09:27 02/03/2021

Triệt tiêu tâm lý "chợ chiều"

Nguyên Mẫn

Trên mọi lĩnh vực, Chính phủ vẫn giữ nguyên tinh thần quyết liệt...

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình không dự được cuộc gặp mặt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII không tái cử khóa XIII, bởi ông đang ở miền Nam để thực thi hàng loạt nhiệm vụ của Chính phủ.

MỌI "MẶT TRẬN" VẪN CẦN TINH THẦN QUYẾT LIỆT 

Những ngày sau Đại hội Đảng XIII vẫn là những ngày rất tất bật của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Ngay trong tối 30 Tết, ông đã phải làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh, chỉ đạo "phải luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị các kịch bản ứng phó các tình huống có thể xảy ra. Tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh"... 

Rồi những ngày cuối tháng 2, Phó Thủ tướng làm việc với nhiều tỉnh miền Nam. Ngày 27/2, ông phát lệnh khởi công dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước, huyện biên giới Tri Tôn, tỉnh An Giang; tiếp tục thôi thúc cuộc cách mạng phát triển nông nghiệp công nghiệp cao, lĩnh vực mà Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 đặc biệt chú trọng và dồn vào đó nhiều công sức để đưa lên thành một phong trào sâu rộng liên tục trong 5 năm qua. Ông cũng dự Lễ phát động Tết trồng cây tại khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn theo tinh thần Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng về tổ chức Tết trồng cây và chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh".

Liền sau đó, ngày 28/2, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có cuộc họp với tỉnh Thanh Hóa và một số bộ, ngành liên quan về triển khai dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc. Đây là dự án, không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn giúp giáo dục các thế hệ sau này về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, ý chí dân tộc. Đặc biệt, công trình còn nhằm tri ân những đóng góp, sự cưu mang của người dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết.

Cũng như Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng không tới dự được cuộc gặp mặt của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư bởi ông đang có chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình và tại đây công bố Quyết định số 180/QĐ-TTg, ngày 8/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái...

"Triệt tiêu tâm lý chợ chiều" là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng với 8 bộ, cơ quan liên quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật và có hiệu lực pháp luật trong thời gian tới; tình hình xây dựng, trình ban hành các đề án trong Chương trình công tác quý I/2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.

"Trắng nợ" văn bản là một trong những điểm sáng ấn tượng của nhiệm kỳ này và Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, ông Mai Tiến Dũng thấy rằng không thể và cũng không được phép để thành quả này bị ảnh hưởng bởi tâm lý "chợ chiều".

Năm 2021, năm cuối cùng của nhiệm kỳ, được mở màn với Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành ngay trong ngày đầu tiên của năm. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với Nghị quyết này, Chính phủ một lần nữa nêu bật thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng. Bất luận trong hoàn cảnh nào "lửa" cải cách cũng phải luôn "cháy", bởi nếu chỉ nguội đi một chút, chậm lại một chút, đứng yên một chút, tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau.

Còn trong cả tháng đầu tiên của năm 2021, khi cả nước náo nhiệt trong không khí Đại hội Đảng, không khí Tết và không khí chống dịch, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 08 Nghị định của Chính phủ và 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 gồm 09 chương và 101 Điều, tiếp tục các quy định "cởi trói" tối đa cho doanh nghiệp; Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/1/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 được ban hành nhằm quy định về chuẩn nghèo đa chiều để triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2021-2025) của đất nước và các địa phương...

Ở trên mọi lĩnh vực, Chính phủ vẫn giữ nguyên tinh thần quyết liệt. Như trong cuộc chiến chống dịch bệnh, hồi cuối tháng 1/2021, không ngại phản ứng của dư luận, người phát ngôn của Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng nói thẳng "không thể dập dịch trong 10 ngày". Sở dĩ ông Dũng phải đưa ra khẳng định như vậy vì Chính phủ không muốn người dân chủ quan, khi mà cuộc chiến này đang còn rất gian nan và kéo dài.

NHƯ KHÔNG HỀ CÓ CUỘC CHIA LY 

Trong 26 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, có 2 Phó Thủ tướng, 7 Bộ trưởng đã không tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, không còn là Ủy viên Trung ương Đảng nhưng còn là thành viên Chính phủ thì còn phải hoàn thành với trách nhiệm cao nhất mọi nhiệm vụ mà Chính phủ giao. Tháng 3 này, Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV sẽ dành tới 6,5 ngày cho công tác nhân sự một số vị trí trong bộ máy nhà nước.

Tại các nhiệm kỳ trước, chẳng hạn thời điểm sau Đại hội XI, tháng 1 năm 2011, một số thành viên Chính phủ không tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XI như Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, thì ông Truyền vẫn giữ cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ cho đến tháng 7/2011, là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ Chính phủ 2007- 2011.

Lúc này, mọi hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ vẫn giữ nhịp độ như không hề phía trước sẽ có cuộc chia ly. Thủ tướng Chính phủ vừa giao các bộ, ngành có liên quan và địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị "Hội nghị của Chính phủ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu". Dự kiến Hội nghị được tổ chức trong khoảng từ ngày 10-15/3/2021.

Vào tháng 9 năm 2017, lần đầu tiên có một hội nghị lớn, như mô tả của nhiều lãnh đạo địa phương trong vùng, "choáng ngợp", bởi quy tụ được đông đảo đại biểu là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương cùng đại biểu Quốc hội, chuyên gia cũng như các nhà tài trợ quốc tế đáp lời hiệu triệu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến để cùng ngồi bàn thảo đường hướng cứu Đồng bằng sông Cửu Long khỏi nguy cơ thảm họa vì biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị lần đầu tiên đó, Thủ tướng khẳng định, "ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô lớn để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ không họp để đưa ra chủ trương chung chung. Mà họp, để ra Nghị quyết, để bố trí nguồn lực. Ra được Nghị quyết rồi thì phải chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát, đốc thúc, không để chảy tuột như nước đổ lá khoai". Nghị quyết số 120/NQ-CP và Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết được ban hành sau đó với rất nhiều tâm huyết của Thủ tướng cũng như của cả Chính phủ. Chính phủ quyết đưa miền Tây trở lại thời kỳ trù phú. Và xuyên suốt từ đó đến nay, Nghị quyết 120 chưa từng "nguội". Ngay cả lúc này cũng vậy!