09:10 10/05/2023

Việt Nam phục hồi du lịch thông qua thúc đẩy chuyển đổi số

Tường Bách

Đối với từng địa phương và doanh nghiệp, chuyển đổi số ngành du lịch không chỉ là một chiến lược tùy chọn mà dần trở thành một thông lệ tất yếu phải được thực hiện để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của khách hàng... 

Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, cho dù là nền tảng với khả năng thực tế tăng cường ở Thanh Hóa, hay phần mềm tiếp thị kết hợp của TP.HCM, phát triển công nghệ tiên tiến chính là trọng tâm của các kế hoạch sắp tới tại Việt Nam.

CHỦ ĐỀ CỦA HỘI NGHỊ NGÀNH DU LỊCH THẾ GIỚI 2023

Ngày 4/5 vừa qua, “Hội nghị Ngành Du lịch thế giới - WTIC 2023” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA) phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc). Hội nghị Ngành Du lịch thế giới lần thứ 2 năm 2023 có chủ đề “Phục hồi du lịch thông qua thúc đẩy chuyển đổi số và mở rộng quy mô đổi mới”.

Tại phiên khai mạc, ông Harry Hwang, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNWTO đã cập nhật những thông tin và xu hướng du lịch mới. Đồng thời đưa ra một số khuyến nghị để khôi phục du lịch bền vững, như nhanh chóng thích ứng với những thay đổi về hành vi và nhu cầu của du khách; tăng cường hỗ trợ điểm đến, cộng đồng và doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ các bên cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp chuyển đổi số và thu hút đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết trong giai đoạn dịch bệnh, ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng linh hoạt và duy trì hoạt động. Nhiều sản phẩm du lịch thông minh đã ra đời, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Các chương trình quảng bá trực tuyến đã được triển khai, góp phần duy trì hình ảnh du lịch Việt Nam đến với bè bạn và du khách quốc tế, tạo thêm cảm hứng và động lực cho khách đến Việt Nam sau đại dịch.

Các nội dung liên quan chuyển đổi số rất đa dạng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, số hóa tài liệu, số hóa điểm đến...
Các nội dung liên quan chuyển đổi số rất đa dạng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, số hóa tài liệu, số hóa điểm đến...

Tổng cục trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến chuyển đổi số, thể hiện qua việc ban hành nhiều văn bản, chính sách, định hướng cũng như đầu tư nguồn lực. Hiện nay, công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam trên các nền tảng trực tuyến của Tổng cục Du lịch đang được tập trung đẩy mạnh, bao gồm: website vietnamtourism.gov.vn hỗ trợ công tác quản lý nhà nước; website vietnam.travel quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế; cùng với các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Instagram...

Đặc biệt, website vietnam.travel đã tăng hạng mạnh trên thế giới, hiện nay xếp hạng #128 nghìn trên toàn cầu, ở Đông Nam Á chỉ xếp sau website du lịch Singapore (hạng #79 nghìn) và tương đương website du lịch Thái Lan (hạng #126 nghìn). So với thời điểm cuối năm 2021 website đã tăng hạng đột phá 447 nghìn bậc.

NGAY CẢ DU KHÁCH CŨNG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa, với du lịch Việt Nam, các nội dung chuyển đổi số hướng tới ba đối tượng chính là cơ quan quản lý, doanh nghiệp và du khách. Các nội dung liên quan chuyển đổi số rất đa dạng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, số hóa tài liệu, số hóa điểm đến, hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu và dịch vụ dùng chung ngành du lịch, xây dựng, nâng cấp các phần mềm chuyên ngành hướng tới hiện đại hóa và quảng bá thông tin du lịch theo các định hướng chuyển đổi số...

Dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR trong quá trình tham quan Đại Nội Huế.
Dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR trong quá trình tham quan Đại Nội Huế.

Với rất nhiều nội dung cần triển khai theo lộ trình, ngành du lịch các địa phương đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số, mang lại ngày càng nhiều tiện ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước, du khách và doanh nghiệp. Tại Quảng Ninh thời gian qua, việc chuyển đổi số đã được các cấp ngành quan tâm mạnh mẽ. Hiện nay, 165 điểm trong tổng số 370 điểm di tích tại 13 địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã được số hóa và gắn mã QR. Để tiếp tục nâng cao trải nghiệm cho du khách, Quảng Ninh đang phấn đấu sẽ số hóa và gắn mã QR tại 100% địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Đồng Tháp - địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long – cũng đang số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến du lịch, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Cổng thông tin du lịch Đồng Tháp và ứng dụng du lịch thông minh tại địa chỉ du lich.dongthap.gov.vn đang được vận hành hiệu quả, mỗi ngày thu hút khoảng 3.000 - 4000 lượt khách truy cập. Một số khu di tích, điểm du lịch như: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp, Khu du lịch Tràm Chim… đều đã triển khai ứng dụng tra cứu thông tin du lịch bằng mã QR.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số đối với di sản, nhiều địa phương, đơn vị bước đầu đã có những nỗ lực trong tiếp cận các thành quả công nghệ mới. Tiêu biểu như: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR 3D trong hoạt động tham quan tại Hoàng Thành. Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, Ban Quản lý di sản đã xây dựng sản phẩm du lịch thông qua thế giới ảo Metaverse. Thanh Hóa cũng áp dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường trên ứng dụng điện thoại thông minh để tái hiện sinh động Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thành nhà Hồ…

Thẻ Việt - Thẻ Du lịch thông minh là sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh của Việt Nam.
Thẻ Việt - Thẻ Du lịch thông minh là sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh của Việt Nam.

Ông Nguyễn Châu Á, tổng giám đốc Công ty Oxalis Adventure, xác nhận công nghệ đang thay đổi cách vận hành của ngành du lịch, bản thân mỗi du khách cũng không còn muốn phải qua những công ty trung gian với sản phẩm tour cố định mà thích tự thiết kế một chương trình riêng. Và với các công cụ có sẵn của các ứng dụng và nền tảng công nghệ, những thao tác này đang ngày càng trở nên dễ dàng.

Ông Vũ Ngọc Lâm, giám đốc Agoda Việt Nam, nhìn nhận công nghệ là yếu tố tác động đến hành vi thị trường du lịch trong thời gian qua. "Du khách Việt có xu hướng sử dụng công nghệ để săn được ưu đãi tốt và lên kế hoạch chuyến đi. Bằng cách sử dụng giải pháp fintech và AI, họ có thể tìm được những lựa chọn tốt nhất về chuyến bay, nơi lưu trú, hoạt động vui chơi chỉ trong một nền tảng".

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc điều hành Klook Việt Nam, hiện nay du khách khi quyết định du lịch một điểm đến nào đó, bước đầu tiên sẽ tìm kiếm khách sạn, đặt phòng online. Nếu họ tìm được loại phòng với giá phòng phù hợp, chính sách hủy phòng tốt, phương thức thanh toán thuận lợi thì quyết định đi sẽ diễn ra nhanh hơn.

Mới đây, nằm trong chương trình trọng điểm chuyển đổi số Quốc gia, ba sản phẩm chủ lực bao gồm: Thẻ Du lịch Quốc gia (Thẻ vật lý và thẻ số); Ứng dụng Du lịch Quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch” đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng du lịch tại Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên du lịch cũng như du khách trong và ngoài nước.