thế hệ về tần suất mua sắm, mức chi tiêu, danh mục sản phẩm yêu thích và cách ra quyết định khi mua sắm trực tuyến. Xét theo độ tuổi, nhóm mua sắm hàng tuần có 53,4% thuộc Gen Z.

TỶ LỆ “CHỐT ĐƠN” CAO

Đáng lưu ý, theo thông tin từ hãng dữ liệu YouNet ECI vừa công bố, 5 thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung Quốc đã gặt hái tổng cộng tới 26 triệu USD, tương đương hơn 660 tỉ đồng trên bốn sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Đó là các sản phẩm bán trên sàn Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki, tính từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024.

Cụ thể, top 5 thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung được khách Việt săn đón, chốt đơn trên kênh online bao gồm: Focallure, Colorkey, Judydoll, Perfect Diary và Zeesea. Các nhãn hàng này bán son môi, phấn mắt, kem nền, phấn phủ, mascara, bảng phấn mắt, chì kẻ mày, mặt nạ dưỡng da mặt... Riêng trong tháng 8/2024, tổng giá trị giao dịch của Top 5 thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung đã đạt 3,5 triệu USD (gần 89 tỷ đồng), tăng trưởng 180% so với tháng 9/2023. YouNet ECI cho biết đà tăng trưởng sẽ càng lúc càng cao hơn nữa.

Top 5 thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung được khách Việt săn đón, chốt đơn trên kênh online bao gồm: Focallure, Colorkey, Judydoll, Perfect Diary và Zeesea. 
Top 5 thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung được khách Việt săn đón, chốt đơn trên kênh online bao gồm: Focallure, Colorkey, Judydoll, Perfect Diary và Zeesea. 

Công cụ lắng nghe mạng xã hội của YouNet Media cũng cho biết xuất hiện gần 600.000 thảo luận, hơn 21 triệu lượt tương tác liên quan đến top 5 thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung kể trên, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 8/2024. Các cuộc thảo luận trên chủ yếu được tạo ra bởi người dùng trong độ tuổi 18 - 34. Đáng chú ý, có hơn 50% người tham gia thảo luận về các dòng mỹ phẩm nội địa Trung là Gen Z. 

Để khai thác thị trường Việt Nam, đánh mạnh vào giới trẻ, nhiều hãng mỹ phẩm Trung Quốc đã mạnh tay chi tiền cho hàng loạt người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo, livestream bán hàng như: Võ Hà Linh, Hằng Du Mục, Phạm Thoại, Call Me Duy (Vũ Duy)... 

Trong khi đó, theo báo cáo thị trường Sản phẩm thương hiệu làm đẹp nội địa Trung Quốc từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/8/2024 của Metric, tổng doanh thu đến từ mỹ phẩm Trung trên 3 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada và Tiki tại Việt Nam đạt 1.005 tỷ đồng. Ngành hàng này tăng trưởng gấp khoảng 3 lần từ năm ngoái đến năm nay, đạt đỉnh doanh thu gần 100 tỷ đồng vào tháng 1/2024. Các nhãn hàng phổ biến trong danh mục này bao gồm Focallure, Perfect Diary, Colorkey…

Metric nhận định, sự bùng nổ của các xu hướng làm đẹp trên TikTok và Douyin trong khoảng một năm trở lại đây đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ trào lưu sử dụng mỹ phẩm nội địa Trung Quốc. Các video hướng dẫn trang điểm, review sản phẩm và thử thách làm đẹp trên các nền tảng này đã tạo nên làn sóng mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng, đặc biệt là giới trẻ.

Báo cáo từ Statista dự báo doanh thu ngành mỹ phẩm Việt Nam sẽ đạt 2,66 tỷ USD trong năm 2024, với các kênh thương mại điện tử chiếm 20,2% và dự kiến tăng lên 24% vào năm 2027. Sự phát triển của hoạt động livestream và bán hàng đa kênh có thể đẩy tỷ lệ này cao hơn nữa. 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, với nữ giới chiếm 50,1% trong tổng dân số 100,3 triệu người, trong đó độ tuổi từ 15 đến 59 chiếm 62,2% vào năm 2023. Điều này cho thấy nhu cầu làm đẹp ở Việt Nam đang rất lớn, do đó các thương hiệu Trung Quốc không ngại quảng bá trên các sản thương mại điện tử và mạnh tay chuyển hàng thẳng từ kho Trung Quốc đến tận tay khách hàng Việt Nam.

