09:49 03/11/2010

Tồn kho “hạ nhiệt”, công nghiệp bật tăng trở lại

Anh Quân

Sự ảm đạm duy trì trong suốt quý 3 có thể đã chấm dứt khi công nghiệp đang đứng trước khả năng tăng trưởng cao hơn

Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 có thể tăng 4% so với tháng 9, cao nhất kể từ tháng 4 - Ảnh: Bobi.
Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 có thể tăng 4% so với tháng 9, cao nhất kể từ tháng 4 - Ảnh: Bobi.
Sự ảm đạm duy trì trong suốt quý 3 có thể đã chấm dứt khi công nghiệp đang đứng trước khả năng tăng trưởng cao hơn.

Theo một báo cáo vừa được Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10/2010 theo giá so sánh 1994 ước đạt 72,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung 10 tháng năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 645,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ.

Cho dù sản xuất công nghiệp tháng 10 vẫn thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của 10 tháng, nhưng nếu nhìn vào mức tăng trưởng so với tháng 9, đây có thể là thời điểm đánh dấu sự tăng tốc trở lại của lĩnh vực chiếm tỷ trọng gần 41% GDP này.

Duy trì xu hướng giảm liên tiếp trong 3 tháng quý 3/2010, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đi từ mức tăng 3,4% của tháng 7 so với tháng 6, xuống mức 1% trong tháng kế tiếp, để rồi chỉ còn tăng có 0,3% trong tương quan so sánh giữa tháng 9 và 8/2010.

Tuy nhiên, dự báo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho rằng, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp so với tháng trước đó sẽ được cải thiện trong tháng 10, ở mức 4%, cao nhất kể từ tháng 4/2010 trở lại đây.

Một phần do sản xuất công nghiệp giảm tăng trưởng trong 3 tháng quý rồi, tồn kho dường như đã “hạ nhiệt” đôi chút. Tại thời điểm 1/10, chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến so với cách đó 1 năm chỉ còn tăng 30,2%, thấp hơn khoảng 7-8 điểm phần trăm so với cũng chỉ tiêu này tại các bản báo cáo của 3 tháng trước đó.

Mặc dù vẫn có những sản phẩm chỉ số tồn kho tăng hơn 5 lần cùng kỳ (nước quả các loại), nhưng cũng đã xuất hiện một số sản phẩm tồn kho giảm, thậm chí chỉ bằng  một nửa đến 1/3 so với cùng thời điểm năm 2009.

Những quan ngại về khả năng tiêu thụ khó khăn ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp dường như đã vợi đi từ tháng này, một số sản phẩm công nghiệp có thể sẽ tăng mạnh trở lại trong giai đoạn nước rút thực hiện kế hoạch cuối năm nay.

Nhìn về phía trước, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư đang tiến về giai đoạn tăng có tính chu kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2010 còn tăng 15% so với cùng kỳ (đã loại trừ yếu tố giá). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu liên tục duy trì mức trên 6 tỷ USD/tháng trong suốt 6 tháng gần đây.

Vào tháng trước, vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng năm 2010 được công bố tăng 19,8% so với cùng kỳ. Những số liệu mới nhất cho thấy dòng vốn đầu tư chảy vào nền kinh tế tiếp tục tăng khá, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tính đến tháng 10 đã bằng 90,5% kế hoạch năm; giải ngân vốn FDI đạt 9 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ...

Tuy nhiên, vẫn chưa hẳn đã hết những lực cản. Trong 2 tháng gần đây, lạm phát đã tăng mạnh trở lại, hạn chế sức mua của tiền đồng. Tiêu dùng xã hội đã có tháng thứ 5 liên tiếp giảm tăng trưởng, từ mức tăng 26,9% của 5 tháng đầu năm so cùng kỳ xuống còn 25,1% trong so sánh 10 tháng 2010 với 10 tháng 2009.

Với sản xuất, nhiều khoản vay từ đầu năm đã đến thời điểm cần “nối dài” để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất cho vụ cuối năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn đang duy trì ở mức khá cao và khả năng tiếp cận chưa phải đã thông thoáng với đa số doanh nghiệp sản xuất.

Giá một số nguyên liệu đầu vào sản xuất bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt là một số mặt hàng có ngồn gốc nhập khẩu. Ngoài ra, thiên tai và khả năng cung ứng điện vẫn còn đó những trở ngại cho sản xuất công nghiệp các tháng tới.