08:27 28/11/2023

Từ địa phương đến doanh nghiệp đón đầu và bình ổn thị trường Tết

Tuệ Mỹ

Chúng ta đang bước vào cao điểm mua sắm cuối năm. Để kích cầu tiêu dùng, các địa phương trên cả nước cũng đã sẵn sàng kế hoạch tổ chức các chương trình khuyến mãi, ưu đãi. Điểm chung là chương trình năm nay sẽ kéo dài hơn, ưu tiên quảng bá hàng Việt Nam…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), cho rằng giải pháp kích cầu quan trọng hiện nay là gắn liền với bình ổn thị trường. “Các doanh nghiệp bán lẻ dự báo, trong dịp Tết năm nay khách hàng sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm do giá điện, giá xăng dầu tăng cao. Do đó, bên cạnh làm việc với nhà cung cấp từ giữa năm để có phương án chuẩn bị nguồn hàng và mức giá hợp lý cho người tiêu dùng thì các đơn vị cũng chủ động những sản phẩm vừa túi tiền, không quá cầu kỳ, mang tính thiết thực cao để phục vụ người tiêu dùng,” ông Đức nói.

ĐÓN ĐẦU LÀN SÓNG TIÊU DÙNG CUỐI NĂM

Bắt nhịp thị trường, các đơn vị lớn như Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart, MM Mega Market... đã và đang liên tục thực hiện những đợt khuyến mãi lớn, kéo dài ở tất cả các ngành hàng. Đơn cử, tối 24/11 tại Big C Thăng Long, chuỗi sự kiện khuyến mại “Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale” và “Online xuống phố” năm 2023 đã chính thức khởi động. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các chương trình khuyến mại tập trung Thành phố Hà Nội 2023.

Tại sự kiện, rất nhiều doanh nghiệp đã đồng hành và tham gia nhiều năm liên tiếp, tiêu biểu như hệ thống siêu thị Big C - Tập đoàn Central Retail cho biết vào dịp này, hệ thống Big C luôn đạt doanh thu tăng hơn 200% so với ngày thường. Năm nay, Big C triển khai nhiều chương trình ưu đãi đặc biệt được chuẩn bị kỹ lưỡng, kết hợp với khu trưng bày flashsale tại siêu thị sẽ góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng hơn từ 20% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp bán lẻ dự báo, trong dịp Tết năm nay khách hàng sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm do giá điện, giá xăng dầu tăng cao.
Các doanh nghiệp bán lẻ dự báo, trong dịp Tết năm nay khách hàng sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm do giá điện, giá xăng dầu tăng cao.

Cũng nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Chương trình Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2023, tính riêng vào hai ngày thứ 7, chủ nhật tuần thứ 2 của tháng 11 (tức ngày 11, 12/11), sự kiện “Ngày Vàng giá shock” đã được triển khai đồng loạt tại 50 “Điểm Vàng” của chương trình là các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng lớn tại Hà Nội như: Mediamart, BRGmart, Big C, MM Megamarket, Nguyễn Kim, Vultex, Saigon Co.opmart, Doji, Lan Chi, Hiền Lương, Winmart, Đức Thịnh…

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, các đơn vị trực thuộc và Công ty thành viên Hapro đã lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ với số lượng hàng hóa trị giá 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, bao gồm lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo…

Tại TP.HCM, hệ thống bán lẻ Satra đã tăng cường dự trữ hàng hóa, các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, hàng bình ổn thị trường. Trong đó, dự trữ lượng hàng bình ổn tăng từ 6% đến hơn 14% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có mức tăng khác nhau từ 4% đến hơn 18%. Bà Phạm Thi Vân, Phó Tổng Giám đốc Satra, cho biết: “Dự kiến, tổng giá trị hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu dự trữ cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Thìn của chúng tôi ước hơn 550 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết Quý Mão 2023”.

Chuỗi sự kiện khuyến mại “Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale” và “Online xuống phố” năm 2023 đã chính thức khởi động.
Chuỗi sự kiện khuyến mại “Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale” và “Online xuống phố” năm 2023 đã chính thức khởi động.

Tương tự, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market Việt Nam cho biết, năm 2023 là một năm đầy thách thức, nhưng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng tăng trưởng mùa Tết khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Để đạt được mục tiêu này, siêu thị tổ chức một loạt chương trình từ giảm giá, khuyến mãi, bình ổn giá đến tiếp thị hàng Tết cho nhóm khách hàng chuyên nghiệp (doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, căn tin).

CÁC ĐỊA PHƯƠNG NỖ LỰC BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG

Nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, nhất là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công thương TP.HCM đã làm việc với các đơn vị bán lẻ để bình ổn thị trường; tập trung tổ chức chương trình khuyến mại, thực hiện chương trình, kết nối cung cầu; trong đó, đặc biệt chú ý liên kết vùng. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, làm sao đem chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.

Riêng TP.HCM, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản...

Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương Đà Nẵng cũng sẽ tổ chức một số sự kiện như phiên chợ thanh toán không tiền mặt kết hợp phát động “Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday” từ ngày 1 đến 3/12 với quy mô 50 gian hàng; phát động Tháng khuyến mại kích cầu mua sắm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đợt 2/2023 từ ngày 4/12/2023 đến 4/2/2024.

Cùng đó là chương trình quảng bá Sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng - Đà Nẵng 2023 (đợt 3) từ ngày 5 đến 7/12… Đặc biệt, từ ngày 23 đến 28/1/2024 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng dự kiến có 250 gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2024…

ạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp đủ lâu có thể sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào mùa cao điểm cuối năm.
ạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp đủ lâu có thể sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào mùa cao điểm cuối năm.

Tại Bình Dương, Kế hoạch Bình ổn thị trường và dự trữ hàng hóa thiết yếu cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ có sự tham gia của 17 doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường với tổng giá trị khoảng 11.602 tỷ đồng, không tính xăng dầu và thuốc trị bệnh.

Mặt hàng dự trữ bao gồm các nhóm chủ yếu như lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ và xăng dầu. Thời gian cao điểm thực hiện Kế hoạch đã được xác định từ ngày 1/12/2023 đến 1/3/2024. Sau đó, kế hoạch sẽ tiếp tục triển khai trong các tháng còn lại của năm 2024, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm và tăng cường tiêu dùng trong dịp Tết.

Theo báo cáo mới cập nhật của VNDirect, tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhận định riêng ngành bán lẻ, VNDirect đánh giá, thời điểm ảm đạm đã qua trong nửa đầu năm nay, đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực.

Các công ty phân phối và bán lẻ điện tử tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh nhất kể từ quý 4 trở đi nhờ triển vọng phục hồi vẫn tương đối lạc quan. Lạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp đủ lâu có thể sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào mùa cao điểm cuối năm.