08:07 17/05/2023

TP.HCM triển khai 20 mô hình điểm phục vụ chuyển đổi số

Hồng Vinh

20 mô hình điểm phục vụ chuyển đổi số bao gồm mô hình triển khai dịch vụ công, công dân số, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, an sinh xã hội, ứng dụng VNeID, đào tạo online…

TP.HCM triển khai 20 mô hình điểm phục vụ chuyển đổi số. (Ảnh minh họa).
TP.HCM triển khai 20 mô hình điểm phục vụ chuyển đổi số. (Ảnh minh họa).

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các mô hình điểm tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt Đề án 06) phục vụ chuyển đổi số tại TP.HCM. 

Theo kế hoạch, UBND TP.HCM xác định mục đích nhằm tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng các “Mô hình điểm” về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, Chỉ thị số 05/CT-TTg tại TP.HCM trong năm 2023 và các năm tiếp theo và các Kế hoạch của UBND TP.HCM;

Đồng thời, các mô hình điểm này sẽ phát huy vai trò của Tổ công tác triển khai Đề án 06 tại cơ sở và Tổ công nghệ số cộng đồng là “hạt nhân” trong hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số; nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phù hợp, thống nhất với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thời gian bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 4/2023. Nội dung thực hiện ứng dụng tài khoản định danh VNeID để đăng nhập các hệ thống thông tin dùng chung cho dịch vụ công, một cửa điện tử, ứng dụng di động, hệ thống chuyên ngành các sở thuộc Thành phố (SSO);

Cụ thể, triển khai 20 mô hình điểm phục vụ chuyển đổi số bao gồm: mô hình triển khai dịch vụ công; công dân số; mô hình thanh toán không dùng tiền mặt; an sinh xã hội; mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử và ứng dụng VNeID; đào tạo online cho cán bộ, công chức; triển khai phần mềm lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú (ASM); mô hình hình tuyên truyền của địa phương; mô hình tuyên truyền đối với cán bộ, công chức, viên chức; mô hình tại bộ phận một cửa; mô hình triển khai tại các nhà cho thuê, khu công nghiệp, khu chế xuất; mô hình triển khai lưu trú tại các bệnh viện; mô hình triển khai tại các nhà ga, bến tàu, khu di tích; mô hình triển khai tại các cơ sở hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh thông tin; mô hình triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực; mô hình triển khai tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn; triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe; kiểm soát khu công nghiệp, nhà máy; cấp chữ ký số cho công dân trên ứng dụng VNeID và mô hình này ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh quốc gia để đánh giá, phân tích dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách, xã hội cho Thành phố. 

ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ PHỤC VỤ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” năm 2023 trên địa bàn thành phố. Mục tiêu là tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản việc xây dựng xã hội học tập trong năm 2023, bảo đảm mục tiêu đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. 

Lớp học tình thương Hòa Hảo mang con chữ đến với trẻ em nghèo. (Ảnh minh họa).
Lớp học tình thương Hòa Hảo mang con chữ đến với trẻ em nghèo. (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ như xóa mù chữ và phổ cập giáo dục. Duy trì bền vững kết quả 100% các quận, huyện và thành phố trực thuộc đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì bền vững kết quả 100% các quận, huyện và thành phố trực thuộc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; duy trì bền vững kết quả 100% các quận, huyện và thành phố trực thuộc đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; duy trì bền vững kết quả 100% các quận, huyện và thành phố trực thuộc đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, trong đó có 80% các quận, huyện và thành phố trực thuộc đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, mục tiêu 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 25% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 12% dân số có trình độ đại học trở lên.

Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, mục tiêu 70% các trường đại học trên địa bàn Thành phố có triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 40% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 100% trung tâm học tập cộng đồng được trang bị máy tính có kết nối mạng; TP Thủ Đức và các quận, huyện có ít nhất 1 trung tâm học tập cộng đồng chọn làm điểm để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục...

Xây dựng các mô hình học tập trong xã hội, mục tiêu 60% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 55% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 55% cộng đồng (tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 60% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn phường, xã, thị trấn được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”;...

Được biết, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện Đề án, có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch.