14:53 14/11/2023

Doanh nghiệp bán lẻ chung tay bình ổn giá, vượt “bão” lạm phát

Tuệ Mỹ

Trong bối cảnh mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao, cộng với việc tăng lương cơ sở từ tháng 7/2023, người tiêu dùng lo ngại giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo. Tuy nhiên, các ngành chức năng và hệ thống bán lẻ đang thực hiện nhiều giải pháp để bình ổn thị trường...

Ảnh: MM Mega Market
Ảnh: MM Mega Market

Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đã xây dựng Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Giáp Thìn 2024. Đến nay, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân tốt nhất trong dịp cuối năm.

LOẠT CHƯƠNG TRÌNH KÍCH CẦU MUA SẮM

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, giữ giá, bình ổn giá, bảo đảm nguồn cung thị trường, kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua là nhiệm vụ trọng tâm được ngành công thương TP.HCM tập trung triển khai trong những tháng cuối năm 2023. Hiện 44 doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm đã đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM sẽ bán bình ổn giá 11 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Với chuỗi bán lẻ, MM Mega Market Việt Nam đã kết hợp cùng Sở Công Thương TP.HCM triển khai Chương trình “Đánh bại lạm phát, Mua hàng bình ổn, Tiết kiệm thông minh” nhằm bình ổn giá cho hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu. Danh mục hàng bình ổn giá tại MM Mega Market trải rộng từ bánh tươi, thực phẩm chế biến, nước giải khát, cho đến vật dụng gia đình, bánh – kẹo – ngũ cốc, thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường, nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa tốt nhất trong dịp cuối năm.
Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường, nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa tốt nhất trong dịp cuối năm.

Các mặt hàng trong Chương trình sẽ sắp xếp theo từng ngành hàng và được gắn nhãn “Đánh bại lạm phát” để khách hàng dễ dàng nhận biết. Bên cạnh đó, MM Việt Nam cũng triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, áp dụng mức giảm từ 10-30% kéo dài xuyên suốt cuối năm đến dịp Tết nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2023.

Điểm mới trong chiến lược mua sắm cuối năm của MM Mega Market còn là chương trình là giới thiệu hàng Tết cho hơn 30.000 khách hàng trọng điểm thuộc nhóm B2B chuyên nghiệp (bao gồm doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, căn tin) bắt đầu từ ngày 14/11 tại MM Bình Phú và sau đó sẽ tiếp tục diễn ra tại 4 trung tâm khác là MM Hưng Lợi, Thăng Long, Đà Nẵng, và Biên Hòa đến hết 7/12. Thông qua chương trình, MM Mega Market kỳ vọng khuyến khích khách hàng B2B chủ động nguồn hàng, đặt hàng sớm trước giai đoạn cao điểm để cùng chung tay bình ổn giá thị trường.

Một số các doanh nghiệp bán lẻ khác cũng dự báo, trong dịp Tết năm nay khách hàng sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm do giá điện, giá xăng dầu tăng cao. Do đó, bên cạnh làm việc với nhà cung cấp từ giữa năm để có phương án chuẩn bị nguồn hàng và mức giá hợp lý cho người tiêu dùng thì các đơn vị cũng chủ động những sản phẩm vừa túi tiền, không quá cầu kỳ, mang tính ứng dụng cao để phục vụ người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, thị trường bán lẻ dự báo vẫn tiếp tục khó khăn. “Doanh nghiệp linh động phối hợp với nhà cung cấp, đối tác nhằm tiết giảm chi phí tối đa và giảm lợi nhuận để mang lại giá cả hợp lý trong dịp Tết. Đồng thời, siêu thị triển khai chương trình Tết Nguyên đán 2024 với nhiều ưu đãi để người tiêu dùng có được mùa Tết trọn vẹn”, ông Nguyễn Ngọc Thắng cho hay.

Các mặt hàng trong chương trình bình ổn của MM Mega Market sẽ được gắn nhãn “Đánh bại lạm phát” để khách hàng dễ dàng nhận biết.
Các mặt hàng trong chương trình bình ổn của MM Mega Market sẽ được gắn nhãn “Đánh bại lạm phát” để khách hàng dễ dàng nhận biết.

Tương tự, tại Hà Nội, chương trình bình ổn thị trường cuối năm và Tết cũng đang được doanh nghiệp rục rịch triển khai, lượng hàng tăng từ 5 - 7% so với năm trước. Đặc biệt năm nay, thành phố Hà Nội tăng lượng hàng đặc sản vùng miền để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết và hỗ trợ các địa phương tiêu thụ hàng hoá. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho hay; “Trong thời gian tới, siêu thị sẽ làm việc với hơn 1.000 nhà cung cấp để đặt một số lượng hàng lớn trong thời gian nhất định, nhằm đảm bảo hàng hóa luôn dồi dào và đảm bảo chính sách về giá".

TẬP TRUNG VÀO MỤC TIÊU BÌNH ỔN GIÁ

Nhận định về thị trường nội địa dịp cuối năm và Tết Giáp Thìn năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhu cầu tiêu dùng của người dân theo thông lệ sẽ tăng lên trong những ngày giáp Tết, tuy nhiên, nhu cầu mua tích trữ hàng hóa giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng. Do đó, với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các doanh nghiệp, công tác chỉ đạo, điều hành cùng với chương trình bình ổn thị trường tại nhiều địa phương sẽ bảo đảm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu người dân.

"Từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương cũng có những chỉ đạo với UBND các tỉnh, thành phố và Sở Công Thương đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán năm 2024. Những hàng hóa để phục vụ người dân trong dịp Lễ Tết sẽ được bảo đảm đầy đủ, với giá cả phù hợp", bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thông tin.

Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối bán buôn bán lẻ, chợ trung tâm thương mại, kho để nắm được nguồn cung cũng như giá bán, có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm về găm hàng, đầu cơ gây ảnh hưởng giá cả thị trường.

Chuỗi Co.opmart phối hợp với nhà cung cấp, đối tác nhằm tiết giảm chi phí tối đa để mang lại nguồn hàng phong ohus có giá cả hợp lý trong dịp Tết. 
Chuỗi Co.opmart phối hợp với nhà cung cấp, đối tác nhằm tiết giảm chi phí tối đa để mang lại nguồn hàng phong ohus có giá cả hợp lý trong dịp Tết. 

Về phía Sở Công Thương TP.HCM, đơn vị dự báo sức mua mùa Tết năm nay tăng khoảng 11 - 13% so với Tết Quý Mão 2023. Sức mua sẽ tập trung vào nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bánh kẹo, nước giải khát, quần áo, giày dép, đồ dùng... Các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản...

Đối với mặt hàng gạo, vừa qua Sở Công thương TP.HCM cũng đã tổ chức kiểm tra nguồn hàng gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu cho thấy, giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán do phụ thuộc nhu cầu của các thị trường lớn và tính toán chiến lược của các nước xuất khẩu. Sở Công thương đang theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tại Hà Nội, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan chia sẻ, sở đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng ít nhất 30% ngoài kế hoạch của thành phố giao. Bên cạnh đó, khi nhu cầu thị trường tăng cao có thể gây ra tình trạng tăng giá đột biến, vì thế Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đã cam kết bình ổn giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thủy, hải sản...