13:09 09/05/2023

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: "Đề án 06 phải đặt trong tổng thể chuyển đổi số quốc gia"

Minh Hà

Làm rõ cơ chế, phạm vi đầu tư mạng lưới trục đường truyền cấp quốc gia cho đến bộ ngành, địa phương; định mức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm trong quản trị dữ liệu…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi họp với các bộ, ngành về tình hình thực hiện Đề án 06 chiều 8/5. (Ảnh: VGP/Minh Khôi).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi họp với các bộ, ngành về tình hình thực hiện Đề án 06 chiều 8/5. (Ảnh: VGP/Minh Khôi).

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đối với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông tại buổi họp với các bộ, ngành về tình hình thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) chiều 8/5.

TIẾN TỚI CUNG CẤP CÁC APP THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, việc đạt được các mục tiêu của Đề án 06 là tiền đề hết sức quan trọng để tiến tới vận hành Chính phủ số, đi cùng với xã hội số, kinh tế số, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đề án 06 phải đặt trong tổng thể chuyển đổi số quốc gia.

 
"Đề án 06 phải xác định rõ những điều kiện để kết nối, thực hiện được ngay các dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều, có trọng tâm trọng điểm. Cần có chính sách đầu tư cho chuyển đổi số tập trung vào vào hạ tầng đường truyền, thiết bị, phần mềm và con người…"
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương có cách tiếp cận đồng bộ, bài bản trong triển khai, phát huy, mở rộng những kết quả đã đạt được của Đề án 06 vào chuyển đổi số quốc gia trên quan điểm "chính sách pháp luật phải đi trước một bước".

Cụ thể, Bộ Tư pháp phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong xây dựng Luật Giao dịch điện tử bao gồm giao dịch giữa chính quyền với công dân và các chủ thể khác; giữa công dân với các chủ thể khác; định hướng về mặt nguyên tắc trong sửa các luật liên quan.

Ngoài ra, theo mức độ sẵn sàng về hạ tầng kết nối, quy định pháp lý, nhân lực… đáp ứng chuyển đổi số, các bộ ngành, địa phương tập trung chuyển đổi quy trình, cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công từ trực tiếp sang môi trường điện tử. Đặc biệt, đối với những thủ tục được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều, vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiến tới cung cấp các ứng dụng (app) thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tương tác trực tuyến hiệu quả với chính quyền.

"Đề án 06 phải xác định rõ những điều kiện để kết nối, thực hiện được ngay các dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều, có trọng tâm trọng điểm. Quan trọng nhất là sự sẵn sàng của các bộ, ngành. Cần có chính sách đầu tư cho chuyển đổi số tập trung vào vào hạ tầng đường truyền, thiết bị, phần mềm và con người…", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

CẦN SỰ CHỈ ĐẠO Ở CẤP CAO NHẤT, GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT NHẤT

Việc mở rộng Đề án 06 xuống các địa phương, đến từng người dân đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chỉ đạo ở cấp cao nhất, với các giải pháp quyết liệt, trách nhiệm nhất.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương phân tích, chỉ ra những vấn đề, thách thức đang cản trở Đề án 06. Từ đó, xác định những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thách thức đặt ra, gắn với trách nhiệm, lộ trình thực hiện cụ thể.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông phải trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0 làm cơ sở pháp lý để Bộ Công an trình các cơ quan có thẩm quyền Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, nghiên cứu, đề xuất chính sách đầu tư cho chuyển đổi số vào hạ tầng đường truyền, thiết bị, phần mềm, con người; phương án đấu thầu, lựa chọn nhà thầu dịch vụ công nghệ thông tin khác với những gói thầu vật tư, thiết bị khác dựa trên đặc thù là tài sản, tài nguyên tri thức, mang tính sáng tạo. Bộ Tài chính đề xuất cơ chế mới về thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho rằng vai trò của cấp Trung ương là bảo đảm môi trường pháp lý để thực hiện trôi chảy các công đoạn đang làm trong quá trình chuyển đối số. Đồng thời, hạ tầng công nghệ phải được tiếp tục củng cố, quy hoạch bài bản, kết nối đồng bộ giữa Chính phủ với các địa phương, giữa các bộ, ngành, giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, người dân.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, cho hay Bộ Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương hoàn thành thủ tục ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn (thời hạn tháng 7/2023). Bộ sẽ thẩm định chặt chẽ kiến trúc Chính phủ điện tử của các bộ ngành để bảo đảm đồng bộ với kiến trúc Chính phủ điện tử quốc gia; tập trung đánh giá, công bố chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến các bộ ngành, địa phương và mức chi phí triển khai; Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông; Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0.

4 NHÓM VẤN ĐỀ GẶP VƯỚNG MẮC TRONG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 06

Theo báo cáo tại cuộc họp, 4 nhóm vấn đề gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương là: Pháp lý, hạ tầng công nghệ, dịch vụ công, nguồn lực triển khai Đề án.

Cụ thể, về pháp lý, nhiều bộ, ngành chưa hoàn thành việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư. Việc rà soát sửa đổi các văn bản dưới nghị định còn chậm, chưa công bố để các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, các địa phương chưa chủ động tái cấu trúc theo thẩm quyền thủ tục hành chính. Việc rà soát đề xuất chủ trương miễn, giảm phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến chưa hiệu quả…

Về hạ tầng công nghệ thông tin, cấp bộ chậm thực hiện theo các hướng dẫn về chuyển đổi số, về an ninh an toàn thông tin. Hệ thống thông tin chưa được liên kết đồng bộ, tổng thể, nhiều đơn vị còn có hệ thống phân tán; mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin không đồng đều. An ninh an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức, chưa ban hành quy trình, quy chế để quản lý khai thác và bảo mật thông tin…

Cùng với những tồn tại tương tự, các địa phương còn chưa đánh giá tổng thể hạ tầng để có kiến trúc tổng thể chuyển đổi số, triển khai hệ thống của các sở, ngành rời rạc, không tập trung được hạ tầng cũng như dữ liệu, dẫn đến việc thực hiện chuyển đổi số không hiệu quả trong các sở, ngành, lĩnh vực; chưa quyết liệt trong việc rà soát, bổ sung, đầu tư các thiết bị đầu cuối cần thiết…

Về dịch vụ công của địa phương, việc khai thác thông tin tự động điền biểu mẫu điện tử (eForm) chưa tạo được hiệu ứng tích cực để chuyển đổi trạng thái; chưa trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận tiện tại các bộ phận 1 cửa.

Trong khi đó, các địa phương thiếu chủ động tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho lực lượng quản trị, vận hành các hệ thống và phổ cập kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản cho cán bộ để có thể sử dụng thành thạo phần mềm.