Mỹ phẩm Trung Quốc mạnh tay khai thác thị trường Việt Nam - Ảnh 1

TIỀM NĂNG CHI TIÊU CỦA KHÁCH HÀNG TRẺ

“Trong thời đại Shoppertainment, các xu hướng mạng xã hội sẽ không chỉ giúp nhận diện thương hiệu, mà còn có khả năng chuyển hóa thành hiệu quả kinh tế ”, bà Mai Cẩm Linh, Giám đốc kinh doanh YouNet Media, đánh giá. Phân tích kỹ hơn chân dung nhóm khách hàng Gen Z, bà Mai Cẩm Linh chỉ ra rằng họ lớn lên trong kỷ nguyên số, nơi mà việc tiếp cận vô vàn thông tin, xu hướng và phong cách sống rất dễ dàng. Vì thế, họ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mạng xã hội, công nghệ, đặc biệt là tính kết nối toàn cầu.

Tại Việt Nam, nhóm khách hàng này đang mua sắm trực tuyến trung bình 1 - 3 lần mỗi tuần, giá trị đơn hàng dao động 100.000 - 500.000 đồng/lần. Sản phẩm chủ yếu thuộc nhóm thời trang, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân. Theo dữ liệu từ YouNet ECI, ước tính tới năm 2028 giá trị trung bình giỏ hàng của Gen Z cho ba ngành hàng thời trang, sắc đẹp và chăm sóc cá nhân đạt 28,8 USD/giỏ hàng (khoảng 730.000 đồng). Tổng chi tiêu của thế hệ trẻ này trên sàn thương mại điện tử sẽ tăng từ 4 tỉ USD năm 2023 lên 20,3 tỉ USD vào năm 2028.

“Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ với Gen Z là các cộng đồng, nơi mọi người có thể không biết nhau nhưng vẫn cảm thấy gắn kết chặt chẽ, thông qua sở thích và giá trị chung. Ví dụ điển hình là cộng đồng những người hâm mộ K-pop, hay gần đây nhất là những người đam mê chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai”, bà Linh lấy ví dụ.

Khi lướt MXH mỗi ngày, Gen Z sẽ dễ dàng chìm đắm vào các idol, hoặc các nhà sáng tạo nội dung mà họ ưa thích. Những người này sẽ quảng bá nhiều món đồ xinh đẹp, mới mẻ, kèm theo nhiều voucher độc quyền hấp dẫn trên nền tảng thương mại điện tử. Điều này dẫn đến việc Gen Z chốt đơn không ngại ngần, “dễ mở ví” đến mức các thế hệ trước khó hình dung được.

Tại Việt Nam, Gen Z đang mua sắm trực tuyến trung bình 1 - 3 lần mỗi tuần, giá trị đơn hàng dao động 100.000 - 500.000 đồng/lần.
Tại Việt Nam, Gen Z đang mua sắm trực tuyến trung bình 1 - 3 lần mỗi tuần, giá trị đơn hàng dao động 100.000 - 500.000 đồng/lần.

Ngay sau Gen Z là Gen Millennials cũng là đối tượng có nhu cầu mua sắm khá cao. Thậm chí đơn hàng của Gen Millennials còn có giá trị cao hơn Gen Z do có sự nhỉnh hơn về tiềm năng kinh tế. Giá trị trung bình mỗi đơn hàng của Gen Millennials lên đến 125 USD, cao hơn nhiều so với Gen Z. Ngoài các sản phẩm chăm sóc cá nhân như thời trang và làm đẹp, thế hệ Millennials còn chi nhiều cho các sản phẩm điện gia dụng và điện tử tiêu dùng.

Nhằm tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng trẻ, chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp nên hợp tác với người có tầm ảnh hưởng để tổ chức các buổi livestream tương tác trực tuyến, tung ưu đãi độc quyền nhằm tạo trải nghiệm hấp dẫn. Đồng thời hợp tác các micro-influencers (người có tầm ảnh hưởng trên mạng, sở hữu từ 10.000 - 100.000 người theo dõi) có lối sống phù hợp, giúp kết nối Gen Z tốt hơn. 

“Xét về động lực mua hàng, Gen Z không chỉ đơn giản là mua sản phẩm. Thông qua mua sắm, họ mong muốn thể hiện bản thân và kết nối với những người cùng quan điểm, sở thích. Mọi người có thể thấy các bạn trẻ thường tụ họp để bàn luận về những món đồ độc lạ, hoặc “khoe chiến tích” săn sale nửa đêm ”, bà Mai Cẩm Linh chia sẻ tại buổi họp báo hôm 14/11 về tương lai thương mại điện tử tại Việt Nam.